"Bạn đang đeo thiết bị kỳ lạ gì vậy?"
“Những thứ này có thể bị thợ hàn đốt mà tôi vẫn bình an vô sự”, Chuck Aoki chia sẻ trong sự tự hào. Anh chìa cánh tay và bàn tay được quấn trong lớp găng đen với đệm lót màu vàng và không ngừng giới thiệu về chúng trước sự tò mò của mọi người.
Từ năm 16 tuổi, Chuck Aoki đã bắt đầu làm quen với bộ môn bóng rổ xe lăn. Thế nhưng, sau khi xem bộ phim tài liệu năm 2005 "Murderball", chàng trai trẻ ngay lập tức bị thu hút bởi tốc độ và sự mạnh mẽ bộ môn bóng bầu dục.
Cha anh, ông Andrew Aoki, hoàn toàn ủng hộ điều đó, nhưng cũng muốn con trai mình được an toàn. Ông đã lên đường mua cho Chuck một số thiết bị để bảo vệ bàn tay và cánh tay của vận động viên trẻ.
Với những miếng đệm công nghiệp dày bảo vệ, Chuck không thể điều khiển bánh xe một cách linh hoạt như trước. Mồ hôi không ngừng chảy xuống cánh tay. Hình ảnh này gây ấn tượng với hầu hết mọi người khi mới lần đầu gặp gỡ. "Bạn đang đeo thiết bị kỳ lạ gì vậy?" - vận động viên khác cất tiếng hỏi.
Găng tay mới của Chuck Aoki là cao su hạn chế độ ẩm và có dây đeo để tháo ra bằng miệng. (Ảnh: Getty) |
“Không ai bảo chúng tôi phải làm gì hoặc phải mua gì. Bạn cũng chẳng thể đến siêu thị thể thao và hỏi nhân viên ở đó rằng bản thân nên sắm thiết bị gì khi sắp bắt đầu chơi bóng bầu dục trên xe lăn?” Chuck nhún vai.
Tính đến kỳ Paralympic Paris 2024, Chuck Aoki đã bốn lần giành huy chương Thế vận hội ở môn bóng bầu dục xe lăn. Anh và Đội tuyển Mỹ mới giành Huy chương Bạc sau khi để thua đáng tiếc trước những vận động viên Nhật Bản. Dẫu vậy, toàn đội vẫn tràn trề hy vọng sẽ đổi màu huy chương và giành chức vô địch khi Paralympic sẽ được tổ chức ở Los Angeles (Mỹ) trong bốn năm tới.
Nếu nhìn vào quá trình chinh phục bộ môn bóng bầu dục trên xe lăn, Aoki tự hào với sự nghiệp thể thao kéo dài gần 20 năm. Đó cũng là quãng thời gian trải nghiệm và sáng tạo từ thiết bị tự chế đến thiết bị chuyên dụng hay những vật dụng siêu cá nhân hóa.
Những đôi găng tay đặc biệt
Năm 2023, nhà thiết kế công nghiệp của Bridgestone Kevin Scheifele đã gặp Aoki tại Đại học Michigan. Vợ của anh là sinh viên tốt nghiệp trường này và đang làm việc tại khoa thể dục và thể thao thích ứng.
Scheifele mang theo một túi vật liệu, các tấm cao su khác nhau và một số chiếc kéo. Mục tiêu của ông là thay thế những chiếc găng tay dệt thủ công mà Aoki đã dành toàn bộ sự nghiệp chơi bóng bầu dục để thiết kế, đồng thời cố gắng phân chia và cá nhân hóa tất cả một lần nữa.
Bridgestone ban đầu bước vào thế giới thể thao thích ứng bằng cách trang bị cho xe lăn những chiếc lốp chuyên dụng. Thế nhưng, mỗi lần tiếp xúc với các vận động viên khác nhau, công ty này nhận thấy họ cần phải thực hiện nhiều công trình nghiên cứu hơn để hỗ trợ mọi người.
Từ chiếc xe lăn, Bridgestone đang sản xuất nhiều thiết bị thể thao chuyên dụng hơn cho vận động viên. (Ảnh: Bridgestone) |
Scheifele đã tham gia một nhóm các nhà thiết kế đến Đại học Illinois để gặp huấn luyện viên đua xe lăn Adam Bleakney và một nhóm vận động viên. Tại đó, họ đã tìm hiểu một số phương pháp đang được sử dụng để làm găng tay trong các môn thể thao thích ứng.
