Nuôi cá ruộng mùa nước nổi

Nhiều năm qua, nông dân Hậu Giang đã thực hiện mô hình nuôi cá trên ruộng lúa vào mùa nước nổi mang lại hiệu quả cao. Đây cũng là một trong những mô hình sản xuất “thuận thiên” mỗi khi mùa lũ về hầu như không thể sản xuất lúa vụ thu đông.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân thường xuyên kiểm tra bờ bao, lưới cước, đề phòng cá ra bên ngoài.
Người dân thường xuyên kiểm tra bờ bao, lưới cước, đề phòng cá ra bên ngoài.

Trước đây, với đặc thù là vùng trũng, mỗi khi mùa lũ về, nhiều địa phương của tỉnh Hậu Giang như các huyện Phụng Hiệp, Vị Thủy, Long Mỹ… sản xuất vụ lúa thu đông (lúa vụ 3) kém hiệu quả cho nên thường bỏ đồng trống. Những năm gần đây, thấy thả nuôi cá trên ruộng vào mùa nước nổi mang lại hiệu quả, nông dân tại đây bắt đầu nhân rộng mô hình này.

Nhìn cánh đồng trắng xóa nước, anh Nguyễn Văn Vũ, một trong những hộ nuôi cá ruộng trong mùa lũ ở ấp 3, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy cho biết: “Do nơi đây là vùng trũng cho nên thường bị nước ngập sâu vào mùa lũ, người dân chỉ canh tác được hai vụ lúa trong năm là đông xuân và hè thu, còn vụ lúa thu đông thì bỏ đất trống.

Thấy nuôi cá ruộng trong mùa lũ mang lại nguồn thu nhập trong những tháng nhàn rỗi, cho nên tôi đã mạnh dạn thực hiện mô hình này nhiều năm qua và năm nào cũng mang lại nguồn thu nhập đáng kể”.

Cũng theo anh Vũ, sau khi thu hoạch lúa hè thu xong thì người dân mua cá giống về thả trước trong mương vườn khoảng một tháng để cho cá làm quen với môi trường tự nhiên và cá đủ lớn trước khi thả ra ruộng.

Cách làm này sẽ giúp hạn chế tối đa tỷ lệ hao hụt cá giống. Sau đó, đợi đến khi con nước lũ bắt đầu về làm ngập các cánh đồng lúa chét (lúa lên tự nhiên sau khi thu hoạch lúa hè thu) thì nông dân mới tiến hành thả cá giống ra ruộng để nuôi. Ngoài một số loài cá giống như: trê, chép vàng, mè hoa, chim trắng, sặc rằn,… thì người dân còn dẫn dụ cá rô, cá lóc ngoài tự nhiên vào đồng ruộng để nuôi nhằm tăng số lượng loài và sản lượng khi thu hoạch.

Trung bình 1.000 m2 đất ruộng, nông dân thả nuôi từ 2-3 kg cá giống, sau khoảng ba tháng sẽ thu hoạch với năng suất đạt từ 50-60 kg cá thương phẩm. “Như mọi năm, gia đình tôi chỉ thả nuôi trên diện tích khoảng sáu công ruộng của mình với 20 kg cá giống. Riêng năm nay tôi thả đến 30 kg (gồm cá chép vàng và mè hoa) trên diện tích hơn 1ha đất ruộng.

Với diện tích thả nuôi của những năm trước thì vào vụ thu hoạch, gia đình tôi cân cho thương lái từ 1-1,2 tấn cá các loại, giá bán từ 20.000-60.000 đồng/kg (tùy loại), tính ra mỗi vụ nuôi cũng kiếm thêm thu nhập khoảng 20 triệu đồng”, anh Vũ chia sẻ.

