Nuôi nghêu bền vững ở Gò Công

Gò Công Đông (Tiền Giang) là huyện có nghề nuôi nghêu phát triển mạnh từ năm 1975 đến nay. Năm 1990, địa phương mạnh dạn giao khoán cho các hộ dân, Ban Quản lý cồn bãi huyện để bảo vệ, phát triển nghề nuôi nghêu. Nhiều nông dân nơi đây đã thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên khá, giàu nhờ nghề này.
Bán nghêu cho thương lái ở vùng biển Gò Công Đông (Tiền Giang).
Bán nghêu cho thương lái ở vùng biển Gò Công Đông (Tiền Giang).

Mới đây, nghêu Gò Công Đông được trao chứng nhận đạt tiêu chuẩn ASC (Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản). Đây là đòn bẩy tạo động lực nâng cao giá trị, phát triển bền vững, bảo tồn "vàng trắng" ở vùng biển Gò Công.

Đổi đời nhờ nuôi nghêu

Huyện Gò Công Đông có khoảng 2.200 ha diện tích nuôi nhuyễn thể, chủ yếu là nghêu, sản lượng hằng năm 18.000-20.000 tấn thương phẩm, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Hơn 30 năm qua, nghề nuôi nghêu trên vùng đất bãi bồi ven biển Gò Công đã giúp đời sống người dân vùng biển Tân Thành được nâng cao, bộ mặt nông thôn khởi sắc.

Hầu hết, nhà cửa của người dân được xây dựng kiên cố, tường hóa, ngói hóa; hệ thống điện, nước sạch đầy đủ; hệ thống giao thông liên xã, liên ấp được đầu tư xây dựng, nhựa hóa hoàn chỉnh; chợ, trường học, trạm y tế đều khang trang, sạch đẹp... Tất cả đều có sự đóng góp không nhỏ từ nghề nuôi nghêu.

Ông Nguyễn Huỳnh Phương, ấp Tân Phú, xã Tân Thành cho biết: Thấy triển vọng từ nghề nuôi nghêu, năm 2008, ông cùng một số người góp vốn nuôi 5 ha nghêu. Vừa làm, ông vừa học hỏi kinh nghiệm. Không bao lâu, hiệu quả kinh tế mang lại khá lớn. Đến năm 2012-2013, ông mua 6 ha nuôi nghêu riêng. Từ đây, kinh tế gia đình ngày càng phát triển, cuộc sống khấm khá hơn.

Tương tự, gia đình ông Bùi Văn Tuấn, ấp Cầu Muống, xã Tân Thành cũng "ăn nên làm ra" nhờ con nghêu ở vùng biển Gò Công. Ông Thành tâm sự: "Trước đây, tôi làm thuê cho các sân nghêu. Đến năm 2009, gia đình thuê 5 ha sân để nuôi nghêu. Nhờ kinh nghiệm tích lũy nhiều năm, thời tiết thuận lợi nên nghêu phát triển tốt, giá cả ổn định. Đến nay, gia đình tôi có 40 ha sân nghêu, tôi cũng là một trong những người có diện tích sân nghêu nuôi lớn nhất ở Gò Công".

Theo các hộ nuôi nghêu, nếu thời tiết thuận lợi, đầu tư một tỷ đồng con giống (nuôi nghêu không dùng thức ăn, thuốc…), người nuôi sẽ thu lợi nhuận khoảng bốn tỷ đồng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu diễn biến rất bất thường. Nghêu thường bị chết vào thời điểm nắng nóng hằng năm. Có người bị mất trắng khi nghêu sắp đến ngày thu hoạch; vì vậy, người nuôi đa số đều thu hoạch trước thời điểm này để tránh thiệt hại.

Theo Ủy ban nhân dân huyện Gò Công Đông, từ năm 1990 trở về trước, người dân Tân Thành nói riêng và các xã ven biển Gò Công nói chung còn nghèo. Ðất đai bị nhiễm mặn quanh năm, cây lúa chỉ làm được một vụ, rất bấp bênh vì triều cường. Hệ thống giao thông lầy lội, khó đi. Điện, đường, trường, trạm tạm bợ nên đời sống người dân khá vất vả. Từ khi con nghêu xuất hiện, nghề nuôi nghêu đã giúp người dân các xã ven biển Gò Công đổi đời.

