Từ sự tò mò sau khi đọc bản tóm tắt in trong Kỷ yếu Hội nghị, tôi đã tìm đọc toàn văn tham luận của PGS TS Đỗ Lai Thuý trên website vienvanhoc.org và lấy làm buồn, vì trong khi đề xuất ý tưởng và chứng minh theo lối “loại suy” để đi tới kết luận rằng hướng nghiên cứu - phê bình văn chương từ quan hệ giữa văn hóa với văn học sẽ làm xuất hiện một “phương pháp phê bình mới”, PGS TS Đỗ Lai Thuý đã xuất phát từ các tiền đề lý luận - thực tiễn rất thiếu chính xác và thiếu cơ bản.
Vả lại, vì tôi cũng thấy rằng, nghiên cứu - phê bình văn chương trong quan hệ với văn hóa không phải một phương thức tiếp cận mới mẻ ở Việt Nam, một số công trình của các học giả như Hoài Thanh, Đặng Thai Mai, Trần Đình Hượu... đã từng khảo sát văn chương từ quan hệ này, như trong bài tiểu luận bất hủ mở đầu cuốn Thi nhân Việt Nam, khi nghiên cứu Thơ mới, Hoài Thanh đã đặt ra vấn đề xem xét từ: “Một xã hội suốt mấy nghìn năm kéo dài một cuộc sống gần như không thay đổi, về hình thức cũng như về tinh thần… Nhưng, nhất đán, một cơn gió mạnh bỗng từ xa thổi đến. Cả nền tảng xưa bị một phe điên đảo, lung lay. Sự gặp gỡ phương Tây là cuộc biến thiên lớn nhất trong lịch sử Việt Nam từ mấy mươi thế kỷ”(1).
Lịch sử của phương thức tiếp cận này càng trở nên sáng rõ hơn với các công trình nghiên cứu văn chương Việt Nam thời Trung đại của một số tác giả như PGS TS Trần Ngọc Vương, PGS TS Trần Nho Thìn…, đặc biệt là trong nhiều công trình của PGS Phan Ngọc, trong cuốn Thử xét văn hóa - văn học bằng ngôn ngữ học, Phan Ngọc viết khá cụ thể: “Tôi cố gắng tìm hiểu văn học trên cơ sở văn hóa để giải thích thần thoại Việt - Mường, ảnh hưởng văn học Pháp ở Việt Nam…”(2). Phải đưa ra một lược khảo như thế vì tôi muốn nói rằng, ý tưởng và các tri thức lý luận - thực tiễn đã được huy động để chứng minh cho tính hữu lý của ý tưởng được trình bày một cách rối rắm như muốn tạo ra không khí uyên bác trong bài viết của ông Đỗ Lai Thuý, thật ra đã được phát hiện trước đó khá lâu, rất tiếc là con đường mà người đi trước mở lối đã bị ông hoạch định lại từ cái “cột mốc” xem ra là rất tù mù.
Tuy nhiên, điều tôi trình bày dưới đây không nhằm mục đích chứng minh PGS TS Đỗ Lai Thuý chỉ là một người “đi sau nói to”, tôi chỉ muốn chỉ ra các khiếm khuyết cơ bản lẽ ra không thể có ở một người làm công việc nghiên cứu qua bản tham luận Mối quan hệ văn hóa - văn học nhìn từ lý thuyết hệ thống của ông.
1. Lý giải tại sao cần “thay đổi cái nhìn” về quan hệ văn hóa - văn chương, PGS TS Đỗ Lai Thuý viết: “Trước đây, quan hệ văn hóa và văn học được coi là quan hệ tương hỗ. Thứ quan hệ ngang bằng của hai hình thái ý thức xã hội cùng thuộc thượng tầng kiến trúc, cùng phản ánh một cơ sở hạ tầng. Bởi thế, nghiên cứu văn hóa thì văn học được coi như một nguồn tài liệu, còn nghiên cứu văn học thì lại tìm thấy ở nó những chủ đề văn hóa, cũng là một kiểu tài liệu. Như vậy, văn hóa và văn học làm tài liệu nghiên cứu cho nhau. Quan hệ này mang tính bề ngoài, đôi khi tình cờ, không bộc lộ bản chất của nhau”(3), trong bản tóm tắt đăng tại kỷ yếu Hội nghị, Đỗ Lai Thúy viết cụ thể hơn: “Quan hệ văn hóa và văn chương, theo chúng tôi, không phải là quan hệ ngang bằng giữa các hình thái ý thức xã hội thuộc thượng tầng kiến trúc như xã hội học macxit quan niệm, mà là quan hệ của tổng thể (văn hóa) với bộ phận (văn chương), của hệ thống so với yếu tố”.
