Nụ cười trong những ngôi nhà mới dành cho các nạn nhân da cam

NDO - Suốt mấy ngày nay, bà Bồ Thị Gái (thôn Tập Mỹ, xã La Sơn, Bình Lục, Hà Nam) vẫn chưa dám tin vào mắt mình. Trên nền ngôi nhà cũ, một mái ấm mới đã được dựng lên, khang trang, tươm tất. Giấc mơ kéo dài hàng chục năm của bà và cô con gái nhiễm chất độc da cam đã trở thành hiện thực.
0:00 / 0:00
0:00
Hàng xóm láng giềng hay tin bà Bồ Thị Gái có nhà mới đã tề tụ lại, gửi lời chung vui. Trong ánh mắt của người mẹ già đã ánh lên nét cười trong căn nhà mang giấc mơ da cam… (Ảnh: Thành Đạt)
Hàng xóm láng giềng hay tin bà Bồ Thị Gái có nhà mới đã tề tụ lại, gửi lời chung vui. Trong ánh mắt của người mẹ già đã ánh lên nét cười trong căn nhà mang giấc mơ da cam… (Ảnh: Thành Đạt)

Cũng giống như bà Gái, Tết này, 4 hộ gia đình khác tại huyện chiêm trũng Bình Lục đã được đón niềm vui mới đầy bất ngờ từ chương trình Chung tay chia sẻ nỗi đau da cam do Báo Nhân Dân, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Bình Lục và Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng SMBC (FE Credit) phối hợp thực hiện.

Từ những ngôi nhà chưa lành…

Cuối tháng 10/2022, trong chuyến khảo sát thực tế tại huyện Bình Lục (Hà Nam), đoàn công tác Báo Nhân Dân đã được chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh đáng thương của các nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin.

Dẫn chúng tôi đi, ông Vũ Đắc Thắng, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân da cam/dioxin huyện không giấu nổi nỗi ưu tư. Theo ông Thắng, mặc dù chiến tranh đã qua đi nhiều năm, nhưng toàn huyện Bình Lục vẫn có gần 600 nạn nhân da cam, trong đó có 343 nạn nhân trực tiếp, 242 người gián tiếp. Nhiều trường hợp di truyền tới tận những thế hệ thứ 3, thứ 4. Thậm chí, nhiều gia đình còn mất giống nòi. Họ là những người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ khi gánh trên vai nỗi đau da cam suốt đời.

Ông Đinh Phúc Thể (thôn Đồng Tập, xã La Sơn) mắt đỏ hoe khi gặp đoàn công tác. Ngồi bên cạnh, anh Đinh Văn Bá con trai ông vẫn cứ ngẩn ngơ cười trên chiếc xe lăn. Sau lưng, căn nhà dựng tạm chỉ có 4 vách tường cùng một tấm mái che bằng phi-prô xi-măng trống huếch hoác càng khiến cho câu chuyện trở nên buồn hơn.

Sau khi rời chiến trường, ông Thể trở về quê nhà, mang trên mình những di chứng của chất độc dioxin. Sức khỏe giảm sút, ông không thể làm việc gì quá nặng nhọc. Đau đớn hơn, thế hệ thứ hai, anh Đinh Văn Bá, tiếp tục được xác định “gánh tiếp” nỗi đau da cam từ bố.

Nụ cười trong những ngôi nhà mới dành cho các nạn nhân da cam ảnh 1

Ông Thể và người con trai gánh trên vai nỗi đau da cam ở trong căn nhà cũ lụp xụp. Ảnh chụp tháng 10/2022.

“Con trai tôi từ khi sinh đã bị dị tật tay, chân; mắt trái giảm thị lực. Sau nhiều năm, hiện cháu chỉ có thể ngồi trên xe lăn. Mọi sinh hoạt đều phải phụ thuộc vào người khác hỗ trợ”, ông Thể thở dài.

Đáng buồn hơn, do không có điều kiện, “hai thế hệ da cam” thôn Đồng Tập buộc phải ở chung trong căn nhà dựng tạm. Thứ tài sản đáng giá nhất là chiếc giường cũ kỹ đã xiêu vẹo. Qua tháng năm, tường bên trong nhà bong tróc. Đến cây cột chống nhà cũng phải được gá tạm bằng… tre.

Cách nhà ông Thể không xa là trường hợp đau lòng không kém của bà Bồ Thị Gái và cô “con gái da cam” Nguyễn Thị Viện. Trong kháng chiến, chồng bà Gái, ông Nguyễn Văn Vĩnh đi bộ đội tại chiến trường miền Nam. Ngày trở về, do không biết đã mang trong mình di chứng dioxin, ông và bà sinh ra chị Viện trong niềm hạnh phúc đoàn viên. Thế nhưng, ngày chị Viện chào đời, bà Gái chết lặng khi chân tay chị không thẳng như người thường.

