Nông nghiệp theo hướng xanh ở Nam Định

Những năm qua, nông nghiệp tỉnh Nam Định có bước phát triển ổn định, chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, trình độ, hiệu quả cao hơn. Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản 5 năm gần đây tăng từ 2,5-3,0%/năm. Các lĩnh vực sản xuất tập trung theo hướng an toàn, hữu cơ, hướng tới sản xuất xanh, sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới.
0:00 / 0:00
0:00
Một gian hàng nông sản sạch của thành viên Hiệp hội nông nghiệp sạch tỉnh Nam Định.
Một gian hàng nông sản sạch của thành viên Hiệp hội nông nghiệp sạch tỉnh Nam Định.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định Nguyễn Văn Hữu cho biết: Với chủ trương sản xuất tập trung theo hướng an toàn, hữu cơ, hướng tới sản xuất xanh, tỉnh Nam Định chỉ đạo, thực hiện đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với áp dụng các quy trình canh tác nông nghiệp tiên tiến như: VietGAP, ICM, IPM, SRI; quy trình trồng rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản vào sản xuất.

Đến nay, diện tích canh tác lúa áp dụng SRI khoảng 60%; diện tích lúa rút nước phơi ruộng đạt hơn 75% mỗi năm; toàn tỉnh có khoảng 1.000 ha cây trồng được sản xuất theo hướng hữu cơ, sản xuất an toàn, sản xuất theo quy trình VietGAP hoặc tương đương, gồm các loại lúa giống, lúa chất lượng cao, rau, củ, quả và cây dược liệu.

Cùng với đó, tỉnh khuyến khích tổ chức sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn trên lúa và trên các đối tượng cây rau màu khác. Đến nay, tỉnh đã hình thành và phát triển được hơn 300 cánh đồng lớn với quy mô từ 30 ha trở lên; hiệu quả sản xuất từ các mô hình cánh đồng lớn và cánh đồng lớn liên kết đều tăng từ 10-15%, đồng thời hạn chế phát thải hóa chất độc hại ra môi trường.

Để bảo đảm chăn nuôi chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa, tỉnh thúc đẩy việc giảm mạnh chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng trong nông hộ sang chăn nuôi tập trung theo mô hình doanh nghiệp, trang trại với hình thức công nghiệp, bán công nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm; áp dụng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành sản xuất chăn nuôi tốt theo VietGAP.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 444 trang trại chăn nuôi đạt quy định của Luật Chăn nuôi; trong đó, có 10 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, 152 trang trại chăn nuôi quy mô vừa, 282 trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ. Đáng chú ý, tỉnh đã hình thành được các chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi và một số sản phẩm đã được xuất khẩu sang Hồng Kông (Trung Quốc), Malaysia...

Giữ vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của Nam Định, thủy sản được quan tâm chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng nuôi trồng, giảm tỷ trọng khai thác. Đối tượng nuôi chuyển dịch dần sang các giống thủy sản có năng suất, chất lượng cao, có thị trường ổn định (tôm, ngao, cá biển); phương thức nuôi được chuyển đổi dần từ nuôi quảng canh cải tiến sang nuôi bán thâm canh, nuôi thâm canh và siêu thâm canh, áp dụng quy trình nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, nuôi công nghệ cao, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Nam Định đã hình thành 75 vùng nuôi thủy sản tập trung và có một "Vùng nuôi liên kết Lenger Farm" 500 ha ở Nam Điền (huyện Nghĩa Hưng) và một công ty được chứng nhận ASC (là sự xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu lên môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và bảo đảm tốt các quy định về lao động).

Để tiếp cận với những thành tựu trong sản xuất nông nghiệp xanh trên thế giới, lãnh đạo tỉnh Nam Định đã chỉ đạo, tạo điều kiện để ngành nông nghiệp chủ động mở rộng hợp tác quốc tế với các nước có nền nông nghiệp tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc và các tổ chức quốc tế như VFD, GCF, WB, ADB,...

Các dự án liên kết đã hỗ trợ xây dựng và triển khai thành công nhiều mô hình sinh kế nông nghiệp giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu (trong đó có 6 mô hình sản xuất khoai tây, 27 mô hình sản xuất lúa, 1 mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng và 3 mô hình nuôi cá ruộng); trên 150 mô hình quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi; chuyển giao thành công công nghệ sản xuất rau hướng hữu cơ, phân hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản, mô hình đang được nhân rộng trên địa bàn tỉnh...

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định, những kết quả nêu trên mới chỉ là bước đầu. Trên thực tế, để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh, tỉnh cần khắc phục được những khó khăn, hạn chế hiện hữu là quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún nên khó áp dụng hình thức sản xuất khép kín, tập trung với diện tích canh tác lớn; khó áp dụng khoa học và công nghệ đồng bộ; chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp có tiềm lực tài chính đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nhận thức của người dân về phát triển nông nghiệp xanh chưa đầy đủ; trình độ, năng lực tiếp cận khoa học-công nghệ còn hạn chế.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định Nguyễn Văn Hữu, để đẩy mạnh nông nghiệp xanh, sạch, an toàn, bền vững, thời gian tới, ngành nông nghiệp Nam Định sẽ tập trung nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với tỉnh thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó có huy động các nguồn lực xã hội, nhất là từ doanh nghiệp thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh; tăng cường hợp tác quốc tế để kêu gọi hỗ trợ về tài chính và chuyển giao công nghệ nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, carbon thấp, an toàn thực phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi nông sản; có chính sách ưu đãi về vốn, đơn giản hóa thủ tục để tạo điều kiện cho người dân đầu tư mở rộng phát triển sản xuất. Đồng thời, tỉnh cần thường xuyên, liên tục tuyên truyền về mối liên hệ giữa sản xuất xanh, bảo vệ hệ sinh thái, an toàn và sức khỏe con người, từ đó nâng cao nhận thức và khuyến khích nông dân tích cực tham gia sản xuất xanh.