Theo tôi, cách đặt vấn đề này là không thoả đáng, đó chỉ là suy đoán chủ quan, thiếu cơ sở khoa học. Có thể tôi chưa có khả năng và điều kiện nghiên cứu thâm sâu như PGS TS Đỗ Lai Thuý, song quả thật tôi chưa bao giờ có cơ may được tiếp xúc với bất kỳ công trình “xã hội học macxit” nào coi văn hóa và văn học (theo tôi chính xác phải gọi là văn chương, bởi văn học là bộ môn khoa học lấy văn chương làm đối tượng nghiên cứu) là hai hình thái ý thức xã hội có quan hệ “ngang bằng”.
Xét từ chủ nghĩa duy vật lịch sử, vấn đề lại càng hư vô, bởi dù có “bói” cũng không ra trong sự phân loại hình thái ý thức xã hội của chủ nghĩa duy vật lịch sử trước đây (chính trị, pháp quyền, tôn giáo, đạo đức, nghệ thuật - hình thái mà tôi đồ rằng đã có thời từ đó người ta đã “suy ra” quan niệm coi văn học là một hình thái ý thức xã hội?!,…) lại có hai hình thái ý thức xã hội được gọi là văn hóa và văn học. Còn theo quan niệm của chủ nghĩa duy vật lịch sử hiện nay, thì dù phân loại theo trình độ và cấp độ của ý thức (ý thức xã hội thông thường và ý thức lý luận, tâm lý xã hội và hệ tư tưởng), theo nhóm chủ thể (dân tộc, giai cấp…) hay theo góc độ phản ánh (chính trị, pháp quyền, đạo đức, tôn giáo, thẩm mỹ…) cũng hoàn toàn không có bóng dáng của hai hình thái ý thức xã hội là văn hóa và văn học.
Ngày nay ở Việt Nam, quan niệm coi “văn học là một hình thái ý thức xã hội” đã xưa như trái đất, bởi nó phi lý ít nhất cũng về logic hình thức nếu từ đó người ta khẳng định theo lối ngoại suy rằng “sân khấu là một hình thái ý thức xã hội”, “âm nhạc là một hình thái xã hội”…
Sử dụng một quan niệm từng xuất hiện trong quá khứ (nói cách khác là đã bị vượt qua) để thay thế cho một quan niệm trong hiện tại rồi dựa vào đó để bác bỏ liệu có phải là một thao tác khoa học nghiêm cách?
Tôi không cho rằng vấn đề PGS TS Đỗ Lai Thúy đặt ra là không thể tiếp cận từ góc độ triết học, nhưng tôi nghĩ ít nhất khi đặt ra sự tiếp cận ấy, người ta phải dựa trên nền tảng một tri thức cơ bản và cập nhật, chứ không nên thoả mãn với những suy đoán cảm tính. Xin đừng mang khái niệm hình thái ý thức ra trình diễn trong khi nắm bắt chưa thấu đáo về nó. Mặt khác, xin nói thêm rằng, dù văn hóa có thể được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau (tuỳ thuộc vào quan niệm, vào góc độ nghiên cứu) và dẫu theo nghĩa rộng hay theo nghĩa hẹp, thì văn hóa vẫn là nó từ khi con người bắt đầu biết sáng tạo (dù chỉ là sáng tạo một chiếc rìu đá, một mũi lao bằng xương, hay một mảnh vỏ sui làm khố…), đâu chờ tới khi trong cuộc sống loài người xuất hiện quan hệ giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội thì văn hóa mới ra đời.
