Pfizer: 90% những người tiêm thử nghiệm bị mắc Covid-19 là do dùng giả dược
Vaccine được phát triển bởi hai hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ và của Đức, hiện đang được thử nghiệm trong một thử nghiệm lâm sàng lớn ở giai đoạn 3 - giai đoạn cuối cùng và quan trọng nhất của thử nghiệm bắt đầu từ cuối tháng 7. Giai đoạn này, vaccine phải chứng minh là an toàn và hiệu quả trên số người tham gia thử nghiệm rộng lớn.
Một Ủy ban Giám sát dữ liệu độc lập bên ngoài đã tiến hành phân tích tạm thời về thử nghiệm bằng cách đánh giá 94 người tham gia đã nhiễm Covid-19 sau khi nhận vaccine hoặc giả dược.
Phân tích ban đầu cho thấy trong số 94 người tham gia này, ít hơn 10% những người được tiêm hai mũi vaccine, cách nhau 28 ngày, đã mắc Covid-19. Nói cách khác, hầu hết các trường hợp, hơn 90% trong số họ, nằm trong số những người được dùng giả dược.
Tuy nhiên, hiệu quả 90% này chỉ mới được công bố trong một thông cáo báo chí và hai công ty vẫn chưa công bố dữ liệu thực tế về các thử nghiệm. Dữ liệu này cũng chưa được phê duyệt hoặc xuất bản trên tạp chí y khoa. Khi quá trình thử nghiệm giai đoạn 3 tiếp tục, tỷ lệ phần trăm này có thể thay đổi, công ty Pfizer cho biết trong tuyên bố.
Mặc dù đây vẫn chưa phải là kết quả cuối cùng, nhưng kết quả này cao hơn nhiều so với kỳ vọng.
Cho đến nay, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine của Pfizer đã thu hút 43.538 người tham gia trên khắp các nước Mỹ, Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Đức và Nam Phi. Khoảng 30% người Mỹ và 42% người tham gia toàn cầu có nguồn gốc đa dạng về chủng tộc và sắc tộc, theo tuyên bố.
Theo tuyên bố, nghiên cứu sẽ đánh giá thêm liệu vaccine có cung cấp sự bảo vệ cho những người trước đó đã bị nhiễm SARS-CoV-2 hay không và liệu vaccine có làm giảm mức độ nghiêm trọng ở những người được tiêm chủng phát triển Covid-19 hay không.
"Hôm nay là một ngày tuyệt vời cho khoa học và nhân loại", Tiến sĩ Albert Bourla, Giám đốc điều hành và Chủ tịch của Pfizer cho biết. "Chúng tôi đang đạt được cột mốc quan trọng này trong chương trình phát triển vaccine của mình vào thời điểm mà thế giới cần nó nhất với tỷ lệ nhiễm Covid-19 thiết lập kỷ lục mới. Các bệnh viện gần quá công suất và các nền kinh tế đang vật lộn để mở cửa trở lại", ông nói.
Vào tuần thứ ba của tháng 11, hai công ty sẽ nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp (EUA) sau khi họ thu thập được hai tháng dữ liệu an toàn của những người tham gia nhận được cả hai liều vaccine. Theo tuyên bố, Pfizer và BioNTech dự kiến sẽ sản xuất tới 50 triệu liều vaccine trên toàn cầu vào năm 2020 và lên đến 1,3 tỷ liều vào năm 2021.
Ứng cử viên vaccine chủng ngừa Covid-19 của Pfizer sử dụng công nghệ tương tự như của Moderna, một loại vaccine khác đang được thử nghiệm giai đoạn cuối. Theo đó, loại vaccine này sử dụng một sứ giả di truyền gọi là mRNA để nhắc nhở hệ thống miễn dịch nhận ra virus.
Chưa có vaccine nào sử dụng công nghệ này được chấp thuận cho bất kỳ loại virus nào. Mặc dù vậy, loại vaccine này có thể có một số lợi thế so với vaccine truyền thống như nhanh hơn và dễ sản xuất hơn. Tuy nhiên, vaccine Pfizer yêu cầu phải bảo quản cực lạnh ở âm 70 độ C, điều này có thể khiến việc phân phối và sử dụng vaccine trở nên khó khăn hơn. Còn vaccine của Moderna yêu cầu bảo quản ở nhiệt độ tủ đông thông thường.
Bộ Y tế Nga: Hiệu quả của vaccine Sputnik V cũng hơn 90%
Cũng trong ngày 9-11, ngay sau khi Pfizer công bố kết quả thử nghiệm vaccine, một đại diện của Bộ Y tế Nga cũng cho biết, vaccine Sputnik V của Nga chống lại Covid-19 có hiệu quả hơn 90%. Dữ liệu thu thập từ việc tiêm chủng của công chúng chứ không phải từ một thử nghiệm đang diễn ra.
“Chúng tôi chịu trách nhiệm giám sát hiệu quả của vaccine Sputnik V trong số những công dân đã nhận vaccine này như một phần của chương trình tiêm chủng đại trà”, Oksana Drapkina, Giám đốc một viện nghiên cứu thuộc Bộ Y tế Nga cho biết trong một tuyên bố.
“Dựa trên quan sát của chúng tôi, hiệu quả của nó cũng hơn 90%. Sự xuất hiện của một loại vaccine hiệu quả khác là một tin tốt cho tất cả mọi người”, Drapkina nói.
Nga đang tung ra loại vaccine này để sử dụng trong nước, mặc dù thực tế là các thử nghiệm giai đoạn cuối vẫn chưa kết thúc.
Trước đó, cũng trong ngày 9-11, Alexander Gintsburg, Giám đốc Viện Gamaleya của Moscow, nơi phát triển ứng cử viên vaccine của Nga, cho biết ông hoan nghênh tin tức về vaccine Covid-19 của Pfizer.
“Trong tương lai gần, chúng tôi dự kiến sẽ công bố kết quả tạm thời của quá trình thử nghiệm sau đăng ký vaccine Sputnik V, được gọi là thử nghiệm Giai đoạn 3. Tôi chắc chắn rằng mức độ hiệu quả của nó cũng sẽ cao”, ông nói.
Trong tháng này, Nga đang chuẩn bị công bố kết quả sơ bộ của một cuộc thử nghiệm giai đoạn 3 trên người quy mô lớn với 40.000 người ở Moscow.