Tay bơi Simone Barlaam (người Italia) có một kỳ Paralympic đáng nhớ khi phải phá kỷ lục thế giới lần thứ hai ở kỳ Thế vận hội này mới đoạt được HCV cá nhân đầu tiên cho mình.
Ở nội dung bơi 50m tự do S9, anh về đích đầu tiên sau 23 giây 90, vượt qua vận động viên (VÐV) người Nga thi đấu theo hình thức trung lập Denis Tarasov (25 giây 15) và Fredrik Solberg người Na Uy (25 giây 3) để giành ngôi vô địch.
Một ngày trước đó, dù đã xuất sắc phá kỷ lục thế giới ở nội dung 50m tự do hạng S10, nhưng tay đua này chỉ về đích thứ năm trong loạt đấu chung kết. Simone Barlaam tỏ ra phấn khích: "Ðây là một khởi đầu mới đối với tôi. Việc đoạt HCV và phá kỷ lục thật là tuyệt vời".
* "Người tên lửa" Gabriel Araujo của Brazil hoàn tất cú hat-trick vàng khi có HCV thứ ba ở bơi tự do 200m hạng S2 nam và trước đó là hai HCV: 50m ngửa và 100m ngửa S2. Anh hiện đã 5 lần vô địch Thế vận hội. Trên đường đua 200m tự do nam, Gabriel đã lập kỷ lục châu Mỹ (3 phút 58 giây 92), đồng thời đoạt ngôi vô địch với thành tích 3 phút 58 giây 92.
Anh cho biết: "Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ khi đặt mục tiêu có ba HCV tại Paris". Gabriel được các VÐV trên trường đua đặt cho biệt danh "Người tên lửa". Anh rất thích với tên gọi mới bởi nó mang nhiều ý nghĩa do anh bị cụt cả hai tay đến gần vai, hai chân bị teo và Gabriel bơi bằng thân là chủ yếu.
* Nhà vô địch bơi lội khiếm thị hạng S13 cự ly 50m tự do nam Ihar Boki (người Belarus) đã giành được bốn danh hiệu trong hồ bơi tại Paris La Défense Arena.
Anh là một trong những VÐV đăng quang nhiều nhất tại kỳ Thế vận hội năm nay. VÐV người Belarus giành HCV ở các nội dung 100m bơi ngửa, 100m bướm, 400m tự do và sau đó là 50m tự do.
Anh trở thành VÐV nam thành công nhất trong lịch sử Thế vận hội Paralympic, nâng tổng số danh hiệu mà Ihar Boki từng giành được lên con số 20.
* Lần đầu trong lịch sử, Ðoàn thể thao người khuyết tật Nhật Bản giành HCV bóng bầu dục xe lăn sau khi thắng đội Mỹ 48-41 trong trận chung kết. Ðội Mỹ nhập cuộc tốt hơn và dẫn trước trong hiệp đấu đầu nhưng Nhật Bản đã vùng lên mạnh mẽ ở hiệp thi đấu thứ hai để giành thắng lợi chung cuộc
* VÐV Yayesh Gate Tesfaw của Ethiopia đã phá vỡ kỷ lục thế giới của riêng mình để nhận HCV hạng T11 cự ly 1.500m nữ giành cho người khiếm thị (chạy với người dẫn đường), giảm bốn giây so với thời gian tốt nhất trước đó của cô.
Trong khi đó, ở nội dung cá nhân nữ môn bóng mầu (boccia), Yee Ting Jeralyn Tan của Singapore thắng 6-1 trước Aurelie Aubert của Pháp ở vòng sơ loại, song Aubert lại thắng khi hai VÐV gặp nhau trong trận chung kết.
Với chiến thắng 5-4, Aubert giành HCV đầu tiên cho Pháp tại Paralympic. Cũng ở môn bóng mầu boccia giành cho nam, việc VÐV John Loung của Hồng Công (Trung Quốc) đã đoạt HCV hạng BC1 cá nhân.
Ðây là huy chương mang ý nghĩa rất lớn vì hành trình anh đã thực hiện để đạt được điều đó. Thế vận hội đầu tiên của Loung là Athens 2004, nhưng anh đã quyết định bỏ boccia vào năm 2009 và chỉ trở lại với môn thể thao này vào năm 2014 để rồi hiện là nhà vô địch Paralympic.
