Nông dân Hậu Giang thiệt hại nặng do mưa, bão

NDO - Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 1 (Talim), mưa dầm nặng hạt kèm theo dông lốc trong những ngày qua đã gây thiệt hại không nhỏ trong sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
0:00 / 0:00
0:00
Lúa hè-thu bị đổ ngã do ảnh hưởng mưa, bão.
Lúa hè-thu bị đổ ngã do ảnh hưởng mưa, bão.

Mấy ngày nay, ông Hứa Văn Nhánh ở ấp 5, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang luôn trong tâm trạng lo lắng cho hơn 1ha lúa vụ-hè thu sắp đến ngày thu hoạch bị vùi trong nước.

“Mưa như trút nước liên tục trong nhiều ngày khiến nước trên đồng đã dâng cao khoảng 4 tấc. Kèm theo đó có gió mạnh nên nhiều mảnh ruộng của bà con ở cánh đồng này bị đổ ngã hoàn toàn và đang bị vùi trong nước hơn 5 ngày qua. Những hạt lúa hiện đã chuyển dần sang màu đen, nếu không được thu hoạch sớm thì vài ngày tới sẽ lên mọng”, ông Nhánh lo lắng.

Còn mảnh ruộng hơn 1,2ha lúa hè-thu kế cận cũng đã đến ngày cắt nhưng bị sập gần như hoàn toàn và đang nằm vùi trong nước. Ông Trần Văn Linh buồn bã, chia sẻ: “Sau 3 tháng vất vả ngoài đồng, bà con ai cũng hy vọng vụ hè-thu này sẽ trúng mùa, bán được giá... Với tình cảnh này chỉ mong năng suất lúa đạt 400kg/công (một công bằng 1.300m2) là mừng để bù lại tiền chi phí đầu tư”...

Theo nhiều nông dân trồng lúa ở đây, trước khi xuất hiện mưa bão, thương lái đến xem đồng ruộng và đánh giá năng suất lúa đạt không dưới 800kg/công; đồng thời đưa tiền cọc trước với giá 6.200 đồng/kg (giống lúa OM 18). Còn bây giờ, điều bà con mong mỏi là thời tiết sớm nắng trở lại để gấp rút bơm thoát nước trên ruộng ra ngoài và tranh thủ đưa máy cắt vào thu hoạch lúa sớm, hạn chế thiệt hại.

Ngoài năng suất lúa giảm, nông dân còn phải chịu nhiều gánh nặng khác khi bước vào thu hoạch.

Ông Nguyễn Văn Diệp ở phường 5, thành phố Vị Thanh, có gần 1ha lúa hè-thu đến ngày cắt cũng đang bị đổ gãy hoàn toàn do ảnh hưởng của bão số 1, cho biết, trong điều kiện lúa đứng thì giá thuê máy cắt dao động từ 320.000-350.000 đồng/công, trường hợp lúa bị đổ gãy nằm trong nước thì giá công cắt phải từ 400.000 đồng/công trở lên (tùy theo mức độ đổ gãy của lúa).

Mặt khác, tuy nông dân đã nhận tiền cọc trước của “cò lúa” với giá 6.200 đồng/kg (giống OM 18); nhưng với tình trạng lúa bị đổ gãy và ngập nước như hiện nay, chắc chắn “cò lúa” sẽ thương lượng lại giá theo hướng giảm.

Nông dân Hậu Giang thiệt hại nặng do mưa, bão ảnh 1

Nhiều diện tích lúa thu-đông mới gieo sạ bị chết do mưa dầm từ bão số 1

Bên cạnh lúa hè-thu, nhiều nông dân mới gieo sạ lúa thu-đông cũng đứng ngồi không yên trong những ngày qua vì mưa dầm.

Ông Nguyễn Văn Em ở ấp 12, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, chia sẻ: "Lúa vừa xuống giống xong là gặp ngay mưa bão liên tục trong nhiều ngày qua. Ngày nào, tôi cũng phải đi kiểm tra và gia cố bờ bao chung quanh, đồng thời chiếc máy dầu cứ nằm túc trực bơm rút nước suốt ngày lẫn đêm".

Dù gieo sạ được 5 ngày nhưng hiện nay, những chỗ gò cao mới thấy cây lúa nhú lên khỏi mặt đất, còn những chỗ trũng thì không còn thấy lúa đâu. Gia đình đang chờ khi thời tiết nắng trở lại sẽ ngâm thêm lúa giống để sạ bổ sung nhằm nhẹ công giặm lúa trong thời gian tới.

Theo thống kê nhanh của ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, tính đến ngày 20/ 7, đã có hơn 4,1 nghìn ha cây trồng bị ảnh hưởng bão số 1. Gần 3.000ha lúa hè-thu trong giai đoạn thu hoạch của nông dân bị thiệt hại; trong đó, có 2.616ha bị thiệt hại từ 10-20%, 250ha thiệt hại từ 40-60% và 92ha thiệt hại 80-90%.

Còn trên trà lúa thu-đông, có 1.115ha bị ngập úng, trong đó có 728ha bị thiệt hại (chết giống) với tỷ lệ cụ thể như sau: 660ha thiệt hại 15-20%; 61,3ha thiệt hại 40-50% và 7,3ha thiệt hại 80-90%.

Đối với cây mía, có khoảng 24ha tại địa bàn Phụng Hiệp bị mưa lớn kèm theo dông lốc làm xiêu vẹo. Nhiều diện tích cây ăn trái cũng bị gãy nhánh, rụng trái nhưng tỷ lệ thiệt hại thấp…

Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, cho biết, mưa bão sẽ còn diễn biến phức tạp trong những ngày tới, Sở đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh; đề nghị các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn phối hợp chặt với chính quyền địa phương tăng cường công tác thăm đồng, kịp thời cập nhật tình hình thiệt hại hàng ngày trong sản xuất nông nghiệp do mưa bão. Bên cạnh đó, vận động nông dân khai thông dòng chảy, tích cực bơm thoát nước chống ngập úng cho lúa và các loại cây trồng khác nhằm giảm thiệt hại cho bà con.

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, từ ngày 16 đến ngày 20/7, mưa lớn kèm theo gió giật mạnh làm sập hoàn toàn 5 căn nhà, tốc mái 25 căn nhà dân. Nhiều cây xanh, trụ đèn chiếu sáng trên tuyến Quốc lộ 61C bị đổ ngã. Nhiều máy, thiết bị phục vụ công tác truyền thanh tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh thị xã Long Mỹ bị hư hỏng do sấm sét...

Theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, hiện, các ngành chức năng có liên quan của tỉnh và địa phương đang thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong phòng ngừa và ứng phó với mưa bão. Nhanh chóng, kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục các sự cố do bão số 1 gây ra, nhất là tình hình dông lốc gây sập và tốc mái nhà của người dân.

Tỉnh cũng đã có chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp các địa phương sớm rà soát, thống kê tình hình thiệt hại do bão số 1 gây ra, đồng thời có báo cáo, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét hỗ trợ thiệt hại cho người dân theo quy định.