Các phương pháp tự thiết kế và sáng tạo nhiều khi cũng tiềm ẩn nguy hiểm. Một số vận động viên đã nấu chảy nhựa trong nước sôi trên bếp, sau đó quấn nhựa quanh tay để tạo ra sự vừa vặn theo ý muốn. Đó là những gì cần thiết để chế tạo ra những chiếc găng tay không có sẵn trên thị trường.
Trong đua xe lăn và các môn thể thao thích ứng khác, các vận động viên không nhất thiết phải nắm và xoay lốp xe. Họ chủ yếu tạo áp lực vào bên trong vành lốp, bóp ngang trên đỉnh vành hoặc đẩy bánh xe về phía trước. Độ căng như vậy đòi hỏi áp lực chính xác.
“Thật là mở mang tầm mắt”, Scheifele nói. “Chủ yếu là chúng không phải là găng tay theo bất kỳ cách nào chúng ta nghĩ về găng tay. Chúng giống như đôi giày mà họ đeo trên tay hơn”.
Bây giờ các kỹ sư của Bridgestone đang bắt tay vào việc chế tạo những đôi găng tay thể thao thích ứng chuyên biệt. Trong cuộc gặp với Aoki, Scheifele đã bắt tay vào làm một đôi găng tay cho cầu thủ bóng bầu dục ngồi xe lăn nổi tiếng đất nước.
Chuck Aoki được chẩn đoán mắc bệnh thần kinh tự chủ cảm giác di truyền khi còn nhỏ, khiến anh gần như không có cảm giác ở tay và chân. Hầu hết các ngón tay của anh đã bị cắt cụt ít nhất một phần. Găng tay mới của anh không chỉ có cao su hạn chế độ ẩm mà còn có dây đeo cho phép Aoki thao tác đeo và tháo găng bằng miệng. Các nhà thiết kế của Bridgestone đã chế tạo một nguyên mẫu và bắt đầu từ đó.
Dù thế giới vẫn luôn dành sự quan tâm cho các vận động viên khuyết tật, trường hợp của Chuck Aoki - người từng bốn lần giành huy chương Paralympic cho thấy các vận động viên còn cần được giúp đỡ nhiều hơn. Và câu chuyện cá nhân hóa thiết bị cho họ dường như chưa thật sự được chú ý.
Sự sáng tạo của Chuck (ở giữa) truyền cảm hứng để Đội tuyển bóng bầu dục Mỹ cải tiến thiết bị mới. (Ảnh: Getty) |
Thiết bị thể thao thích ứng là một lĩnh vực đặc biệt. Ra đời từ sự sáng tạo cá nhân của các vận động viên muốn thi đấu thể thao. Từ Thế vận hội Stoke Mandeville năm 1960 tại Rome, 400 vận động viên từ 23 quốc gia đã bước đầu nhận được sự trợ giúp của một số nhà chuyên biệt các thiết bị như xe lăn hay chân tay giả. Một số công ty cũng thúc đẩy những cải thiện và tiến bộ trong thiết kế. Nhưng con số này nhìn chung chưa nhiều.
Nỗ lực cung cấp thiết bị thích nghi
Chris Waddell, vận động viên trượt tuyết một ván nam giành được nhiều huy chương nhất trong lịch sử nước Mỹ và là nhà phân tích của NBC cho Paralympic Paris 2024, khẳng định: "Đã những tín hiệu đáng mừng khi các công ty thiết bị dành nhiều sự quan tâm hơn cho người khuyết tật, đặc biệt tại những kỳ Thế vận hội gần đây. Vấn đề không phải là việc phát minh ra thứ gì đó mới mẻ. Thay vào đó, những công ty này đã thành công trong việc chuyên biệt hóa hay cá nhân hóa theo nhu cầu của từng người".
Đây được xem như bước tiến lớn với thể thao dành cho người khuyết tật hiện đại. Các vận động viên cũng dần cởi mở và nỗ lực chia sẻ nhằm tìm kiếm bạn đồng hành để chế tạo các thiết bị chuyên dụng phục vụ thi đấu.
Như trường hợp của tay đua ô-tô Alex Zanardi. Sau khi bị mất một chân do tai nạn xe nghiêm trọng vào năm 2001, chính anh đã sử dụng mối quan hệ F1 của mình để chế tạo một chiếc xe đạp đua tùy chỉnh cho riêng mình. Điều này cũng tạo nên bước ngoặt giúp anh trở thành vận động viên đua xe đạp dành cho người khuyết tật đẳng cấp thế giới.