Alexis Hanquinquant bảo vệ thành công HCV
Sau một ngày tạm hoãn do chất lượng sông Seine không đạt chuẩn, Ban tổ chức nước chủ nhà quyết định thi ba môn phối hợp Paralympic. Hàng nghìn cổ động viên Pháp đã có dịp cuồng nhiệt cổ vũ cho hai VÐV của mình là Alexis Hanquinquant và Jules Ribstein trên suốt chặng đua bơi trên sông Seine và đạp xe, chạy ở khu vực Grand Palais.
Sự cổ vũ của họ đã thành hiện thực với cú đúp HCV dành cho cả hai VÐV. Với ngôi sao Hanquinquant, cuộc thi này có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi anh phải bảo vệ ngôi vô địch lần đầu giành được ở kỳ Paralympic Tokyo 2020.
VÐV 38 tuổi này chính là người cầm đuốc lửa tại lễ thắp lửa khai mạc Olympic Paris 2024 gần một tháng trước và là VÐV cầm cờ dẫn đầu đoàn Pháp ở lễ khai mạc Paralympic Paris 2024 vừa qua.
Hanquinquant vốn là một thợ xây bị cắt bỏ xương chày dưới đầu gối chân vào năm 2023 sau một tai nạn lao động. Trước đó, anh từng tập luyện, giành ngôi vô địch quyền anh quốc gia Pháp và tham gia chơi bóng rổ ở cấp độ đội trẻ. Ðể đạt thành tích cao tại hai kỳ Thế vận hội năm 2020 và 2024, Hanquinquant phải tập luyện 25 giờ mỗi tuần, trong đó bơi 30 km, đạp xe 400 km và chạy 50 km.
Ở nội dung thi ba môn phối hợp hạng thương tật PTS4, Hanquinquant xuất sắc cán đích với thành tích 58 phút 01 giây, nhanh hơn gần một phút so với thành tích giúp anh vô địch ở Tokyo.
Trong thi đấu, anh luôn dẫn trước ở một khoảng cách an toàn so với đối thủ cạnh tranh là Carson Clough của Mỹ, đoạt HCB và Riudavets Victory của Tây Ban Nha giành HCÐ. Ðồng đội của Hanquinquant là Jules Ribstein cũng về nhất, nhận HCV ở hạng thương tật PTS2, trong khi tấm HCV hạng PTS3 thuộc về VÐV Daniel Molina của Tây Ban Nha.
Đoàn thể thao người khuyết tật tị nạn đoạt HCĐ thứ hai
Thi đấu chung kết ở nội dung chạy 400 m T11 của nam, Atangana chạy với người hướng dẫn Nyamjua về đích với thành tích 50 giây 89, hơn hẳn so với thành tích của anh ở vòng bán kết là 51 giây 03 và vòng loại là 51 giây 95.
Sau khi nhận huy chương, Atangana cho biết: "Tôi muốn cho mọi người thấy rằng bị mù không có nghĩa là cuộc đời bạn đã chấm dứt; bạn vẫn có thể làm được những điều tuyệt vời. Thông điệp tôi muốn gửi đến tất cả những người tị nạn trên thế giới là hãy tin vào chính mình".
Atangana bị mất hoàn toàn thị lực vào năm 12 tuổi và chấm dứt ước mơ chơi bóng đá chuyên nghiệp, nhưng chạy bộ đã giúp anh lấy lại sự chủ động và tình yêu với thể thao như anh chia sẻ: "Tôi từng rất lo lắng, sợ hãi khi mất thị lực và mọi chuyện thật sự không hề dễ dàng, song chạy bộ giúp tôi vượt qua tất cả".
Chứng kiến Atangana thi đấu và đoạt huy chương, Phó Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn Kelly T Clements cho biết: "Việc Atangana và người hướng dẫn đoạt HCÐ là một trải nghiệm vô cùng xúc động. Họ đã giữ vững ước mơ trở thành nhà vô địch, bất chấp mọi khó khăn và là hình mẫu cho lòng dũng cảm, tinh thần quyết tâm, sự chăm chỉ mà những người tị nạn noi theo, tạo dựng cơ hội và cuộc sống mới".