Oxford và AstraZeneca tiếp tục thử nghiệm vaccine Covid-19

NDO -

Ngày 12-9, vài ngày sau khi bị tạm dừng do có báo cáo tác dụng phụ ở một tình nguyện viên người Anh, đại học Oxford thông báo tiếp tục thử nghiệm vaccine Covid-19 mà trường đang phát triển với công ty dược phẩm AstraZeneca.

Văn phòng AstraZeneca và biểu tượng của công ty ở Cambridge, Anh. Ảnh: AP.
Văn phòng AstraZeneca và biểu tượng của công ty ở Cambridge, Anh. Ảnh: AP.

Trong một tuyên bố, trường đại học Oxford xác nhận việc khởi động lại trên tất cả các địa điểm thử nghiệm lâm sàng ở Vương quốc Anh vào ngày hôm nay, 13-9 sau khi các nhà quản lý cho phép.

Thông báo cho biết: “Quá trình đánh giá độc lập đã kết thúc và tuân theo các khuyến nghị của cả ủy ban đánh giá an toàn độc lập và cơ quan quản lý của Vương quốc Anh, MHRA. Các thử nghiệm sẽ bắt đầu lại ở Anh".

Loại vaccine do Oxford và AstraZeneca phát triển được nhiều người coi là một trong những đối thủ nặng ký nhất trong số hàng chục loại vaccine Covid-19 đang trong các giai đoạn thử nghiệm khác nhau trên khắp thế giới.

Trên Twitter, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock hoan nghênh việc khởi động lại, đó là “tin tốt cho tất cả mọi người”.

Đại học Oxford cho biết, trong các thử nghiệm lớn như thế này "dự kiến ​​một số người tham gia sẽ gặp vấn đề về sức khỏe và mọi trường hợp phải được đánh giá cẩn thận để bảo đảm về mức độ an toàn".

Oxford cho biết, cho đến nay, có khoảng 18.000 người trên toàn cầu đã được tiêm thử vaccine của họ. Các tình nguyện viên từ một số quốc gia bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nặng nề nhất như Anh, Brazil, Nam Phi và Mỹ đang tham gia thử nghiệm.

Cơ quan quản lý y tế của Brazil, Anvisa hôm 12-9 cho biết, họ đã phê duyệt việc nối lại các thử nghiệm vaccine Oxford ở quốc gia Nam Mỹ này sau khi nhận được thông tin chính thức từ AstraZeneca.

Mặc dù Oxford không tiết lộ thông tin về bệnh tình của bệnh nhân do tính bảo mật của người tham gia, một phát ngôn viên của AstraZeneca cho biết vào đầu tuần rằng một nữ tình nguyện viên đã phát triển các triệu chứng thần kinh nghiêm trọng khiến cho việc thử nghiệm vaccine phải tạm dừng. Cụ thể, người phụ nữ được cho là có các triệu chứng của bệnh viêm tủy ngang, một chứng viêm tủy sống hiếm gặp.

Đại học Oxford nhấn mạnh, họ “cam kết về sự an toàn của những người tham gia và các tiêu chuẩn ứng xử cao nhất trong các nghiên cứu và sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ sự an toàn”.

Trước đó, trong tháng 7, nghiên cứu vaccine của Oxford-AstraZeneca đã bị dừng vài ngày sau khi một người tham gia phát triển các triệu chứng thần kinh. Hóa ra đó là một trường hợp đa xơ cứng chưa được chẩn đoán mà các nhà nghiên cứu cho rằng không liên quan đến vaccine.

Trong giai đoạn thứ ba và giai đoạn cuối của thử nghiệm, các nhà nghiên cứu tìm kiếm bất kỳ dấu hiệu nào về các tác dụng phụ có thể xảy ra mà có thể chưa được phát hiện trong nghiên cứu bệnh nhân trước đó. Do quy mô lớn, các nghiên cứu được coi là giai đoạn nghiên cứu quan trọng nhất để tìm ra các tác dụng phụ ít phổ biến hơn và thiết lập tính an toàn. Các thử nghiệm cũng đánh giá hiệu quả bằng cách theo dõi ai bị bệnh và ai không mắc bệnh giữa những bệnh nhân tiêm vaccine và những người được tiêm giả dược.

Tiến sĩ Charlotte Summers, một giảng viên về y học chăm sóc đặc biệt tại Đại học Cambridge cho rằng, việc tạm dừng là một dấu hiệu cho thấy nhóm các nhà khoa học của Oxford đang đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu, nhưng nó dẫn đến “nhiều suy đoán vô ích”.

Bà nói: “Để đối phó với đại dịch Covid-19 toàn cầu, chúng ta cần phát triển các loại vaccine và liệu pháp mà mọi người cảm thấy an toàn khi sử dụng. Do đó, điều quan trọng là chúng ta phải tôn trọng bằng chứng và không đưa ra kết luận trước khi có thông tin để duy trì sự tin tưởng của công chúng”.