“Càng lớn, Viện càng có nhiều biểu hiện không bình thường, thường xuyên co giật, trí não phát triển chậm và hay bỏ đi lang thang”, bà Viện kể, mắt đã đỏ hoe.

Nụ cười trong những ngôi nhà mới dành cho các nạn nhân da cam ảnh 2

Hai mẹ con bà Bồ Thị Gái sống chung trong căn nhà cũ kỹ, rộng chỉ vỏn vẹn 15m2

Nói đoạn, bà Gái lẩn mẩn kéo chiếc ghế nhựa đã nứt nẻ ra mời chúng tôi ngồi. Chỉ vào bức tường loang lổ vết chân chim, bà bảo: Ngôi nhà hai mẹ con bà ở từ nhiều năm nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Mỗi khi trời mưa lớn, căn nhà 15m2 ấy lại dột tứ tung.

Ngồi thừ người nhìn đăm đăm ra màn mưa đang rả rích bên ngoài để… đợi con về, bà Gái khẽ thở dài: “Toàn bộ cuộc sống của hai mẹ con trông chờ vào khoảng hơn 2 triệu tiền trợ cấp chế độ. Nhiều lúc, nhìn con mà tôi chảy nước mắt, nghĩ dại nếu sau này lỡ nằm xuống, không biết nó sẽ tự phải xoay xở ra sao. Suốt mấy năm qua, ước mơ duy nhất của tôi là được các mạnh thường quân giúp đỡ xây một căn nhà lành lặn, nhỏ thôi để cho con tôi sau này có thể tự chăm sóc được mình”.

Nụ cười trong những ngôi nhà mới dành cho các nạn nhân da cam ảnh 3

Ông Trần Quốc Thảo (xã Trung Lương) vẫn phải ở nhà người con trai lớn để chăm sóc cô con gái bị nhiễm chất độc da cam.

Cũng trong chuyến khảo sát cuối năm 2022, chúng tôi đã chứng kiến nhiều hoàn cảnh bi thương của những người không may mang trong mình nỗi đau da cam. Đó là trường hợp của bà Lại Thị Mười (xã An Nội) khi những người thân yêu lần lượt mất đi do chất độc dioxin; bỏ lại bà giữa căn nhà xiêu vẹo được xây từ gần 40 năm về trước. Đó còn là câu chuyện của ông Trần Quốc Thảo (xã Trung Lương). Ở tuổi 80, ông phải ở nhờ nhà người con trai lớn, ngày ngày cùng vợ chăm sóc cho cô con gái út tật nguyền do di chứng chiến tranh.

Mặc dù không nằm trong vùng bị rải chất độc hóa học trong chiến tranh, nhưng tại Bình Lục, nỗi đau da cam vẫn hiện hữu. Với những người như bà Gái, bà Mười, chị Viện, ông Thảo…, giấc mơ về một mái ấm bình yên tưởng chừng như mãi xa xôi.

Nụ cười bình yên trong những căn nhà mới dựng

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin về các trường hợp, Báo Nhân Dân đã phối hợp cùng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Bình Lục, Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng SMBC (FE Credit) quyết định thực hiện chương trình Chung tay chia sẻ cùng các nạn nhân; giúp họ hiện thực hóa “giấc mơ mái ấm” ngay trước dịp Tết đến, xuân về.

Với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, ngày 18/11/2022, Chương trình khởi công xây, cải tạo nhà cho 5 gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại huyện Bình Lục đã chính thức diễn ra. Trong gần 2 tháng tiếp theo, hàng chục công nhân đã ngày đêm làm việc để đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm hoàn thiện công trình trước thềm Tết Nguyên Đán 2023.

Nụ cười trong những ngôi nhà mới dành cho các nạn nhân da cam ảnh 4

Nhà báo Nguyễn Ngọc Thanh, Trưởng Ban Nhân Dân điện tử, Báo Nhân Dân cùng lãnh đạo địa phương tiến hành khởi công công trình xây dựng nhà ở cho bà Bồ Thị Gái.

Nếp nhà cũ lần lượt được dỡ bỏ. Cát, sỏi, vật liệu được tập kết trên nền cũ. Ngày qua ngày, hệ thống móng, cột kèo được dựng lên trong niềm mong chờ khôn nguôi của những nạn nhân da cam.

Nhớ lại quãng thời gian này, bà Mười (xã An Nội) không giấu được cảm xúc: “Nhìn thợ không quản rét mướt cẩn thận xây từng bức tường, tôi mừng chảy nước mắt. Thế là sau gần 40 năm đợi chờ, ước mơ của chúng tôi cuối cùng cũng đang thành hiện thực”.

Thế rồi, ngày hạnh phúc sau cùng cũng tới. Chiều 11/1, Báo Nhân Dân cùng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng SMBC (FE Credit) đã chính thức tổ chức Lễ bàn giao nhà tình nghĩa cho 5 gia đình các ông, bà Bồ Thị Gái (xã La Sơn); Đinh Phúc Thể (xã La Sơn); Lại Thị Mười (xã An Nội); Trần Quốc Thảo (xã Trung Lương); Dương Đình Lạm (xã An Đổ) với tổng giá trị 400 triệu đồng.

Nụ cười trong những ngôi nhà mới dành cho các nạn nhân da cam ảnh 5

Sau gần 2 tháng thi công khẩn trương, chiều 11/1, những ngôi nhà nghĩa tình đã được trao tặng lại cho 5 hộ gia đình đang mang nỗi đau da cam.

Có mặt tại lễ bàn giao, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam bày tỏ niềm vui mừng khi các hộ gia đình đã có mái ấm mới. Đồng chí nhấn mạnh: Cùng việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, trong suốt hơn 70 năm qua, Báo Nhân Dân luôn thể hiện trách nhiệm xã hội, kêu gọi cán bộ, phóng viên, biên tập viên, các nhà tài trợ đồng hành cùng các chương trình lớn hằng năm mà Báo Nhân Dân tổ chức nhân các dịp lễ, Tết và nhiều chương trình khác.

Nụ cười trong những ngôi nhà mới dành cho các nạn nhân da cam ảnh 6

Nếp nhà xưa và giấc mơ thành hiện thực hôm nay của mẹ con bà Bồ Thị Gái....

Năm 2022, một trong những hoạt động thiện nguyện rất ý nghĩa của Báo Nhân Dân chính là phối hợp cùng Công ty tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng SMBC triển khai xây mới 4 căn nhà và cải tạo, sửa chữa 1 căn nhà cho 5 gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

"Những công trình này giúp cho 5 gia đình nạn nhân chất độc da cam sẽ đón Tết an lành trong ngôi nhà mới khang trang, góp phần xoa dịu nỗi đau của những gia đình có nhiều thế hệ bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin", đồng chí Lê Quốc Minh nói.

Nụ cười trong những ngôi nhà mới dành cho các nạn nhân da cam ảnh 7

Bên trái là ngôi nhà cũ nhiều năm không tu sửa của bà Gái. Trên nền đất ngày nào, giờ đã có một ngôi nhà nhỏ nhưng ấm cúng và khang trang.

Đón nhận tình cảm và sự quan tâm từ cộng đồng, bà Bồ Thị Gái rưng rưng: “Tôi không biết nói gì hơn, chỉ biết gửi lời cảm ơn tới Báo Nhân Dân và các nhà tài trợ. Có lẽ, chưa Tết nào đầm ấm và vui như Tết năm nay”.

Ông Dương Đình Lạm (xã An Đổ) cũng bày tỏ niềm xúc động, vui mừng khi được đón nhà mới ngay trước thềm Tết cổ truyền; đồng thời khẳng định: Sự động viên to lớn về cả vật chất lẫn tinh thần chính là nguồn động viên lớn để các hộ nạn nhân cố gắng vượt lên nỗi đau.

Chiều về, khoảnh sân nhỏ trước căn nhà nhỏ của bà Gái rộn tiếng cười. Hàng xóm láng giềng hay tin đều tề tựu, chung vui. Trong ánh mắt của người mẹ già đã ánh lên nét cười trong…

Đại diện nhà tài trợ, bà Đỗ Thị Thùy Vân, Phó Giám đốc Trung tâm tiếp thị (Công ty tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng SMBC) cho hay: Công ty tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng SMBC luôn tích cực triển khai, phối hợp thực hiện các hoạt động ý nghĩa, tri ân các anh hùng liệt sĩ, gia đình chính sách, người có công tại nhiều địa phương.

“Với phương châm hiện thực hóa hàng triệu ước mơ, thông qua hoạt động lần này, Công ty tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng SMBC muốn cùng chung tay động viên các nạn nhân chất độc da cam để họ có được mái ấm, sớm ổn định cuộc sống để tiếp tục vươn lên, vượt qua khó khăn trong cuộc sống”, bà Đỗ Thị Thùy Vân nói.