PGS TS Đỗ Lai Thuý có thể kiểm tra điều này nếu ông tham khảo một số cuốn sách có liên quan tới văn hóa học. Nên tôi lấy làm khôi hài khi nhà nghiên cứu đã “phịa” ra một tiền đề khoa học bằng cách tạo dựng ra quan niệm coi “văn hóa” là một hình thái ý thức xã hội để xác lập quan hệ của nó với “văn học” - một hình thái ý thức xã hội khác, để từ đó bác bỏ (!).
Thao tác “bất bình thường” của PGS TS Đỗ Lai Thuý làm tôi tự hỏi: Như vậy, trí tưởng tượng khoa học của ông có phong phú quá hay không, và phải chăng để luận chứng cho sự ra đời của một “phương pháp phê bình mới”, ông đã dựa trên một tiền đề lý luận - thực tiễn còn mang màu sắc chủ quan và cảm tính?
2. Lý giải quan hệ giữa văn hóa và văn học, PGS TS Đỗ Lai Thuý viết tiếp: “Ngày nay, hẳn ai cũng thừa nhận văn hóa là một tổng thể, một hệ thống, bao gồm nhiều yếu tố trong đó có văn học. Như vậy, văn hóa chi phối văn học với tư cách là hệ thống chi phối yếu tố, toàn thể chi phối bộ phận. Đây là quan hệ bất khả kháng. Tuy nhiên, văn học so với các yếu tố khác là một yếu tố mạnh và năng động. Bởi thế, nó luôn có xu hướng đi trượt ra ngoài hệ thống. Trong khi đó thì hệ thống, nhất là hệ thống văn hóa, luôn có xu hướng duy trì sự ổn định, như vậy, sự xung đột, sự chống lại của văn học đối với văn hóa là không thể tránh khỏi. Nhưng nhờ thế mà văn học có sáng tạo. Sáng tạo những giá trị mới cho bản thân nó và cho hệ thống. Sáng tạo lớn thì có thể dẫn tới sự thay đổi của hệ thống. Nếu văn học chỉ là một bộ phận của văn hóa, một yếu tố trong hệ thống văn hóa thì nó không thể và không có quyền “vượt mặt” hệ thống để tiếp xúc với hoặc tác động trực tiếp đến hệ thống xã hội, mà phải gián tiếp qua hệ thống văn hóa. Từ đây, có thể thấy văn học nếu có chức năng phản ánh hiện thực thì cũng không thể phản ánh trực tiếp được mà chỉ có thể phản ánh thông qua "lăng kính" văn hóa, thông qua “bộ lọc” của các giá trị văn hóa. Nhờ thế mà tránh được sự phản ánh "gương" phản ánh một cách trần trụi. Và, có lẽ, cũng nhờ thế mà tạo cho văn học một lối phản ánh đặc trưng, phản ánh, như người ta thường nói, có nghệ thuật. Nhưng liệu một tia sáng phản chiếu mà phải đi qua một bầu khí quyển văn hóa với nhiều khúc xạ như vậy thì có còn nguyên giá trị phản ánh hay chỉ còn là giá trị thẩm mỹ? Vì thế, cũng có thể kết luận rằng, văn học không thể có ảnh hưởng tức thời, trực tiếp đến hành động của con người mà chỉ có thể tác động đến con người với tư cách là chủ / khách thể của văn hóa, làm cho con người biến chuyển rồi mới phát sinh hành động cụ thể”.
Quả thật, với trí tuệ kém cỏi của mình, tôi phải đọc đi đọc lại vài lần mới có thể lĩnh hội sự phân tích của PGS TS Đỗ Lai Thuý. Nắm bắt được “thâm ý” từ những điều ông viết, tôi hiểu hoá ra Đỗ Lai Thuý muốn nhấn mạnh vai trò của văn học đối với văn hóa trong tư cách là yếu tố của hệ thống thông qua khẳng định: “Tuy nhiên, văn học so với các yếu tố khác là một yếu tố mạnh và năng động. Bởi thế, nó luôn có xu hướng đi trượt ra ngoài hệ thống”.
Tôi nghĩ, nếu thật sự được trang bị kiến thức cơ bản về văn hóa học, người ta sẽ không chỉ nhìn văn hóa như hệ thống “luôn có xu hướng duy trì sự ổn định”, mà còn nhìn văn hóa cả trong tính liên tục lịch sử, hay như nhiều người vẫn coi văn hóa là “dòng chảy không ngừng”, nói cách khác là cần nhìn văn hóa trong xu thế vừa tĩnh vừa động. Tính liên tục lịch sử của văn hóa được xác lập bởi tính liên tục của quá trình nhận thức - sáng tạo của con người, thể hiện trực tiếp và cụ thể qua các lĩnh vực khác nhau của văn hóa, trong đó văn học cũng chỉ là một lĩnh vực.
Do đó cái gọi là “xu hướng duy trì sự ổn định” chỉ có ý nghĩa tương đối, và thường được nhắc tới khi người nghiên cứu cần khảo sát văn hóa trong tương quan với lịch sử - xã hội, còn trong thực tế, văn hóa là một thực thể vận động và luôn luôn vận động phát triển. Vả lại, nếu tiếp cận đối tượng nghiên cứu từ lý thuyết hệ thống thì thiết nghĩ không nên (không thể?) tuyệt đối hoá bất kỳ yếu tố nào của hệ thống đó. Như đối với hệ thống văn hóa, chẳng lẽ các yếu tố tư tưởng, kinh tế, đạo đức, pháp luật… lại không quan trọng bằng yếu tố văn học hay sao? Nên tôi nghi ngờ điều Đỗ Lai Thuý cho rằng văn học: “Sáng tạo những giá trị mới cho bản thân nó và cho hệ thống. Sáng tạo lớn thì có thể dẫn tới sự thay đổi của hệ thống”. Kính mong PGS TS Đỗ Lai Thuý thử đưa ra một dẫn dụ để chứng minh trong một thời kỳ nào đó của lịch sử loài người, đã có lúc các sáng tạo văn học từng dẫn tới sự thay đổi của hệ thống văn hóa?
Mặt khác, tôi coi điều PGS TS Đỗ Lai Thuý khẳng định hệ thống văn hóa: “luôn có xu hướng duy trì sự ổn định, như vậy, sự xung đột, sự chống lại của văn học đối với văn hóa là không thể tránh khỏi” là hết sức mập mờ, và tôi không rõ do chưa nắm bắt thấu đáo hay vì muốn đưa ra một thứ luận lý “mập mờ” mà ông đã viết như vậy. Bởi trong quan hệ biện chứng, mọi tác phẩm văn học chân chính đều mang tính “lưỡng trị”, chúng vừa là văn học vừa là văn hóa. Vì vậy, tác phẩm văn học chỉ xung đột hay chống lại những gì trái chiều với xu thế phát triển tích cực (mà bản chất là “phản văn hóa”) chứ làm sao có thể xung đột hay chống lại văn hóa. Nói cách khác, văn học chỉ xung đột hay chống lại “phản văn hóa” chứ không bao giờ xung đột hay chống lại văn hóa. Như ở Việt Nam chẳng hạn, chỉ những tác phẩm văn học nào cổ vũ cho cái xấu, cái ác, làm tha hóa con người, làm tổn thương lòng tự tôn dân tộc, “đạo văn" của người khác… là xung đột hay chống lại văn hóa chứ không bao giờ được coi là sản phẩm văn hóa - văn học. Cùng với các thành tố văn hóa khác, văn học chân chính bao giờ cũng góp phần làm cho văn hóa của mỗi dân tộc, văn hóa của loài người ngày càng trở nên phong phú, đa dạng, sinh động…, ngày càng trở nên hữu ích đối với tất cả mọi người, và ai đó đã rất có lý khi khẳng định văn hóa là nền tảng đầu tiên và duy nhất giúp mỗi con người thật sự trở thành người… Thật đáng buồn, là một tác giả như PGS TS Đỗ Lai Thúy - người thường tỏ ra khá am tường về văn hóa qua một số bài viết, lại không nắm được các vấn đề lý luận - thực tiễn có tính bản chất trên đây hay sao?
Gần đây, để chứng minh hướng nghiên cứu - phê bình văn học từ lý thuyết hệ thống của PGS TS Đỗ Lai Thuý còn khá bất cập, tôi đã công bố bài Từ quan hệ văn hóa - văn chương đến một hướng nghiên cứu - phê bình có triển vọng (http://www.nhandan.com.vn, 15.12.2006), nên ở đây tôi không trình bày lại.
