Bức tranh buồn
Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế quản lý hệ thống di tích triều Nguyễn, trải dài từ thành phố Huế đến hai thị xã Hương Thủy, Hương Trà. Nhiều năm qua, trung tâm đã triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ, nhưng đến nay vẫn chưa thể ngăn chặn triệt để tình trạng người dân viết, vẽ, dán quảng cáo bừa bãi lên di sản.
Ông Nguyễn Văn Dũng, nhân viên phòng quản lý bảo vệ, Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết: Trên hệ thống di tích triều Nguyễn do Trung tâm quản lý có nhiều nơi bị người dân kẻ, vẽ, khắc sâu lên hiện vật, đến nay vẫn chưa khắc phục được. Thí dụ trên cửa Ngăn - một trong 10 cửa chính của di tích kinh thành Huế vẫn còn nhiều nét chữ được khắc lên bức tường vôi mà nội dung viết trên đó cho thấy chúng được viết từ năm 1971, tức là có cách đây gần nửa thế kỷ.
Hoặc ở trên lưng con rùa đội bia đá ở chùa Thiên Mụ có hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn cái tên được khắc sâu vào mặt đá. Không ai biết, các nét khắc này có từ lúc nào, nhưng có thể chắc chắn một điều rằng, hàng trăm năm sau, những cái tên kia vẫn còn nằm ở đó như minh chứng cho chừng đấy con người thiếu ý thức trong việc giữ gìn các giá trị văn hóa.
Điều đáng buồn, những dẫn chứng trên không phải là cá biệt. Nó hiện diện nhiều nơi trên những cổng thành, bức tường rêu trong Đại Nội, trên các lăng vua, các tấm bia đá ở Văn miếu, chùa Thiên Mụ, phía sau tượng phật đứng ở cầu Tuần…
Có giảm
Cũng ông Nguyễn Văn Dũng, nhân viên bảo vệ của Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết: Sau thời gian dài vận động, tăng cường tuần tra nhắc nhở, tình trạng người dân, khách du lịch viết vẽ lên di tích ở Huế đến nay đã giảm nhiều so với trước. Tuy nhiên, nạn dán quảng cáo trên tường di tích, nhất là khu vực các cổng thành đang có nhiều diễn biến phức tạp. Kế đó, tình trạng viết các câu cầu khấn ở các điểm di tích tâm linh đang có xu hướng tăng lên.
Không phủ nhận điều này, Phó phòng Quản lý, bảo vệ, Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế, ông Dương Ngọc Minh cho hay, khi có mặt lực lượng bảo vệ, người dân và du khách vẫn ngại, không viết. Nhưng khi không có bảo vệ, hoặc đến tối thì khác.
Mặt sau tấm bia đá trên chùa Thiên Mụ, Huế “vừa chùi sạch hôm trước, hôm sau lại bị viết bẩn”.
Để bảo vệ di tích trong phạm vi Trung tâm quản lý, ông Dương Ngọc Minh nói: Hằng ngày nhân viên bảo vệ của trung tâm phải làm công tác bảo dưỡng, vệ sinh cho di tích. Khi phát hiện di tích bị du khách và dân địa phương bôi bẩn, nhân viên phải lập tức lau chùi. Cách làm này chỉ có thể xử lý với những vết bẩn dễ tẩy rửa, còn với những vết khắc sâu trên tường vôi và đá thì thường không có kết quả.
Vậy nên bên cạnh việc xử lý hậu quả, Trung tâm đang dần trang bị hệ thống camera để phát hiện, ngăn chặn sớm các hành vi vi phạm di tích. Đây cũng có thể là kho dữ liệu để cung cấp cho các cơ quan quản lý Nhà nước khi cần.
Có luật thì phải làm theo luật
Ông Dương Ngọc Minh băn khoăn, Trung tâm được giao quản lý - bảo vệ hệ thống di tích rất lớn, nhưng không được giao quyền xử phạt đối tượng làm hại di tích. Nếu có một cơ chế đặc thù dành cho trung tâm, thì khi phát hiện có người xâm hại, Trung tâm có thể sẽ lập biên bản vi phạm, tiếp đó buộc đối tượng tham gia lao động công ích như dọn vệ sinh, lau chùi di tích… Hình phạt sẽ tương ứng với hành vi vi phạm của đối tượng.
Theo luật sư Lê Văn Lập, Trưởng Văn phòng luật sư VADEIN, thuộc đoàn luật sư Thừa Thiên- Huế thì đó cũng là một ý kiến đáng để tham khảo.
Đồng thời luật sư Lê Văn Lập cho rằng: Tôi nhận thấy dường như các cơ quan chức năng đang ngại việc hình sự hóa các vấn đề dân sự, vì cho rằng, mối quan hệ giữa người dân và di sản vẫn là mối quan hệ dân sự. Tuy nhiên, thực tế thì khác, theo tôi hành vi xâm hại di tích, di sản cần phải được khởi tố. Bởi hành vi viết vẽ, chạm khắc lên di sản đã đủ yếu tố cấu thành tội hủy hoại di sản mà Bộ Luật di sản văn hóa bổ sung năm 2009 và Bộ Luật hình sự năm 2015 đã quy định. Các văn bản, Nghị định hướng dẫn thi hành điều 13 Luật di sản văn hóa bổ sung năm 2009 qui định rõ hành vi hủy hoại di sản văn hóa tùy mức độ, có thể sẽ bị phạt tiền từ một đến 40 triệu đồng.
Điều 178 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Theo đó, người phạm tội này có thể sẽ phải đối diện với mực phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến ba năm; hoặc hai năm đến 20 năm tùy mức độ thiệt hại.