Sau năm 1990, Nhà nước đưa vào quản lý và khai thác nguồn tài nguyên từ nghêu. Lúc đó, để tạo nguồn thu nhập cho người dân, trên diện tích khoảng 2.200 ha, xã Tân Thành đã chia đều cho các hộ, mỗi hộ 0,3 ha để người dân liên kết lại nuôi nghêu thương phẩm. Ðối với diện tích 350 ha nghêu giống ở hai cồn ông Mão và ông Liễu, nếu nằm trong sân của dân thì khi khai thác người dân được hưởng 50%, Nhà nước 50%. Người dân xã Tân Thành đã tập trung quay về bám biển, phát triển nghề nuôi nghêu, ổn định cuộc sống.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gò Công Đông Lưu Thị Hồng Anh cho biết: "Huyện đã xác định, nghêu là một trong đối tượng nuôi chủ lực mang lại giá trị kinh tế khá lớn cho ngư dân vùng ven biển, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống".

Hướng đến nghề nuôi nghêu bền vững

Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang phối hợp với Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), Tổ chức OXFAM và Ủy ban nhân dân huyện Gò Công Đông triển khai các hoạt động nhằm xây dựng và phát triển bền vững nghề nuôi nghêu theo tiêu chuẩn quốc tế.

Ngày 15/11/2023, con nghêu Gò Công Đông được trao chứng nhận đạt tiêu chuẩn ASC (Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản). Đây được xem là giấy thông hành đưa nghêu Việt Nam đi vào nhiều thị trường khó tính như: châu Âu, Nhật Bản…

Trưởng ban Quản lý cồn bãi huyện Gò Công Đông Tạ Khắc Thuyên cho biết: Nghêu Gò Công sau khi được cấp chứng nhận, đã nâng cao lợi nhuận khi xuất ra thị trường quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng bảo đảm cung cấp cho thị trường. Người nuôi được áp dụng khoa học-công nghệ trong quá trình sản xuất, tham gia vào quá trình xử lý rác thải bãi nuôi; nâng cao ý thức cộng đồng trong quản lý rác thải, chất độc hại vào môi trường; phục hồi hệ sinh thái biển qua việc quản lý phương tiện, ngư cụ khai thác gây cạn kiện nguồn tài nguyên...

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Trần Thị Bé Bảy chia sẻ: Việc áp dụng chứng nhận ASC đối với vùng nuôi nghêu Tiền Giang là phù hợp với điều kiện sản xuất. Khả năng người dân tiếp tục duy trì việc tái chứng nhận sẽ dễ dàng hơn bằng việc tuân thủ các quy định nuôi trồng thủy sản hiện hành. Sản phẩm có chứng nhận sẽ được tiêu thụ với giá cả, thị phần cao hơn. Nếu chứng minh được cộng đồng tham gia khai thác có trách nhiệm, bảo tồn nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái tự nhiên thì giá nguyên liệu thủy sản và giá thành phẩm tăng lên. Việc áp dụng chứng nhận ASC còn tạo cơ hội cho người sản xuất quy mô nhỏ có điều kiện tham gia hội nhập.

Để nghề nuôi nghêu phát huy hết tiềm năng và phát triển bền vững, tỉnh Tiền Giang cần đầu tư tái tạo lại cho con nghêu từ quy hoạch vùng nuôi, bảo vệ nguồn nghêu giống tự nhiên, tăng cường sản xuất nghêu giống, nghiên cứu kỹ thuật chăm sóc, có sự liên kết chặt chẽ từ khâu nuôi, sơ chế cho đến chế biến xuất khẩu. Trước mắt, địa phương phải tập trung nghiên cứu, sớm tìm ra tác nhân chính gây chết nghêu hàng loạt trong những năm qua để có biện pháp xử lý, giúp người nuôi nghêu yên tâm sản xuất.

Theo Ủy ban nhân dân huyện Gò Công Đông, mỗi năm, vùng nuôi nghêu ở vùng biển Gò Công giải quyết lao động cho khoảng 100.000 người. Các địa phương có người dân tham gia đông như Tân Thành, Tân Ðiền, Phước Trung, Kiểng Phước... Mùa thu hoạch, vùng nuôi nghêu ở biển Gò Công mỗi ngày thu hút từ 3.000-4.000 lao động, bình quân mỗi lao động thu nhập được từ 150.000-300.000 đồng/ba giờ cào nghêu.