Chỉ xin khái quát đôi nét là theo tôi, ở Việt Nam, việc sử dụng lý thuyết hệ thống trong nghiên cứu văn hóa không phải là phát kiến mới mẻ và chỉ thích hợp với việc mô tả quan hệ văn hóa - văn học (như GS TS Trần Ngọc Thêm đã thực hiện trong cuốn Cơ sở văn hóa Việt Nam, xuất bản vào năm 1996), như vậy, có lẽ sẽ là bất khả nếu người làm nghiên cứu - phê bình văn học muốn chỉ ra trong một cuốn tiểu thuyết, hay một bài thơ… đâu là hệ thống, đâu là yếu tố. Từ đó tôi cho rằng, cần xem xét quan hệ văn học - văn hóa từ góc độ của quan hệ giữa cái chung - văn hóa với cái riêng - văn chương.
Góc độ tiếp cận này không những chỉ ra biện chứng của quan hệ, có khả năng tìm hiểu “tính văn hóa” xuyên thấm trong mọi tác phẩm văn chương như thế nào, trực tiếp “giải” các “mã văn hóa” còn tiềm ẩn trong mỗi tác phẩm, đồng thời lý giải tại sao văn chương vừa phản ánh về văn hóa lại vừa góp phần làm phong phú văn hóa… Đây là những kết quả mà bằng tiếp cận hệ thống, người ta sẽ rất khó lòng khám phá.
3. PGS TS Đỗ Lai Thuý viết: “Nếu văn học chỉ là một bộ phận của văn hóa và chỉ "quan hệ" với hệ thống xã hội thông qua hệ thống văn hóa, thì khung nghiên cứu của văn học cũng phải là khung văn hóa. Vậy mà cho đến nay, nghiên cứu văn học Việt Nam chỉ được tiến hành trên một cái khung duy nhất là năm hình thái kinh tế - xã hội. Do sự khập khiễng này, nhiều nhà nghiên cứu đã vấp phải những vấn đề nan giải. Bởi vậy, cần phải tìm một khung nghiên cứu phù hợp hơn. Đó là cách tiếp cận văn minh. Cho đến nay loài người đã trải qua ba giai đoạn văn minh lớn, cơ bản: Văn minh gốc tự nhiên, văn minh gốc kỹ thuật và văn minh gốc con người. Sự phân biệt này của G.Diligenski cũng tương tự như A.Toffler với ba làn sóng văn minh: văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp và văn minh hậu công nghiệp (tức văn minh trí tuệ). Nếu cách tiếp cận hình thái chỉ lấy một mặt nào đó trong đời sống làm người cơ sở, thì cách tiếp cận văn minh lấy con người tổng thể với muôn mặt hành động và đời sống của nó làm cơ sở? Nếu ở cách tiếp cận hình thái, văn hóa chỉ được coi là một bộ phận của đời sống xã hội, thì với cách tiếp cận văn minh, văn hóa không thể chỉ được xem xét trong tổng thể của nó, mà còn được đặt trong tổng thể đời sống con người và xã hội. Văn hóa, bởi thế, được coi cùng cấp độ với văn minh. Như vậy, có thể đưa ra một khung văn hóa trên cơ sở tiếp cận văn minh là, văn hóa nông nghiệp, (nông thôn, tiền hiện đại), văn hóa công nghiệp (đô thị, hiện đại) và văn hóa hậu công nghiệp (tin học, hậu hiện đại)”. Đọc các lập luận trên đây, xem ra điều tôi nghi ngờ PGS TS Đỗ Lai Thuý nắm bắt vấn đề do ông đặt ra còn khá hời hợt là có cơ sở.
Thứ nhất, ông đã có một luận chứng không rành mạch để có thể đẩy tới nhầm lẫn quan trọng là coi hệ thống xã hội là một cái gì đó độc lập với văn hóa. Thưa ông, nếu thật sự thấu triệt góc nhìn văn hóa từ lý thuyết hệ thống, ông sẽ thấy hệ thống xã hội chính là biểu hiện cụ thể của “văn hóa tổ chức xã hội” - một yếu tố cấu thành của hệ thống văn hóa.
Thứ hai, điều ông khẳng định: “cho đến nay, nghiên cứu văn học Việt Nam chỉ được tiến hành trên một cái khung duy nhất là năm hình thái kinh tế - xã hội” theo tôi đích thị là một “hiện trường giả”. Trường khảo sát của tôi có thể còn có hạn chế, song cho đến nay, tôi chỉ thấy về thời gian, “cái khung” nghiên cứu - phê bình văn chương ở Việt Nam được định vị trong các giới hạn cổ đại, trung đại, hiện đại chứ tôi chưa thấy công trình nghiên cứu văn chương nào đặt vấn đề tiếp cận từ năm hình thái kinh tế - xã hội. Vài chục năm trước, cũng có vài ba tác giả đề cập tới cách tiếp cận này (như chỉ phân tích từ nội dung đấu tranh giai cấp chẳng hạn), nhưng vài thập kỷ nay, giới nghiên cứu - phê bình đã mở rộng phạm vi khảo sát văn chương ra rất nhiều, và tôi lại kính mong PGS TS Đỗ Lai Thuý thử tiếp tục đưa ra một dẫn dụ đề chứng minh điểu ông khẳng định là có cơ sở thực tế và phổ biến với ý nghĩa là: “chỉ được tiến hành trên một cái khung duy nhất”?
Thứ ba, để khắc phục các “hạn chế” do ông tưởng tượng ra, PGS TS Đỗ Lai Thuý đề xuất ý tưởng “cần phải tìm một khung nghiên cứu phù hợp hơn. Đó là cách tiếp cận văn minh” và ông luận chứng một cách lòng vòng và mù mờ để cuối cùng đi tới một kết luận rất trái khoáy là: “Văn hóa, bởi thế, được coi cùng cấp độ với văn minh”. Viết như Đỗ Lai Thuý thì hoá ra văn minh là một lĩnh vực độc lập trong quan hệ với văn hóa, trong khi đó, từ sự thiển học của mình, tôi lại biết rằng văn minh điểm sáng, là biểu thị cho sự phát triển của văn hóa về trình độ kỹ thuật, và thật vậy, tự thân các khái niệm văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp, văn minh hậu công nghiệp đã cho thấy chúng có nguồn gốc từ đâu.
Mọi thành tựu của văn minh chỉ có giá trị xã hội - con người khi chúng chuyển tải trong đó ý nghĩa văn hóa, nhưng không phải bất kỳ thành tựu văn hóa nào cũng được coi là văn minh. Như các giá trị nhân văn chẳng hạn, tôi đoán chắc đấy không phải là sản phẩm của văn minh công nghiệp, cũng đoán chắc đó là một giá trị văn hóa mà dù có sống ở thời đại của văn minh hậu công nghiệp hay “văn minh gì gì…” đi chăng nữa, người ta cũng không thể bỏ qua. Nên trong cả lý luận và thực tiễn, không có chuyện văn hóa lại “cùng cấp độ với văn minh”. Có ai lại coi cái biểu thị là có cùng cấp độ với cái được biểu thị bao giờ!?
Mặt khác, thưa ông, các thành tựu của văn minh là mang tính “xuyên biên giới” (như máy bay, ô-tô, vi tính, karaoke…) và rất hạn chế trong việc giúp nhận diện “căn tính văn hóa” của mỗi dân tộc. Còn với thành tựu văn hóa, ngoài các giá trị mang tính nhân loại phổ biến, thì do gắn liền với một cộng đồng cụ thể nên chúng mang các ý nghĩa thuộc về bản sắc văn hóa. Điều đó chi phối thuộc tính văn hóa của mỗi tác phẩm văn chương, quyết định mỗi tác phẩm văn chương trước hết là thuộc về một nền văn hóa. Và như thế, nghiên cứu - phê bình tác phẩm văn chương từ tiếp cận văn minh như Đỗ Lai Thuý đề xuất liệu có khả năng “giải” các “mã văn hóa” mang tính bản sắc trong mỗi tác phẩm văn chương? Tôi đồ rằng, do chưa tìm hiểu quan hệ văn hóa - văn minh, nên PGS TS Đỗ Lai Thuý đã “gán” cho văn minh những ý nghĩa của chính văn hóa, như ông viết: “Nếu cách tiếp cận hình thái chỉ lấy một mặt nào đó trong đời sống làm người cơ sở, thì cách tiếp cận văn minh lấy con người tổng thể với muôn mặt hành động và đời sống của nó làm cơ sở? Nếu ở cách tiếp cận hình thái, văn hóa chỉ được coi là một bộ phận của đời sống xã hội, thì với cách tiếp cận văn minh, văn hóa không thể chỉ được xem xét trong tổng thể của nó, mà còn được đặt trong tổng thể đời sống con người và xã hội”.
