Rượu cần luôn có mặt trong đời sống của đồng bào M’Nông, trở thành nét văn hóa truyền thống, nhất là các dịp lễ hội, đón khách quý, bạn bè đến từ phương xa. Với ý nghĩa mang lại niềm vui, sự tốt lành, đoàn kết cho nên mọi người đều có thể uống rượu cần. Trong gia đình từ người già, người trẻ, gái, trai đều được uống. Rượu cần cũng chính là sợi dây gắn kết từng cá nhân với cộng đồng, giúp mọi người xích lại gần nhau hơn, đoàn kết giúp nhau vượt qua khó khăn, thử thách.
Trong quá trình làm rượu cần, đồng bào M’Nông luôn tuân thủ nghiêm ngặt những điều kiêng kị như: không làm men rượu vào độ cây xoài trổ bông, lúa làm đòng; phụ nữ có thai hoặc đang trong giai đoạn kiêng cữ thì không được đến gần, không gây vỡ ché, không làm gãy cần… Làm rượu cần, bản thân người làm phải “sạch sẽ” thì rượu mới ngon và không có lỗi với thần linh.
Trước đây, nguyên liệu để làm rượu cần là sự hòa trộn của các loại ngũ cốc như ngô, gạo nếp, gạo tẻ, bo bo, hạt kê hoặc xen cùng những loại củ như sắn, thì nay chủ yếu làm bằng cơm nếp, chỉ có chất men là vẫn còn lưu giữ. Bà Thị Nghel ở buôn Bu Nrung (xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) cho biết, để làm ra được một ché rượu cần ngon, theo nét văn hóa truyền thống phải qua nhiều công đoạn, nhưng khâu làm men rượu là yếu tố quyết định cho toàn bộ cả quá trình.
Để có được men rượu ngon thì người ủ rượu phải lên rừng tìm lá, rễ cây rừng, sau đó kết hợp với một số nguyên liệu như củ gừng, riềng xắt nhỏ, phơi khô, giã mịn, trộn với bột gạo và vỏ trấu, đánh thành bánh, phơi khô, cầm trong tay cảm giác nhẹ, xốp là mới đạt. Khi đã có men, dùng gạo nếp, mì, kê… nấu chín, làm tơi ra để nguội. Men rượu được giã nhỏ, trộn đều với nếp, qua một đêm, mở ra thấy có mùi thơm ngào ngạt thì cho vào ché, lấy lá chuối khô phủ kín miệng ché rồi mang đi ủ. Khoảng hơn một tháng sau là rượu chín có thể đem ra uống, nhưng để càng lâu rượu càng thơm ngon, ngọt, nồng chứ không bị hư.
Khi uống, ché rượu cần được đổ nước suối (hoặc nước đun sôi để nguội) vào ché, rồi cắm cần trúc vào để người uống hút lên. Men rượu cần nhẹ, ngọt dịu, nhưng cũng tạo nên cảm giác say la đà, rất dễ kích thích tâm trạng con người vui vẻ, cởi mở, hòa đồng với nhau. Hương vị nồng nàn của men lá rừng khiến người uống có cảm giác lâng lâng, ngây ngất, dẫu say nhưng vẫn muốn được uống thêm, vui mãi.
Rượu cần gần gũi, gắn bó với đời sống thường nhật nên khi vào các gia đình người M’Nông, chúng ta đều thấy những ché rượu để trong góc nhà, như minh chứng một điều rằng, trong hoàn cảnh nào thì ché rượu cần cũng luôn hiện hữu trong cuộc sống của đồng bào. Ông Điểu N’Đơm ở xã Đắk Nia (thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) cho biết, đối với người M’Nông, ché rượu cần rất quý, thể hiện cả tinh thần của gia chủ nên khi uống, tất cả những người uống, kể cả khách và chủ đều phải tuân theo các quy định, tập tục.
Thường là già làng, khách quý uống trước và sau đó là thứ tự lớn, nhỏ, gái, trai… Rượu cần không uống bằng ly, bằng chén mà bằng những cần trúc nhỏ, cong vút được cắm vào ché đã chêm nước. Mỗi khi gia đình có việc vui, hoặc cưới hỏi thì chủ nhà đều phải tự tay làm những ché rượu cần ngon để đãi dân làng và cho con cái làm của hồi môn.
Rượu cần người M’Nông luôn phải uống tập thể, mỗi lần uống rượu cần lại được hòa mình vào những luật vui của các tuần rượu, được nghe hát dân ca M’Nông, được thưởng thức cồng chiêng. Đồ nhắm được đặt gần bên các ché rượu để người uống vừa trò chuyện, thỉnh thoảng lại nhâm nhi, thưởng thức hương vị ẩm thực M’Nông.