Là người gắn bó với nghề nông từ nhỏ, anh Ðặng Huy Phong (sinh năm 1982), Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Quyên Phong, tổ dân phố Hòa Sơn, thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên không ngừng sáng tạo trong sản xuất, thay đổi cơ cấu cây trồng để nâng giá trị trên đơn vị diện tích. Cách đây hai năm, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây ổi, anh chuyển hơn 1 ha trồng nhãn, bưởi sang loại cây trồng này. Năm nay, diện tích ổi của gia đình bắt đầu cho thu hoạch với sản lượng hơn 15 tấn/ha và sẽ tăng lên 55 tấn/ha từ năm thứ ba trở đi. Do trồng trên đồi cao nên chi phí vận chuyển phân bón lên đồi cũng như đưa sản phẩm xuống khi thu hoạch khá lớn. Ðầu năm nay, anh nghiên cứu, đầu tư hơn 50 triệu đồng lắp đặt hệ thống xe vận chuyển. Cùng với lắp đặt đường ray bằng ống kẽm từ chân lên đỉnh đồi (khoảng 100 m), anh thiết kế xe có gắn mô-tơ điện cùng dây tời. "Nếu trước đây với 500 kg ổi, chúng tôi phải thuê một lao động vận chuyển xuống trong buổi sáng thì nay chỉ cần chưa đầy 30 phút đã hoàn thành", anh Phong nói.
Theo thống kê của Hội Nông dân tỉnh, trung bình mỗi năm, Bắc Giang có hơn 100 nghìn hộ nông dân được công nhận sản xuất, kinh doanh giỏi, trong đó cấp Trung ương khoảng 700 hộ, cấp tỉnh hơn 3.200 hộ. Cùng đó, mỗi đợt tổ chức, Hội Nông dân tỉnh nhận được gần 50 giải pháp tham gia hội thi nhà nông sáng tạo, trong đó có nhiều giải pháp xuất phát từ thực tiễn và mang lại hiệu quả cao. Ðiển hình như giải pháp rửa chuồng nuôi thỏ bán tự động của ông Hoàng Văn Thạo (sinh năm 1966), thôn Thái Thọ, xã Thái Sơn, huyện Hiệp Hòa. Hay hệ thống bơm thuốc bảo vệ thực vật bán tự động của ông Trần Văn Gấm (sinh năm 1967), thôn Tân Phượng, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng; máy cấy thủ công giật tay của nông dân Nguyễn Văn Thụy (sinh năm 1975), thôn Xuân Minh, xã Hương Mai, huyện Việt Yên hiệu quả tăng gấp 10 lần so với cấy tay…
Mặc dù vậy, qua đánh giá, các sáng kiến của nông dân mới chỉ được áp dụng trong phạm vi gia đình, vùng sản xuất tại địa phương, chưa được nhân rộng. Thí dụ như sáng kiến của anh Ðặng Huy Phong rất khó áp dụng đối với các thành viên khác trong hợp tác xã bởi diện tích canh tác của các hộ không lớn, phân tán. Tương tự, máy phun thuốc bảo vệ thực vật bán tự động của ông Trần Văn Gấm chỉ có thể áp dụng đối với các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn… "Nhiều hộ dân trong thôn, xã đã đến tham khảo ý tưởng của tôi song do diện tích canh tác nhỏ nên khó áp dụng do không khai thác hết hiệu quả của mô hình. Hiện ngoài phun cho gia đình, tôi còn nhận phun cho một số nhóm hộ có ruộng liền kề", ông Gấm cho hay.
Nhằm khuyến khích, hỗ trợ nông dân đổi mới sáng tạo, nhiều năm nay, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang phối hợp cơ quan chuyên môn tổ chức hội thi nhà nông sáng tạo. Ðồng thời các cấp hội hướng dẫn các cá nhân có sáng kiến xây dựng giải pháp, tạo ra sản phẩm đáp ứng được yêu cầu thực tế và tính ứng dụng cao; phối hợp cơ quan chuyên môn nghiên cứu, gợi mở để bổ trợ một số yếu tố giúp nông dân hoàn thiện sản phẩm. Ðơn cử như tại huyện Tân Yên, từ năm 2022, UBND huyện có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ nông dân đưa máy móc, cơ giới hóa sản xuất. Nếu nông dân đăng ký ý tưởng hoặc đưa mô hình cơ giới hóa vào sản xuất, huyện hỗ trợ 50% kinh phí triển khai mô hình.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Lã Văn Ðoàn cho biết: "Hội Nông dân tỉnh duy trì tổ chức Hội thi Sáng tạo nhà nông hai năm một lần, lựa chọn các giải pháp tiêu biểu trao giải; xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu thi đua cho các cấp hội phát động Hội thi đến toàn thể cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân; biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể và cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong việc triển khai cuộc thi; nhiều giải pháp tham gia hội thi có chất lượng, đoạt giải cao" ■