Người ta nghiên cứu văn hóa để qua đó tìm hiểu văn minh, thì PGS TS Đỗ Lai Thuý lại đi theo chiều ngược lại, ông lấy văn minh làm “đột phá khẩu” để xem xét văn hóa.
Viết tới đây, tôi tự hỏi, không biết từ thành tựu phát minh ra karaoke của người Nhật Bản, ông Đỗ Lai Thuý có thể nghiên cứu văn hóa Nhật Bản với thơ haiku và trà đạo, với võ sĩ đạo và thiền… được hay không nhỉ?
4. Phần cuối tham luận, PGS TS Đỗ Lai Thuý chứng minh đề xuất của ông là có cơ sở thậm chí đã có kết quả thông qua việc giới thiệu một sản phẩm "nghiên cứu" của chính ông, qua đoạn văn: “Từ lý luận này, và trên thực tế của một số công trình của các tác giả đã nhắc đến ở trên, có thể xây dựng một cách tiếp cận văn học mới: phê bình văn học từ văn hóa. Đây là một phương pháp có nhiều thuận lợi, bởi lẽ nó dẫn người ta đi từ cái đã biết đến cái chưa biết, cái biết nhiều đến cái biết ít, cái toàn thể đến cái bộ phận bằng con đường loại suy. Ví như, trong tác phẩm Mắt thơ, tôi đã thao tác như vậy. Coi Thơ Mới là sản phẩm của văn hóa đô thị, chúng tôi đi tìm đặc điểm của văn hóa đô thị qua các phạm vi không gian, thời gian, con người…, một mặt để khu biệt với văn hóa nông thôn, mặt khác để làm cái nền chung cho bức tranh văn học bấy giờ. Thơ Mới dĩ nhiên là phải chịu ảnh hưởng của những đặc điểm này. Và mỗi nhà Thơ Mới cũng vậy. Nhưng đến đây thì bắt đầu có sự chống lại của văn học đối với văn hóa. Thi nhân (và nghệ sĩ nói chung) với những đặc điểm riêng biệt về thể xác và linh hồn, với những trải nghiệm nhân sinh và trải nghiệm thẩm mỹ khác nhau đã tạo ra những thi phẩm khác nhau, vừa có một, vừa là một mà vẫn không xa lạ với đa số, với muôn. Đến với văn học từ văn hóa, cái khó là phải tìm ra cho được cái mắt thơ riêng của mỗi nhà thơ”.
Quả thật, thưa PGS TS Đỗ Lai Thuý, tôi buộc phải nói rằng Mắt thơ (hay trước đây là Con mắt thơ) là tác phẩm nên “giấu đi” chứ không nên “khoe ra” trước bàn dân thiên hạ, vì lẽ đơn giản: đó là một công trình “đạo văn” mà bất kỳ một trí thức nào có chút liêm sỉ cũng nên lấy làm xấu hổ. Lâu nay, trước nhiều đồng nghiệp, Mắt thơ hầu như không có ý nghĩa, nên dù đến năm 2006 trong bản tham luận, ông có “đánh bóng mạ kền” cho nó bằng cách giới thiệu mình đã đạt được “thành tựu” gì trong đó.
Vả lại, ngay điều ông coi sản phẩm của các tác giả Thơ mới là “sự chống lại của văn học đối với văn hóa” thì dường như ông không nhận ra là ông đã đẩy các tác giả như Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử… vào tình thế có hành vi “phản văn hóa” hay sao. văn hóa trước sau cũng chỉ có một ý nghĩa là do con người, vì sự phát triển của con người, chống lại nó tức là “phản văn hóa”, ông nên xem xét lại kết luận này. Theo tôi, nếu muốn xem xét Thơ mới và các tác giả Thơ mới từ góc độ văn hóa, nên chăng, hãy coi đó là cố gắng “vượt lên trên” hệ thống các giá trị văn hóa đang thịnh trị lúc bấy giờ chứ không phải chống lại và có lẽ đó cũng chính là sự thể hiện “tính liên tục lịch sử” của văn hóa đấy, thưa ông!
