Một “khách sạn” đặc biệt
Nhà tù Hỏa lò được các phi công Mỹ gọi đùa là “Khách sạn Hilton Hà Nội”. Từ năm 1964 đến năm 1973, trong cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ở miền bắc Việt Nam, hàng nghìn máy bay Mỹ các loại đã bị bắn rơi và hơn 350 phi công Mỹ đã bị bắt. Nhà tù Hỏa Lò trở thành nơi trọng yếu giam giữ những tù binh phi công Mỹ vì sự kiên cố của nó do người Pháp để lại từ thời thực dân.
Đã có một thời dưới mưa bom, “đất rung, ngói tan, gạch nát”, nhân dân miền bắc Việt Nam đã chịu nhiều mất mát, đau thương. Bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam tỏa sáng để đối đầu với những loại vũ khí, máy bay hiện đại nhất của không lực Hoa Kỳ.
Cũng trong chiến tranh, tinh thần nhân đạo vẫn tỏa sáng ở “Khách sạn Hilton Hà Nội” với nhiều câu chuyện cảm động.
TS Nguyễn Bích Thủy, Giám đốc Di tích Nhà tù Hỏa Lò, kể về ký ức của Trung tá Edison W. Miller trong thời gian sống ở “Hilton Hà Nội” như sau: “Tôi không gặp vấn đề gì cả. Tôi biết đất nước các bạn còn nghèo...
Một lần, quản giáo Việt Nam nói chuyện với tôi và tôi đã hỏi họ có thể cho thêm rau gia vị vào súp không, để món súp thêm hấp dẫn và tôi thấy thật tuyệt khi họ làm như vậy thật. Tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi họ cho mỗi người chúng tôi ba điếu thuốc lá một ngày. Mỗi buổi sáng có bốn người đến phát thuốc lá cho chúng tôi... Tôi thường bảo mọi người mà tôi biết trong trại tập thể dục và tôi cũng tập thể dục hằng ngày”.
Trong trại giam, phi công Mỹ được tổ chức các hoạt động giải trí. Hằng ngày, họ được ra sân chơi bóng chuyền, bóng rổ, đọc sách báo, được nghe tin tức qua đài phát thanh mà trại tiếp âm hoặc chọn những phi công có giọng đọc tốt để đọc cho mọi người cùng nghe… Việc chăm sóc sức khỏe cho phi công Mỹ được đảm bảo chu đáo. Ngoài việc được cứu chữa vết thương sau khi máy bay bốc cháy, các bác sĩ ở các Quân y viện 108, 103 và 354 còn đến khám và chữa bệnh cho họ theo định kỳ.
Trưng bày “Để bầu trời mãi xanh” tái hiện một phần ký ức miền bắc Việt Nam trong hai đợt chiến tranh phá hoại của Không quân và Hải quân Mỹ (1964 - 1972).
Trưng bày được giới thiệu qua hai phần: “Giữ vững biển trời” - kể câu chuyện về bản lĩnh, trí tuệ của nhân dân miền Bắc Việt Nam chống lại hai đợt chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ và “Nối hai bờ đại dương” - giới thiệu về những nỗ lực của Chính phủ và nhân dân hai nước để hàn gắn vết thương chiến tranh, xoa dịu nỗi đau mất mát. Trong hành trình đặc biệt ấy có sự góp sức không nhỏ của các cựu chiến binh phi công của cả hai nước.
Từ cựu địch thủ trở thành bè bạn
Cựu phi công Mig 21 Anh hùng lực lượng vũ trang, Trung tướng không quân Phạm Phú Thái, chia sẻ với công chúng dự khai mạc trưng bày: “Kết thúc chiến tranh, chính những đối thủ một mất một còn trên bầu trời năm xưa lại là những người đi đầu trong việc nối lại mối quan hệ Mỹ - Việt. Chúng tôi đã có nhiều cuộc gặp gỡ hữu nghị và đã có những mối quan hệ tốt đẹp”. Từ những cựu địch thủ, các phi công trở thành những cầu nối hòa bình giữa nhân dân hai nước và không ít trong số đó trở thành bạn bè với lòng tôn trọng và quý mến.
Người tù tiếng nhất ở Khách sạn Hil-tơn Hà Nội là cố Thượng nghị sĩ Jonh Mc Cain. Ngày 26-10-1967, chiếc máy bay cường kích A-4 Skyhawk do ông điều khiển bị bắn hạ trên bầu trời Hà Nội trong nhiệm vụ bay lần thứ 23 trên không phận bắc Việt Nam. Phi công Jonh McCain bị thương, rơi xuống hồ Trúc Bạch và đã được người dân vớt lên, cứu sống. Ông trở thành tù binh, bị giam hơn năm năm ở nhà tù Hỏa Lò và được trả tự do sau Hiệp định Paris (1973).
Sau khi trở về Mỹ và tham gia hoạt động chính trị, Thượng nghị sĩ Jonh McCain đã trở thành một người bạn có nhiều thiện cảm với Việt Nam. Ông đã có nhiều thúc đẩy tích cực phát triển mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.
Phi công Nguyễn Hồng Mỹ là người đầu tiên bắn rơi máy bay F4 bằng Mig 21 trong trận không chiến ngày 19-1-1972 đã trở thành bạn bè với tướng Dan Chery - người bắn rơi ông trong trận không chiến sau đó ngày 16-4-1972. Dan Chery, người có số giờ bay gấp hơn 20 lần Nguyễn Hồng Mỹ, đã rất khâm phục khi Nguyễn Hồng Mỹ diễn giải cách ông tránh được đến 5 quả tên lửa tầm nhiệt phóng đi từ máy bay Mỹ. Tướng Dan Chery đã tặng Nguyễn Hồng Mỹ danh hiệu “Đại tá danh dự Kentucky” khi mời ông đến thăm bảo tàng không quân Kentucky và Nguyễn Hồng Mỹ cũng đã nhiều lần đón tiếp, giao lưu với các đoàn cựu binh Mỹ khi họ đến thăm Việt Nam.
Chiến tranh dần lùi xa, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã được hàn gắn từ năm 1995. Và trong 25 năm qua, các cựu chiến binh hai nước và nhiều tổ chức, cá nhân yêu chuộng hòa bình đã cùng nhau khép lại quá khứ và xây đắp tương lai “Để bầu trời mãi xanh”.