Núi lửa phun trào trên đảo Lớn của Hawaii, Mỹ

NDO -

Núi lửa Kilauea trên đảo Lớn (Big Island) của Hawaii, Mỹ đã hoạt động trở lại vào đêm Chủ nhật, 20-12, theo giờ địa phương. Dung nham phun trào lên không trung, đun sôi cả hồ nước khiến hơi nước, khí đốt và tro bụi bay cao đến 9 km.

Người dân đứng xem vụ phun trào từ núi lửa Kilauea trên đảo Lớn của Hawaii vào ngày 20-12. Ảnh: AP.
Người dân đứng xem vụ phun trào từ núi lửa Kilauea trên đảo Lớn của Hawaii vào ngày 20-12. Ảnh: AP.

Trong những giờ đầu tiên núi lửa phun trào, dung nham trộn với nước trong miệng núi lửa, tạo ra hồ nước sôi khổng lồ. Bầu trời chuyển sang màu cam và đỏ. Người dân xếp hàng đứng xem cột khí và hơi bốc lên giữa đêm.

Tom Birchard, chuyên gia dự báo cấp cao của Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ ở Hawaii cho biết, dung nham đổ tuôn ra từ miệng núi lửa và trộn với nước tạo ra một vụ phun trào mạnh mẽ trong khoảng một giờ. Khi dung nham tương tác với nước, nó có thể gây ra các phản ứng nổ.

Ông Birchard cho biết, toàn bộ nước đã bốc hơi khỏi hồ và một đám mây hơi nước bay lên cao khoảng 9 km vào bầu khí quyển.

Núi lửa phun trào trên đảo Lớn của Hawaii, Mỹ -0
 Núi lửa Kilauea phun trào vào ngày 21-12. Ảnh: USGS qua AP.

Nước lần đầu tiên được ghi nhận trong miệng núi lửa Kilauea là vào năm 2019. Sau một tuần nghi ngờ về một mảng xanh bí ẩn dưới đáy miệng núi lửa, các nhà nghiên cứu đã xác nhận sự hiện diện của nước. Hồ đã tiếp tục đầy kể từ đó.

Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ (USGS) cho biết, vụ phun trào bắt đầu vào cuối ngày Chủ nhật. Do vị trí phun trào lần này, không có ngôi nhà nào phải sơ tán và có rất ít rủi ro. Miệng núi lửa nằm trong Công viên Quốc gia Núi lửa Hawaii và là nơi có hồ dung nham lâu đời tồn tại trong nhiều năm.

Vụ phun trào tiếp tục diễn ra trong suốt ngày 21-12 và các nhà khoa học cho biết rất khó để biết nó sẽ kéo dài bao lâu. Khi nước không còn nữa, một hồ dung nham đã hình thành trong miệng núi lửa.

Núi lửa phun trào trên đảo Lớn của Hawaii, Mỹ -0
Miệng núi lửa Kilauea sau khi phun trào đã rút cạn nước vào ngày 21-12. Ảnh: USGS qua AP. 

Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ đã đưa ra cảnh báo về tro bụi từ núi lửa. Tiếp xúc quá nhiều với tro sẽ gây kích ứng mắt và hô hấp. Cơ quan này sau đó cho biết, vụ phun trào đang dịu đi và một "đám mây hơi nước ở tầng thấp" vẫn còn tồn tại trong khu vực.

Bà Jessica Ferracane, người phát ngôn của Công viên Quốc gia Núi lửa Hawaii cho biết, hoạt động của núi lửa gây ra nguy cơ về sức khỏe đối với người dân nên cần phải thận trọng.

Nhìn núi lửa phun khá thú vị, “nhưng có một lượng lớn khí và hạt sulfur dioxide nguy hiểm đang cuồn cuộn chảy ra khỏi miệng núi lửa và những thứ này gây nguy hiểm cho con người, đặc biệt là những người có vấn đề về tim hoặc hô hấp, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai”, bà Ferracan nói.

Bà cho biết, ô tô đang xếp hàng dài ở lối vào công viên để được quan sát dung nham. Ferracane cũng cho biết mọi người nên lưu ý đến đại dịch Covid-19 và thực hiện các biện pháp để giữ an toàn.

Một trận động đất mạnh 4,4 độ richter xảy ra khoảng một giờ sau khi núi lửa bắt đầu phun trào.

USGS cho biết họ đã nhận được hơn 500 báo cáo về những người cảm thấy trận động đất, nhưng chưa có báo cáo về thiệt hại.

Núi lửa phun trào trên đảo Lớn của Hawaii, Mỹ -0
 Dung nham phun trào trên miệng núi lửa Kilauea vào đêm 20-12. Ảnh: USGS qua AP.

Núi lửa Kilauea phun trào lần cuối vào năm 2018, phá hủy hơn 700 ngôi nhà và phun ra dung nham đủ để lấp đầy 320.000 hồ bơi theo tiêu chuẩn Olympic. Một khu vực rộng hơn một nửa Manhattan đã bị chôn vùi trong dung nham đã đông cứng lên đến 24 mét. Dung nham đã chảy trong suốt bốn tháng.

Núi lửa đã không phun trào kể từ năm 2018, nhưng trước đó đã có dòng dung nham hoạt động trong hơn ba thập kỷ. Kilauea là một trong những ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất trên Trái đất.