5. Thiết nghĩ, tình trạng hời hợt, cảm tính, thiếu vắng một số căn cốt lý thuyết cơ bản về đối tượng cùng những luận giải mang màu sắc “hư vô” của PGS TS Đỗ Lai Thuý mà tôi phân tích trên đây có nguồn gốc từ việc ngay ở điểm xuất phát, ông đã không xác lập một khái niệm văn hóa có tính chất công cụ, bảo đảm cho sự nghiên cứu luôn luôn nhất quán về mặt khuynh hướng. Khái niệm ấy, có thể là do ông vay mượn của người khác hay do ông tự tạo lập, thì chí ít ra nó cũng không đẩy ông tới các kiến giải nhì nhằng, lúc thì coi văn hóa có cùng cấp độ với văn minh, lúc lại “gán” cho văn minh các phẩm chất của văn hóa, không nhận thấy hệ thống xã hội cũng là bộ phận cấu thành của văn hóa, đặc biệt là “sáng tạo” ra ý tưởng oái oăm về sự xung đột và chống lại của văn học đối với văn hóa…! Đọc tham luận của ông và đọc bản tóm tắt, tôi nhận thấy thao tác giới thuyết các khái niệm (văn hóa là gì, văn học là gì, văn chương là gì…) hoàn toàn vắng bóng - điều mà một người làm nghiên cứu không nên bỏ qua, dù là trực tiếp hoặc gián tiếp qua sự trình bày giúp người đọc có thể nhận diện tác giả đã quan niệm như thế nào về đối tượng và các khái niệm công cụ… Bên cạnh đó, cũng phải nói rằng ngay cả khi xem xét vấn đề từ góc độ triết học với việc sử dụng khái niệm ý thức xã hội và sự phân loại ý thức xã hội, PGS TS Đỗ Lai Thúy cũng chỉ dựa trên các suy đoán chủ quan chứ chưa xem xét như những đơn vị kiến thức được thâu nhận có hệ thống, cơ bản và cập nhật.
Cuối cùng, dẫu bài viết này là khá gay gắt, tôi vẫn không thể không công bố. Bởi tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta cần đặt mọi “phát kiến khoa học” dưới sự soi chiếu của khoa học. Một ngày mà tinh thần phản biện trong khoa học còn bị suy giảm bởi thói quen “dĩ hòa vi quý” hay nể nang thì ngày đó, chúng ta còn phải đối mặt với những sản phẩm “giả khoa học” chỉ gây cản trở, nếu không nói là làm nhiễu loạn nhận thức chung của cộng đồng nghề nghiệp và công chúng.
Trong bối cảnh khoa học nghiên cứu văn hóa ở Việt Nam còn mới mẻ, trong tình thế mọi người đều có thể bàn về văn hóa như hiện nay, thì việc nghiên cứu văn hóa sẽ còn rất nhiều vấn đề phải đặt ra và giải quyết, đồng thời nó cũng đòi hỏi mọi lĩnh vực nghiên cứu khác, nếu muốn sử dụng văn hóa như một công cụ khảo sát thì trước hết, phải nắm bắt một cách thấu đáo và khách quan về những vấn đề cơ bản của văn hóa. Không bảo đảm được yêu cầu ấy, trước sau cũng sẽ chỉ đưa tới những đề xuất và sự tường giải hời hợt như của PGS TS Đỗ Lai Thuý mà tôi đã phân tích trên đây mà thôi!
NGUYỄN HÒA
12.2006
-------------------------------------
1. Hoài Thanh, Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, H.2002, tr.11.
2. Phan Ngọc, Thử xét văn hóa - văn học bằng ngôn ngữ học, NXB Thanh niên, H.2000, tr.7.
3. Những đoạn trích dẫn từ bản tham luận của PGS TS Đỗ Lai Thuý được dowload nguyên văn từ website vienvanhoc.org và tôi không can thiệp, cho dù trong đó có những từ hoặc mệnh đề cực kỳ tối nghĩa.