Nông thôn mới nâng cao ở Hà Nam

Năm 2022, tỉnh Hà Nam có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 19 xã được công nhận đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Sau khi được công nhận, các xã đã chú trọng quan tâm việc duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí, triển khai nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Xây dựng nông thôn mới nâng cao ở xã Chuyên Ngoại, thị xã Duy Tiên.
Xây dựng nông thôn mới nâng cao ở xã Chuyên Ngoại, thị xã Duy Tiên.

Là đơn vị đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Hà Nam từ năm 2018, những năm qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân thị xã Duy Tiên luôn xác định, xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc và là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Trên tinh thần đó, thị xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động các nguồn lực để duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới theo hướng xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Theo đó, thị xã Duy Tiên phấn đấu có năm xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Đồng chí Nguyễn Văn Mai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Chuyên Ngoại chia sẻ: Để có được sự chung sức, đồng lòng của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, lãnh đạo xã đã thường xuyên xuống họp chi bộ, đến từng hộ gia đình cùng cán bộ thôn, xóm bàn, phân công cán bộ đảng viên phụ trách nhóm hộ gia đình.

Cùng với đó, vận dụng linh hoạt các hình thức tuyên truyền, vận động để người dân hiểu tham gia bàn bạc, đóng góp ý kiến, qua đó khơi dậy tinh thần tự giác, tự nguyện của nhân dân từ việc tích cực hiến đất, góp công, góp của xây dựng đường giao thông nông thôn với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ.

Từ năm 2019 đến nay, xã Chuyên Ngoại thực hiện 23 dự án nâng cấp, cải tạo, mở rộng đường giao thông trên 13 tuyến đường trục thị xã, trục xã, trục thôn. Để mở rộng các tuyến đường trục liên thôn, liên xã, UBND xã Chuyên Ngoại đã vận động gần 500 hộ dân sống hai bên đường dịch tường hiến đất làm đường với tổng diện tích gần 7.000m2 ( gồm đất ở, đất vườn, tường bao...) có tổng giá trị lên đến gần 70 tỷ đồng bao gồm tiền đất quy đổi và các hạng mục xây dựng phá dỡ như tường bao, nhà ở, các công trình phụ trợ...

Đến nay, thị xã Duy Tiên đã huy động hơn 327 tỷ đồng đầu tư tiếp tục nâng cao các các tiêu chí nông thôn mới, nhất là các tiêu chí thuộc nhóm phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn. Thị xã đã triển khai xây dựng, nâng cấp hơn 18,546km đường giao thông nông thôn; một sân vận động tại xã Mộc Bắc; 5,5km hệ thống chiếu sáng trên các tuyến đường; hoàn thiện, đưa vào sử dụng hơn 1.540 phòng học và phòng chức năng cho các trường học; hoàn thành ba nhà văn hóa thôn...

Huyện Kim Bảng cũng có đến sáu xã hoàn thành nông thôn mới nâng cao trong năm 2022. Để cán đích nông thôn mới nâng cao theo kế hoạch, lộ trình đề ra, thời gian qua, các xã trong huyện đều nỗ lực hoàn thiện các chỉ tiêu, tiêu chí còn lại theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh. Theo đó, ngay từ đầu năm, huyện Kim Bảng đã tập trung ưu tiên hỗ trợ nguồn lực, chỉ đạo các phòng chuyên môn phụ trách tiêu chí, chỉ tiêu nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.

Thường xuyên kiểm tra, rà soát, hướng dẫn, đôn đốc các xã đăng ký xây dựng nông thôn mới nâng cao đẩy nhanh tiến độ thực hiện; nhất là các tiêu chí về quy hoạch, cơ sở hạ tầng, văn hóa, hộ nghèo, y tế, tổ chức sản xuất, môi trường... Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các xã còn gặp khó khăn, vướng mắc ở một số chỉ tiêu của các tiêu chí: Y tế, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, văn hóa...

Đến nay, Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao tiếp tục được tỉnh Hà Nam quan tâm triển khai thực hiện. Công tác tuyên truyền, vận động, phối hợp thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao đã được các cấp, các ngành và các địa phương chú trọng. Công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên được quan tâm, triển khai thực hiện.

Đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam cho biết: Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Hà Nam đặt ra mục tiêu thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn; xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn đồng bộ và hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng nông thôn mới thông minh và thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn.

Hệ thống chính trị được tăng cường, an ninh trật tự xã hội ở nông thôn được bảo đảm và giữ vững; đời sống nông thôn giàu bản sắc văn hóa truyền thống; từng bước nâng cao điều kiện sống và thu hẹp dân cư nông thôn tiệm cận với đô thị.

Tỉnh Hà Nam phấn đấu đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh có ít nhất 35 xã đạt nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và có một huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (huyện Bình Lục); duy trì, giữ vững kết quả tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới theo quy định của Chính phủ giai đoạn 2021-2025; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng gấp 1,5 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo chung đa chiều còn khoảng 1,56%...