Còn ông Nguyễn Út Em ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp vụ này cũng thả nuôi 30 kg cá giống các loại trên 1,5 ha ruộng cho biết: “Vùng đất này hơi thấp, sợ làm lúa khi lũ về thu hoạch không kịp do lúa chưa kịp chín sẽ thiệt hại. Vì thế nhiều năm qua, năm nào gia đình tôi cũng thả cá nuôi, vừa hiệu quả lại khỏe hơn nhiều so với làm lúa. Sau khi thu hoạch cá, mình khỏi phải vệ sinh đồng ruộng, chỉ cần bơm nước ra là sạ lại vụ lúa đông xuân”.

Theo chia sẻ của nhiều hộ dân đang nuôi cá ruộng, thông thường sau thời gian nuôi gần ba tháng trên ruộng thì nông dân tiến hành thu hoạch cá để chuẩn bị đất gieo sạ vụ lúa đông xuân. Hộ nào không có ao, mương vườn để trữ cá thì bán ngay cho thương lái; gia đình nào có điều kiện thì nuôi thêm một thời gian nữa trong ao, mương vườn của mình, khi đến cận Tết Nguyên đán thì xuất bán sẽ được giá cao hơn.

Sở dĩ mô hình nuôi cá ruộng đang được nông dân Hậu Giang nhân rộng vì tốn rất ít công chăm sóc mà đầu ra ổn định, không sợ thua lỗ. Người dân chỉ tốn tiền mua cá giống, một ít thức ăn vào giai đoạn thả cá trong mương vườn và tiền mua lưới cước bao chung quanh ruộng.

Lưới cước có thể sử dụng từ ba đến bốn năm mới phải đổi. Trong suốt quá trình thả nuôi, nông dân không phải bổ sung thức ăn cho cá mà cá tự kiếm thức ăn trên ruộng từ rong rêu, rơm rạ, lúa chét của vụ trước đến các loài côn trùng. Chỉ có mỗi một công việc mà bà con phải làm trong suốt quá trình nuôi cá là đi kiểm tra bờ bao, lưới cước chung quanh để gia cố lại đề phòng cá ra bên ngoài.

Nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đồng thời tăng thu nhập cho người nuôi, ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo người dân kết hợp nuôi nhiều loại như cá lóc, cá trê, cá rô đồng ghép với cá sặc rằn, cá chép, cá mè…

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vị Thủy Trương Văn Trí cho biết, từ hiệu quả thực tế trong nhiều mùa lũ đã qua cho nên nông dân tại các vùng trũng trong huyện ngày càng nhân rộng mô hình nuôi cá ruộng. Diện tích vụ nuôi năm nay đã tăng thêm 420 ha, nâng tổng số lên khoảng 2.000 ha. Ưu điểm của mô hình này là ruộng lúa cung cấp rơm rạ mục, sâu bọ làm thức ăn cho cá, giúp tiết kiệm chi phí.

Bên cạnh cá ruộng ăn sâu bọ hại lúa, sục bùn, diệt cỏ dại thì chất thải của cá tích tụ có tác dụng làm phân bón, tăng độ bùn cho ruộng lúa, giảm công làm cỏ, làm đất sau mỗi vụ thu hoạch. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, nuôi cá trên ruộng lúa mùa nước nổi được xem là một trong những mô hình sản xuất “thuận thiên”, thích ứng với biến đổi khí hậu, mang lại hiệu quả kinh tế.

Vì thế, mùa lũ năm nay, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã có kế hoạch vận động người dân chuyển đổi diện tích lúa vụ 3 kém hiệu quả sang mô hình này. Theo kế hoạch, đã phát triển thêm khoảng 2.000 ha nuôi thủy sản trên ruộng lúa, trong đó hỗ trợ xây dựng mô hình “Nuôi cá trên ruộng lúa theo hướng nâng cao giá trị gắn với liên kết cộng đồng” tổng diện tích 200 ha.

Như vậy, diện tích nuôi cá ruộng trên toàn tỉnh nâng lên khoảng 7.500 ha, vượt 2.000 ha so với kế hoạch đầu năm. Về sản lượng, phấn đấu đạt hơn 11.600 tấn cá thương phẩm, vượt gần 2.000 tấn so với kế hoạch đầu năm, góp phần vào tăng trưởng kinh tế khu vực 1, ổn định sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân.