Nuôi cà cuống-làm chơi ăn thiệt

Trang trại nuôi cà cuống của chị Nguyễn Thị Lan (xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) hiện tại đã vang danh ra ngoài tỉnh và được nhiều bà con trong vùng tin cậy tìm đến mua con giống, học tập kinh nghiệm chăn nuôi. Và, ngay từ khi chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai, chị Lan đã làm thủ tục đăng ký sản phẩm nước mắm cà cuống mang tên "Phong Lan".
0:00 / 0:00
0:00
Chị Nguyễn Thị Lan giới thiệu về quy trình nuôi cà cuống tại trang trại.
Chị Nguyễn Thị Lan giới thiệu về quy trình nuôi cà cuống tại trang trại.

Theo Ủy ban nhân dân xã Phước Chỉ, ngoài trồng lúa, vùng đất này chỉ có phèn ngập, cà na hoang dại, bông súng ma, rau móp phát triển mạnh. Vì thế người dân trong xã loay hoay đủ mọi ngành nghề, cuộc sống vẫn không thể khá hơn được. Bắt đầu từ năm 2015, qua tìm hiểu trên các trang thông tin, biết được Tây Ninh có người đã nhân giống thành công cà cuống ở môi trường nuôi nhốt, chị Nguyễn Thị Lan đã tìm đến mua con giống về nuôi thử nghiệm.

Qua nhiều lần nuôi và nhân giống cà cuống thất bại, chị Lan cũng rút ra cho mình quy trình chuẩn để đến năm 2017, 10 ao cà cuống nuôi giống đã ổn định với số lượng 2.000 con. Chị Lan kể: "Năm 2017, tôi bắt đầu bán lứa cà cuống đầu tiên và được người tiêu dùng ưa chuộng. Với giá trung bình từ 30.000-130.000 đồng/con cà cuống thương phẩm và từ 100.000-200.000 đồng/con cà cuống giống, tôi đã thấy có lãi khá cao. Nghĩ rằng, ban đầu làm chơi cho vui, ai ngờ lại được sinh lợi thiệt sự, gia đình rất phấn khởi. Cà cuống là loài sinh sản nhanh với số lượng lớn và quanh năm.

Mỗi lứa đẻ chỉ cách nhau một tháng. Mỗi ổ cà cuống có khoảng 100 trứng, sau từ 5-7 ngày trứng nở thành ấu trùng, tỷ lệ nở gần đạt 100%. Từ khi nở đến lúc xuất bán thương phẩm khoảng 45 ngày, còn nuôi để sinh sản thì khoảng 75 ngày. Hiện nay, trang trại nuôi cà cuống của tôi đã mở rộng lên 3.000 m2. Nguồn tiêu thụ là các quán ăn miền bắc, nhất là những quán bán món bánh cuốn, bánh ướt hay dùng cà cuống pha nước chấm".

Theo kinh nghiệm của mình, chị Lan chia sẻ: Muốn nuôi cà cuống thì không khó, nhưng nhân đàn cà cuống thì không hề dễ, vì cà cuống là loài rất nhạy cảm với môi trường. Các vùng đất, nguồn nước nhiễm hóa chất, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu là tối kỵ, cà cuống sẽ chết hàng loạt. Ngoài ra, còn cần theo dõi độ PH, độ phèn của nước để đạt được kết quả tốt nhất.

Thêm nữa, nguồn thức ăn cho cà cuống là loại thực phẩm tươi sống như cá, ếch con, nhái con, cho nên cần phải chủ động được nguồn cung cấp thức ăn nếu chăn nuôi thương phẩm. Cuối cùng, để trưởng thành thì con cà cuống trải qua năm lần lột xác đòi hỏi người nuôi phải theo dõi để vớt phôi xác, việc này cũng mất rất nhiều thời gian.

Gần đây, năm 2020, qua tìm hiểu mô hình aquaponist (sự kết hợp giữa aquaculture còn gọi là nuôi trồng thủy sản và hydroponics nuôi trồng thủy canh) do ngành nông nghiệp hướng dẫn, chị Lan đã mạnh dạn đầu tư xây dựng thêm 30 ao nuôi cà cuống với quy mô gần 10.000 con và thả cá lia thia, trồng 1.000 m2 rau hữu cơ để sản xuất theo quy trình khép kín. Khi áp dụng mô hình aquaponist, cà cuống sẽ ăn cá lia thia, chất thải chăn nuôi sẽ bón cho rau, rau sẽ làm sạch nguồn nước qua vi sinh và cung cấp ngược trở lại cho bể nuôi cà cuống cùng cá lia thia.

Từ khi ứng dụng công nghệ aquaponist đàn cà cuống phát triển tốt, tỷ lệ hao hụt thấp, tiết kiệm được 30% chi phí nguồn thức ăn, giảm 50% lượng nước sạch và giảm 70% công lao động. Chị Lan chia sẻ: "Mỗi tháng trang trại cà cuống của tôi cung cấp ra thị trường hơn 10.000 con cà cuống thương phẩm, sau khi trừ chi phí thì lợi nhuận đạt 40-50 triệu đồng mỗi tháng. Ngoài ra, nhờ giảm được phí đầu vào, cho nên cà cuống giống bán ra giá cũng thấp hơn 40% so với giá thị trường.

Hiện nay, người tiêu dùng chủ yếu biết đến các sản phẩm được chế biến từ thịt cà cuống như chiên, hấp… do thịt và trứng cà cuống chứa nhiều protein, lipid và các vitamin. Tuy nhiên, giá trị nhất của con cà cuống là phần túi tinh dầu ngay bụng của cà cuống đực mà các quán bánh cuốn rất ưa chuộng, được thực khách sành điệu quan tâm".

Vì thế, ngoài bán cà cuống giống, thịt, nhận thấy nước mắm cà cuống là một trong những sản phẩm còn lưu giữ được tinh dầu của cà cuống, mùi vị thơm ngon, béo lạ, được thị trường chấp nhận, chị Lan tiếp tục đầu tư vào dây chuyền sản xuất, chế biến nước mắm để đa dạng hóa các sản phẩm từ cà cuống, tăng giá trị và có thêm đầu ra ổn định hơn trong lúc ngày càng có nhiều doanh nghiệp, nông dân đầu tư vào nuôi trồng loại côn trùng này. Và ngay từ khi Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai, chị đã làm thủ tục đăng ký sản phẩm nước mắm cà cuống mang tên "Phong Lan".

Từ sau khi đăng ký đề nghị cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP, nhiều công ty, doanh nghiệp, siêu thị đã đến để tìm hiểu sản phẩm và ngày càng có nhiều đơn đặt hàng các sản phẩm từ cà cuống hơn.

Theo Ủy ban nhân dân xã Phước Chỉ, chị Nguyễn Thị Lan từng là một "thủ lĩnh" thanh niên đầy nhiệt huyết, là người con của quê hương anh hùng, chị luôn trăn trở làm gì để không chỉ cho mình mà còn cho vùng đất Phước Chỉ sớm đổi thay.