Nữ sĩ quan tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc: Cơ hội và thách thức

NDO - Việt Nam tự hào là quốc gia có 13% số nữ quân nhân trên tổng số quân nhân tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Sự tham gia ngày càng nhiều của các nữ sĩ quan trong Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong bối cảnh thúc đẩy bình đẳng giới, tăng cường trao quyền cho phụ nữ, đóng góp vào một tương lai bền vững, an ninh, an toàn trong khu vực và trên thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu tham dự hội nghị quốc tế.
Các đại biểu tham dự hội nghị quốc tế.

Ngày 30/5, tại Hà Nội, Học viện An ninh nhân dân Việt Nam phối hợp Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) Việt Nam, với sự hỗ trợ của chính phủ Canada, tổ chức hội thảo quốc tế "Nữ sĩ quan Công an nhân dân tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc - cơ hội và thách thức".

Hội thảo có sự tham gia của đại diện Bộ Công an, Học viện An ninh nhân dân, Học viện Cảnh sát nhân dân, Văn phòng Thường trực Bộ Công an về Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Bộ Quốc phòng, các sĩ quan công an, quân đội đã và sẽ tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Từ năm 2014 đến nay, đã có hơn 500 lượt sĩ quan thuộc các lực lượng vũ trang của Việt Nam đã và đang tích cực tham gia các phái bộ của Liên hợp quốc tại các quốc gia và vùng lãnh thổ.

Các đại diện của Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó, được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Công an nhân dân Việt Nam là lực lượng vũ trang trọng yếu, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, giữ vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, lực lượng Công an nhân dân Việt Nam luôn tích cực tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc theo chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước.

Triển khai thực hiện Đề án “Công an nhân dân Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc giai đoạn 2014-2020 và những năm tiếp theo”, Bộ Công an đã quyết định cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình, nhằm cụ thể hóa đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là hội nhập quốc tế sâu rộng, trở thành thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại tá Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Học viện An ninh nhân dân cho biết: Hội nghị nhằm làm rõ hơn các vấn đề về lý luận, tìm kiếm các giải pháp sáng tạo, tổng thể phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của Việt Nam trong triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình.

Đây thật sự là diễn đàn hữu ích nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, nghiên cứu thực tiễn, đồng thời là cơ hội để tiếp thu ý kiến từ các chuyên gia, các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế về tầm nhìn và kinh nghiệm trong công tác xây dựng, triển khai hiệu quả lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, nhất là có sự tham gia của các nữ sĩ quan.

Bà Caroline Nyamayemobe, quyền Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam, nhấn mạnh: Đây là một cơ hội quý giá để tôn vinh vai trò không thể thiếu của phụ nữ trong các hoạt động giữ hòa bình, cũng như là cơ hội để học hỏi kinh nghiệm của Canada và các quốc gia khác đã thành công trong việc tăng cường sự tham gia đầy đủ của nữ sĩ quan cảnh sát vào các nỗ lực giữ hòa bình.

Nữ sĩ quan tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc: Cơ hội và thách thức ảnh 1
Đại sứ Canada về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh Jacqueline O’Neil.

Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ Canada về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh Jacqueline O’Neil, cho biết: Tôi vui mừng được đến Việt Nam đúng dịp Việt Nam đang lần đầu tiên xây dựng Kế hoạch Hành động quốc gia vì phụ nữ, hòa bình và an ninh, thể hiện rõ cam kết của Việt Nam về sự tham gia nhiều hơn nữa của phụ nữ thuộc lực lượng an ninh, quốc phòng vào các hoạt động gìn giữ hòa bình.

Hội nghị hôm nay rất có giá trị, vì đã cho chúng ta cơ hội chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau, bởi chúng ta đều đang nỗ lực tìm cách xác định và loại bỏ các rào cản mà phụ nữ tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình gặp phải.

Là nữ sĩ quan Công nhân nhân dân Việt Nam đầu tiên tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan, chị Lương Thị Trà Vinh chia sẻ: Tôi luôn nhận thức được tầm quan trọng, niềm vinh dự, tự hào khi được giao nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Phái bộ của Liên hợp quốc.

Mặc dù có nhiều khó khăn như khí hậu khắc nghiệt, cơ sở vật chất, điện, nước sạch thiếu thốn, nguy hiểm luôn chực chờ, nhưng tôi và các đồng đội nhanh chóng vượt qua những lo lắng, sự cô đơn, nỗi nhớ quê hương, gia đình để thực hiện nhiệm vụ của Liên hợp quốc và nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an giao.

Trong quãng thời gian thực hiện nhiệm vụ, tôi thấy mình có nhiều cơ hội cho bản thân hơn là những khó khăn, thách thức.

Nữ sĩ quan tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc: Cơ hội và thách thức ảnh 2

Trung tá Lương Thị Trà Vinh.

Tại hội nghị, các ý kiến tập trung thảo luận 3 vấn đề chính: Làm rõ khái niệm, mục đích, ý nghĩa của nhiệm vụ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của quốc tế và Việt Nam trong việc cử lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; chỉ rõ những cơ hội, khó khăn, thách thức của nữ sĩ quan khi tham gia thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Các đại biểu cũng đưa ra các giải pháp tăng cường sự tham gia của nữ sĩ quan an ninh và cảnh sát, thúc đẩy bình đẳng giới trong các hoạt động giữ hòa bình của Liên hợp quốc.