Vở diễn gồm những lát cắt về cuộc đời hoạt động Cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, qua ba giai đoạn, khi đang học ở trường Bảo hộ của Pháp, tạo dựng phong trào đấu tranh ở đây, khi bỏ trường về quê, và khi lãnh đạo phong trào ở mỏ than Mạo Khê, Quảng Ninh với vai trò Bí thư Mạo Khê, bị thực dân Pháp bắt và cầm tù. Đây cũng là vở diễn hướng tới chào mừng Đại hội Đảng lần thứ 13 sắp tới.
Tác giả của vở diễn là NSND Tự Long, Phó Giám đốc Nhà hát và nghệ sĩ Lê Thế Song. NSND Tự Long cũng là đạo diễn của vở diễn, với rất nhiều công sức bỏ ra từ nghiên cứu, tìm tòi tư liệu, tài liệu cho đến lựa chọn diễn viên, dàn dựng và theo sát vở diễn. Anh cho biết, vở diễn cũng là một nén tâm nhang thành kính mà anh kính dâng lên cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, cũng là người con của vùng đất quan họ Bắc Ninh quê anh.
Vở diễn được thực hiện trong vỏn vẹn hai tháng, với khoảng gần 100 nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công mà nòng cốt là các nghệ sĩ Đoàn 1 của Nhà hát. Đặc biệt, trong số các nghệ sĩ thực hiện vở, có rất nhiều diễn viên trẻ, thậm chí mới về vài tháng, và chưa hề có danh hiệu gì. “Họ là những người còn rất trẻ, vì thế sẽ có những cảm nhận về vở diễn rất khác với các thế hệ trước. Họ ngoài việc giữ truyền thống về nghề, về ý chí Cách mạng thì cũng phải thổi lên được ngọn lửa yêu nghề” – NSND Tự Long nói.
Điểm đặc biệt của vở diễn là ê kíp thực hiện đã lồng ghép một cách rất duyên dáng và nhuần nhị những làn điệu quan họ, làn điệu chèo vào câu chuyện, tạo sự mềm mại, nhẹ nhàng. Sự thể hiện của những diễn viên trẻ trong vở diễn cũng khá nuột nà, khiến cho không ít khán giả ngạc nhiên bởi đây là vở diễn khá nặng, không chỉ đối với tính chất tuyên truyền về hình tượng người chiến sĩ Cách mạng, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, mà còn nặng về nghệ thuật với các làn điệu quan họ và chèo sử dụng đan xen, lồng trong nhau.
Phó Giám đốc Nhà hát, NSND Tự Long, người đã trăn trở, rút hết tâm huyết ra đối với vở chèo cho biết, quá trình dàn dựng vở, ê kíp thực hiện đã gặp không ít khó khăn bởi vì tài liệu, tư liệu về đồng chí Nguyễn Văn Cừ còn lại rất ít, hơn nữa, thời gian hoạt động của đồng chí ngắn, lại hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Ba khó khăn đó tạo nên những áp lực lớn khi làm vở diễn. Đặc biệt, đây lại là một vở chèo, vậy phải làm thế nào để giảm bớt được sức nặng và sự khô cứng cho phù hợp với các làn điệu mềm mại của chèo.
NSND Tự Long cho biết: “Chúng tôi phải chia vở diễn thành ba giai đoạn. Phần đầu “Tiếng hát quê hương” là âm hưởng của gia đình, của vùng đất quê Kinh Bắc đã hun đúc nên một con người như vậy. Chúng tôi đã tận dụng miền quê đó với những làn điệu dân ca quan họ kết hợp với chèo để làm cho vở diễn ngọt ngào hơn”. Hai phần đầu gắn với quê hương Bắc Ninh của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ cũng vì thế mà mềm mại, nhẹ nhàng hơn.
Đến phần hoạt động của đồng chí ở mỏ, NSND Tự Long cho biết, giai đoạn này có sự hun đúc, có những hoạt động thực tiễn của đồng chí đối với công nhân. Anh chia sẻ: “Cụ là người rất giỏi. Trong các tập hồi ký của mình, các lãnh tụ Cách mạng như đồng chí Trường Chinh hay Lê Duẩn đều có ghi rằng “đồng chí Nguyễn Văn Cừ trẻ hơn chúng tôi từ 5-10 tuổi, nhưng lý luận, lập luận của đồng chí là vô cùng sắc bén mà không học ở một trường lớp nào cả. Đồng chí là một con người lỗi lạc”. Những bút tích đó hiện giờ vẫn còn, ở nhà cụ và ở trong cuốn “Tự chỉ trích”.
Vở diễn cũng đề cập đến những câu nói của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ liên quan đến việc tự chỉnh đốn mình. NSND Tự Long cho biết, những tư liệu về những bài học tự chỉnh đốn mình như trong vở diễn có nhiều trong cuộc sống, nhưng phải chắt lọc sao cho giảm bớt sự khô. Toàn bộ những lời nói trích dẫn trong vở của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đều được ê kíp thực hiện nghiên cứu rất kỹ lưỡng. “Cụ là người đi tuyên truyền, phải làm toát lên tinh thần của cụ. Phải dùng những ngôn từ cực kỳ sắc bén và ngắn gọn như của cụ mới lột tả được hình tượng con người cụ, đó cũng là cái khó của những người dựng vở”.
NSND Tự Long cho biết, ê kíp thực hiện chia vở diễn thành ba phần để tăng thêm tính hư cấu một chút nhưng không bịa đặt thêm về lịch sử. “Hư cấu là làm sao để hình tượng của cụ vừa giản dị, vừa bộc lộ cá tính, nhân cách lớn và đặc biệt là thể hiện được khí phách tuổi trẻ của cụ. Thực ra khi làm vở này, chúng tôi cũng muốn tuyên truyền tới thế hệ trẻ bây giờ, đặc biệt là lớp đảng viên trẻ, bộ đội trẻ, rằng, trong những khó khăn, vất vả như vậy mà thế hệ trước vẫn kiên định, kiên trung với lý tưởng sống của mình. Vậy thì thế hệ trẻ hôm nay phải sống sao cho xứng đáng với tiền nhân, với những con người quên mình trong khó khăn. Chúng tôi cũng thấy mình có trách nhiệm phải tuyên truyền trong bộ đội, nhân dân về hình tượng của cụ”.