Nỗi niềm từ Kherson

NDO -

Đoàn công tác Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga di chuyển từ Krasnodar (miền nam Liên bang Nga) đến địa điểm hẹn trước để đón 14 người Việt Nam từ thành phố Kherson (Ukraine) sơ tán sang Nga. Không ai biết bao giờ chuyến xe tới nơi, cũng không biết địa điểm cuối cùng có gì thay đổi không.

Ông Phạm Văn Duẩn và con gái trên đường sơ tán. (Ảnh: Thanh Thể)
Ông Phạm Văn Duẩn và con gái trên đường sơ tán. (Ảnh: Thanh Thể)

Bên kia Ukraine, tại thành phố Kherson, một người đàn ông mặc thường phục, râu xoàm, gõ cửa nhà người Việt. Ông Phạm Văn Duẩn kể lại câu chuyện, vẫn giữ nguyên cái rụt tay bày tỏ sợ hãi. Người lạ hỏi, các ông có muốn rời khỏi Ukraine không? Dù đang chuẩn bị cho chuyến đi sơ tán sang LB Nga, song ông Duẩn và người Việt ở Kherson lắc đầu vội, rồi đóng chặt cửa. Nhìn qua cửa sổ, cả chục lính có trang bị súng lởn vởn nơi cửa nhà.

Bom đạn, súng ống đã ám ảnh người Việt tại Ukraine. Giờ còn là nỗi sợ cướp bóc. Họ kể nhiều về tình hình chiến sự, rằng bom rơi trước cửa, cửa sổ tòa nhà bị đạn súng phá tan tành, tiếng pháo rền vang phía ngoài rìa thành phố... Hình ảnh vẽ ra đầy ác liệt, song những người không chứng kiến, vẫn khó có thể hình dung.

Như chúng tôi, nghe nhiều, song không đủ rùng rợn bằng chính ngày đi đón ông Duẩn và đoàn người Việt sơ tán từ Kherson sang LB Nga. Máy bay K52 cá sấu với họng súng đen kịt lởn vởn trên đầu. Xe bọc thép lầm lì trên phố. Những người lính mặt lạnh tanh thòng súng trước ngực, cùng hàng chục túi lớn túi nhỏ quanh người, dù có chào lại khi nghe chúng tôi chào trước, cũng khiến chúng tôi thấy có chút gì đó rụt rè. Súng đạn thật sự đáng sợ. Đúng là phải thấy tận mắt khung cảnh đó, mới thấu hiểu bà con người Việt trong vùng chiến sự đã hoảng loạn đến mức nào.

Nỗi niềm từ Kherson -0

Người Việt từ Ukraine lên xe buýt sơ tán. (Ảnh: Thanh Thể) 

Trời về chiều, hoàng hôn đỏ rực từ bên phía Ukraine. Những chiếc xe bọc thép dẫn đoàn xe buýt chở hàng trăm người nước ngoài sơ tán từ Ukraine. Trong đó, may mắn có ông Duẩn và 13 người khác, là đoàn người Việt Nam đầu tiên rời khỏi Kherson để lánh nạn sang LB Nga. Khi đã đặt chân đến vùng đất Krasnodar (miền nam nước Nga), trong số họ vẫn không tin chuyến hành trình đến đích. Chính họ cảm giác rằng, người đàn ông râu xoàm nhắc đến ở trên, là người hỗ trợ họ lánh nạn. Đoàn lính cầm súng ở cửa, là lực lượng được phân công bảo vệ đoàn xe sơ tán khỏi Kherson.

Trong căn phòng nằm ngay tầng 1 nhà nghỉ của người Việt Nam ở Krasnodar, con gái ông Phạm Văn Duẩn khóc lí rí. Em đã chưa ngủ từ 4 giờ sáng hôm trước đến 9 giờ sáng hôm sau, trong chuyến hành trình sơ tán từ Kherson đến vùng Krasnodar. Cô bé 14 tuổi gặp căn bệnh về não, hộp sọ không phát triển, khó đi lại, phải ngồi xe lăn để lánh nạn, thỉnh thoảng lại vung tay, giẫm chân uỳnh uỵch xuống sàn.

Thật kỳ lạ là dù những người Việt từ vùng chiến sự ở Ukraine không ít lần kêu rằng, họ không muốn nhắc đến súng đạn. Nhưng khi người đối diện họ cứ tò mò và cứ xoáy vào chiến sự, họ vẫn kể lại một cách sống động, không chút sợ hãi. Ông Duẩn đặt con ngồi một mình ở giường, tiến gần cửa sổ, để người nghe dễ hình dung câu chuyện bom đạn hơn.

Nỗi niềm từ Kherson -0

Nhóm 14 công dân có mặt tại Krasnodar. (Ảnh: Thanh Thể) 

"Tiếng bom đạn bì bòm rát cả tai. Nhà tôi lấy gạo đắp kín cửa sổ, để mảnh gương, mảnh bom mảnh đạn không bắn vào nhà", ông Duẩn kể lại. Gia đình ông Duẩn ở tầng 2, vì vướng con, nên không thể chạy vội như người khác khi bom đạn ầm oàng ngoài cửa sổ. "Mình không thể bê xe lăn mà chạy. Anh em bảo để họ giúp, nhưng giúp chỉ một phần thôi. Lúc chạy loạn ai chẳng lo cho mình", ông Duẩn vừa kể, vừa chỉ vào số hành lý mang theo, chủ yếu là quần áo cho con gái.

Cô con gái vẫn khóc. Ông Duẩn ôm con, rồi thầm thì "Thôi con. Ba thương, ba yêu". Số phận vậy rồi, ông Duẩn không trách móc. Ông chấp nhận và lạc quan: "Nhiều người còn khổ hơn. Mình vẫn còn may mắn". Một trong những cái may mắn hơn của ông, là đã được cùng 13 người khác sớm sơ tán khỏi Ukraine, trong khi vẫn còn khoảng 50 người Việt Nam tại Kherson thời điểm này. Họ vì nhiều lý do chưa thể lánh nạn.

Bom đạn đến sát tận cửa, người ở lại, hay người bỏ đi, đều vì sinh mạng. Người có thể đưa gia đình lánh nạn, họ hy vọng bình an cho chính họ và gia đình. Còn người muốn về nhưng buộc phải ở lại, họ vì sinh mạng của thành viên trong nhà. Họ có chồng, có con trai trong độ tuổi chưa thể rời Ukraine. Nhưng cũng có gia đình, chồng động viên vợ về bằng mọi cách, với ý nghĩ "thoát được một người, là cứu được một người". Nên mới có cảnh, nhà bốn người, thì giờ bốn người bốn phương.

Khi bom đạn nổ ra, tính mạng con người là quan trọng nhất. Nhưng nói vậy thôi, những người từ Ukraine phải sơ tán đợt này, vẫn phải khó khăn lắm mới quyết định bỏ hết. Ông Phạm Xuân Hưng trong chuyến xe từ Kherson sang LB Nga giãi bày, bao năm tích góp, bây giờ tự dưng mất hết. "Hơn 30 năm lăn lộn ở nước ngoài, tuổi đã cao, giờ không thể làm lại được nữa. Đấy là cái trăn trở nhất, nhưng đành tặc lưỡi, vì cuộc chiến này khó có thể ngày một ngày hai. Dù có thể không sợ chết, nhưng bom đạn cứ ùng oàng bên tai, chẳng biết lúc nào nó bắn vào mình", ông Hưng trầm tư.

Nỗi niềm từ Kherson -0
 Cộng đồng người Việt tại Krasnodar tiếp bà con. (Ảnh: Thanh Thể)

Những ngày qua, chứng kiến tinh thần tương thân tương ái của đồng bào Việt Nam tại các nước láng giềng Ukraine và LB Nga, ông Đỗ Minh Chánh, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại vùng Krasnodar, hay nhiều lãnh đạo các hội đoàn Việt Nam khác, đều khẳng định sẵn sàng hỗ trợ bà con lánh nạn ở mức cao nhất. Họ nỗ lực lo cho bà con chu đáo nhất có thể, để bà con cảm giác an tâm, sau chuỗi ngày gặp nhiều áp lực.

Không thể nói hết sự biết ơn của những người Việt gặp nạn được đồng bào cưu mang, hỗ trợ. Nhưng khi được cảm thông, được nhìn nhận là những số phận nghiệt ngã, bị ảnh hưởng bởi chiến sự, thì chính người Việt ở Ukraine đang phải tháo chạy lại cảm thấy thương cho chính cộng đồng người Việt ở Nga. "Tấm lòng của họ chúng tôi xin đón nhận. Nhưng những gì khó khăn nhất cho cộng đồng người Việt tại LB Nga còn ở trước mắt, khi cuộc chiến đang diễn ra sẽ không có bên nào thắng cuộc", ông Hưng thổ lộ.

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine