Hướng đến một triệu héc-ta lúa chất lượng cao

Đầu tháng 4, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lễ khởi động Cánh đồng một triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại Hợp tác xã Thuận Tiến, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh.
0:00 / 0:00
0:00
 Máy gieo sạ hàng kết hợp với vùi phân trên cánh đồng lúa chất lượng cao tại Hợp tác xã Thuận Tiến, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ.
Máy gieo sạ hàng kết hợp với vùi phân trên cánh đồng lúa chất lượng cao tại Hợp tác xã Thuận Tiến, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ.

Đây là địa phương đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long khởi động đề án này, mở ra cơ hội mới để nâng cao giá trị hạt lúa, tăng thu nhập cho nông dân...

Cách đồng tại xã Thạnh An có diện tích 50 ha, hướng đến mục tiêu thúc đẩy cơ giới hóa trong gieo sạ, tăng hiệu quả sử dụng phân bón, tăng năng suất và giảm phát thải khí nhà kính theo các tiêu chí của Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh”. Tại cánh đồng này áp dụng máy sạ hàng, máy sạ hàng kết hợp vùi phân và máy sạ hàng hiệu ứng hàng biên kết hợp vùi phân, giúp cây lúa khỏe, sinh trưởng tốt, cho năng suất cao hơn.

Giống lúa OM5451 được lựa chọn để gieo sạ vụ lúa hè thu 2024 với lượng giống 60 kg/ha, giảm hơn 10% so với gieo sạ bằng phương pháp thủ công. Phương pháp này giảm bón phân từ 3-4 lần/vụ xuống còn 2 lần/vụ, giúp nông dân giảm 20% lượng phân bón, giảm được lượng nước tưới, rủi ro dịch bệnh, tổn thất sau thu hoạch. Ngoài ra, còn áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến như: Quản lý nước ướt khô xen kẽ; sử dụng bón phân chuyên biệt, áp dụng IPM quản lý bảo vệ thực vật; áp dụng máy gặt đập liên hợp khi thu hoạch; thu gom rơm rạ khỏi đồng làm nấm rơm và phân bón từ rơm, kết hợp bón phân hữu cơ cho lúa...

Ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc Hợp tác xã Thuận Tiến tự tin nói, ruộng lúa áp dụng các biện pháp canh tác hiện đại, cơ giới hóa đồng bộ giúp nông dân, xã viên tiết kiệm chi phí đầu tư, tăng năng suất, chất lượng hạt lúa. Các xã viên hợp tác xã tự tin, đủ năng lực thực hiện quy trình canh tác này nhờ được ngành nông nghiệp hỗ trợ áp dụng nhiều giải pháp canh tác tiên tiến của dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững Việt Nam (dự án VnSAT) nên khi thực hiện sẽ thuận lợi. Hợp tác xã mong nhận được sự hỗ trợ, tư vấn thường xuyên của các cấp, các ngành để mở rộng cánh đồng lúa chất lượng cao trên toàn bộ diện tích của các xã viên hợp tác xã...

Thời gian qua, thành phố Cần Thơ có hơn 38.000 ha lúa thực hiện theo mô hình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp bền vững từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (dự án VnSAT) với hơn 32.000 hộ nông dân tham gia. Qua đó, trình độ sản xuất của bà con được nâng lên, nông dân đã áp dụng các biện pháp để giảm chi phí sản xuất, góp phần tăng lợi nhuận. Đây là điều kiện thuận lợi để Cần Thơ tham gia và thực hiện tốt đề án Cánh đồng một triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ, dự án VnSAT được triển khai tại bốn quận, huyện sản xuất nông nghiệp trọng điểm của Cần Thơ, gồm: Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai và Thốt Nốt. Tham gia dự án này, nông dân, hợp tác xã được tập huấn, hỗ trợ áp dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”... nhờ vậy, tiết kiệm chi phí sản xuất lúa, tăng lợi nhuận từ 20-30% so với canh tác theo truyền thống. Bên cạnh đó, việc áp dụng cơ giới hóa trong khâu gieo sạ không chỉ tiết kiệm được lượng lúa giống, giải phóng sức lao động, mà còn bảo đảm cho việc xuống giống trong thời gian ngắn, phù hợp áp dụng cho sản xuất quy mô lớn trong chuỗi ngành hàng lúa gạo.

Từ nguồn vốn của dự án VnSAT, Cần Thơ đã xây dựng và phát triển được hơn 30 tổ chức nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác trong vùng sản xuất, trong đó có nhiều hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Các tổ hợp tác, hợp tác xã còn mở rộng các dịch vụ sản xuất nông nghiệp như: Bơm tưới, làm đất, nhân lúa giống, kinh doanh vật tư nông nghiệp…

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè tin tưởng, kế thừa và phát huy những kết quả đạt được từ dự án VnSAT, thành phố Cần Thơ cam kết thực hiện thắng lợi đề án Cánh đồng một triệu héc-ta lúa chất lượng cao. Phấn đấu đến năm 2025, Cần Thơ sẽ có vùng sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao quy mô 38.000 ha, đến giai đoạn 2026-2030 đạt 50.000 ha theo kế hoạch.

Việc triển khai thực hiện đề án một triệu héc-ta lúa chất lượng cao góp phần thúc đẩy chuyển đổi từ biện pháp canh tác truyền thống sang cơ giới hóa đồng bộ, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn, ổn định lâu dài, bảo đảm chất lượng canh tác bền vững, hiệu quả và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Quan trọng hơn, sẽ nâng cao giá trị hạt lúa và tăng thu nhập cho nông dân...