Theo thống kê, Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 113.634 ha đất nông nghiệp, chiếm 54,23% tổng diện tích đất tự nhiên; trong đó, đất sản xuất nông nghiệp là hơn 65.000 ha, đất nuôi trồng thủy sản 10.798 ha... Bình quân, mỗi ngày thành phố tiêu thụ khoảng 10.964 tấn lương thực, thực phẩm các loại, gồm: hơn 1.980 tấn gạo, 660 tấn lương thực chế biến khô, 755 tấn thịt gia súc, 660 tấn thịt gia cầm, 236 tấn thực phẩm chế biến, 2,1 triệu quả trứng gia cầm, rau-củ-quả gần 4.250 tấn...
Tuy nhiên, năng lực sản xuất của ngành nông nghiệp thành phố hiện chỉ cung ứng được khoảng 28% về nhu cầu rau xanh; sản lượng heo hơi đáp ứng khoảng 11%, sản lượng trâu, bò hơi đáp ứng khoảng 20%, sản lượng thủy sản đáp ứng 14%...; còn lại phần lớn nông sản, lương thực và thực phẩm đều do các địa phương khác cung ứng.
Tính đến nay, trên địa bàn thành phố, diện tích ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là hơn 400 ha. Mặc dù, thành phố đã có nhiều chương trình hỗ trợ vốn nhằm phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, song các chương trình này vẫn chưa đủ hấp dẫn để thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân đầu tư, ứng dụng các tiến bộ khoa học-công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
Đây là rào cản về vốn bởi nông nghiệp công nghệ cao cần nguồn vốn ban đầu lớn để xây dựng kết cấu hạ tầng; đầu tư sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, nguyên liệu đầu vào, đào tạo nguồn nhân lực... Cùng với đó, các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đang rất thiếu thị trường tiêu thụ ổn định, nhất là chưa có đủ công cụ cần thiết để nhận biết và bảo vệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Để tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng quy định chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố; trong đó, chú trọng hỗ trợ lãi vay, hỗ trợ để phát triển các sản phẩm thuộc "Chương trình mỗi xã một sản phẩm"; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ... Những chính sách này là bàn đạp cho sự phát triển của nông nghiệp công nghệ cao của thành phố trong thời gian tới.
Các chuyên gia cho rằng, tuy nông nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh chỉ chiếm khoảng 1% GRDP nhưng lại đóng vai trò hết sức quan trọng trong bảo đảm an sinh xã hội của thành phố. Trong bối cảnh đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, việc phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu, cần phải thực hiện một cách quyết liệt; đồng thời, quy hoạch và có chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xác định loại cây trồng, vật nuôi chủ lực gắn với điều kiện thực tế và nhu cầu của thành phố.
Thành phố cần lập quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cần quản lý sử dụng tối ưu đất nông nghiệp trong tương lai; tiếp tục tập trung chuyển đổi đất trồng lúa, mía hiệu quả thấp sang phát triển các loại cây trồng, vật nuôi theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả cao; phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nhân rộng các mô hình tổ chức sản xuất mới có hiệu quả như: Các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ trong nước và ngoài nước, chuyển đổi từ sản xuất theo hộ gia đình riêng lẻ sang mô hình sản xuất hợp tác, liên kết, tập trung, quy mô lớn.
Thành phố cũng cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để sản xuất hoa lan, cây kiểng, cá kiểng, rau sạch...
Theo Tiến sĩ Lê Ngọc Đức, nguyên Giám đốc Trung tâm Dạy nghề nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, ngành nông nghiệp thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng thương hiệu nông sản thành phố, có chính sách phù hợp để phát triển và tiêu thụ đối với các nhóm sản phẩm chủ lực, có lợi thế đặc sản mỗi địa phương. Thành phố cũng cần tập trung nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học-công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến vào thực tiễn sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp sạch, xanh, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; chuyển mạnh từ sản xuất lấy số lượng làm mục tiêu sang sản xuất nâng cao chất lượng, hiệu quả, có giá trị gia tăng cao, phát triển các sản phẩm phát huy lợi thế so sánh của Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời, cần nghiên cứu bài bản và phát triển hơn nữa chương trình đào tạo nghề nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị cho lực lượng lao động nông thôn, cho doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động lĩnh vực nông nghiệp.