Alex Zanardi và chiếc xe đạp đua tùy chỉnh. (Ảnh: Getty) |
Câu chuyện của Alex Zanardi đã thúc đẩy bài toán phát triển thiết bị cho vận động viên. BMW đã hợp tác với US Performance Team để chế tạo xe lăn thi đấu hạng nhẹ tại Thế vận hội mùa hè và xe trượt tuyết trong Thế vận hội mùa đông. Toyota đã thiết kế ghế ngồi trượt tuyết mang tính cách mạng cho môn trượt tuyết đổ đèo. Danh sách này còn dài và các phát triển đang diễn ra ngày càng nhanh hơn.
Tuy nhiên, nhiều cuộc tranh luận cũng nổ ra khi Sauber Motorsport thiết kế một chiếc xe lăn lấy cảm hứng từ F1 cho nhà vô địch thế giới Marcel Hug có giá lên tới hơn 50.000 USD. Daniel Romanchuk - người hỗ trợ Marcel Hug - khẳng định: Hạng mục T54 thường rất chặt chẽ, nhưng với thiết bị mới của Marcel, mọi thứ chắc chắn đã được đưa lên một tầm cao mới.
"Thật tuyệt khi nhìn thấy số tiền được đầu tư vào phát triển công nghệ mới cho các vận động viên. Các bên đều có lý lẽ hợp lý khi muốn giúp đỡ đội ngũ của mình. Thế nhưng, thị trường vẫn cần tới những thiết bị ổn định với giá thành hợp lý cho số đông", Chris Waddell nhấn mạnh.
Thật đáng kinh ngạc khi thấy những tiến bộ công nghệ đưa thể thao Paralympic lên một tầm cao mới, nhưng cũng tạo ra một khoảng cách tự nhiên giữa những người có quyền truy cập và những người không.
Justin Phongsavanh, vận động viên khuyết tật giữ kỷ lục thế giới về ném lao, là chàng trai thi đấu nhiều môn thể thao khi còn học trung học. Song, một vụ xả súng năm 2015 khiến anh bị liệt nửa người phần dưới thắt lưng.
Trong quá trình hồi phục, anh đã tham gia một câu lạc bộ thích nghi địa phương ở Iowa. Tại đó, Phongsavanh đã biết đến Quỹ vận động viên khuyết tật và vào năm 2017 đã nhận được khoản tài trợ thiết bị đầu tiên cho một chiếc ghế ném và một khoản tài trợ riêng vào năm 2018 để mua một chiếc lao.
Phongsavanh nhanh chóng vươn lên vị thế ưu tú và giành Huy chương Đồng ba năm trước tại Thế vận hội dành cho người khuyết tật Tokyo. Bây giờ, vận động viên 26 tuổi này không chỉ là người ném mạnh nhất trong môn thể thao này mà còn sử dụng những thiết bị tốt nhất.
Justin Phongsavanh luyện tập cùng lao và chiếc ghế đặc biệt. (Ảnh: Getty) |
Chiếc ghế ném của anh được chế tạo bởi một kỹ sư NASCAR chuyên tạo ra lồng chống lật cho xe đua. Thiết bị này có giá trị khoảng 5.000 USD, trong khi một chiếc ghế ném thông thường có giá khoảng 1.500 USD. Anh ấy sẽ là vận động viên khuyết tật duy nhất sử dụng chiếc ghế như vậy khi anh ấy tham gia trận chung kết ném lao F54 dành cho nam tại Paris.
Phongsavanh giờ cũng là người điều hành một tổ chức phi lợi nhuận cung cấp xe lăn được thiết kế riêng cho các vận động viên. "Mọi thứ đã đi một chặng đường dài từ ngày đầu tôi đến cửa hàng thiết bị địa phương. Gốc rễ của sự phát triển các nguyên mẫu đơn thuần là nỗ lực cá nhân hóa thiết bị để cạnh tranh tốt hơn cho mỗi nhu cầu thi đấu", Phongsavanh chia sẻ.
Như Scheifele nhận định, cho dù đó là bánh xe hay xe lăn đua hay găng tay, các kỹ sư và nhà thiết kế chỉ đơn thuần xây dựng dựa trên những gì đã được tạo ra do nhu cầu. Tất cả đều có nghề thủ công riêng của mình. Các vận động viên còn có năng khiếu phát triển nghề thủ công của riêng họ và thực tế cho thấy họ xuất sắc hơn cả những gì thế giới nghĩ. Thay vì sửa đổi thiết kế của họ, các nhà khoa học chỉ đơn giản là thay thế các vật liệu mà họ đang sử dụng và cố gắng thích ứng với các kỹ thuật hiện có của họ để phục vụ nhiều vận động viên hơn.
Chìa khóa của sự phát triển giờ được chú ý hơn, với mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận cho nhiều người. Cộng đồng thể thao người khuyết tật đang phát triển và theo đó cũng các thiết bị thích nghi chuyên biệt cũng đang được nhân rộng.