Tiếp chúng tôi vào những ngày đầu tháng 5, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bình Ðịnh Bùi Ngọc Trìu hồ hởi nói: "Chúng tôi vừa làm việc với đoàn đại biểu gần 20 người của tỉnh Yên Bái về thăm. Cuối tuần này, xã đón đoàn công tác của tỉnh Thái Nguyên đến tìm hiểu cách thức xây dựng nông thôn mới của địa phương". Năm 2013, xã Bình Ðịnh hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, thậm chí còn sớm hơn một số địa phương được tỉnh chọn làm điểm. Ðến năm 2020, xã cán đích nông thôn mới nâng cao và đang hướng đến xã nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025.
Trở lại quãng thời gian năm 2009, khi tỉnh Thái Bình chọn 8 xã trong toàn tỉnh làm điểm xây dựng nông thôn mới, dù không được lựa chọn nhưng xã Bình Ðịnh vẫn quyết tâm triển khai xây dựng nông thôn mới. Thời điểm này, việc đầu tiên của xã là tập trung dồn điền đổi thửa để khắc phục tình trạng manh mún ruộng đất. Ðây là cách làm sáng tạo, mang tính đột phá của địa phương, bởi lúc này tỉnh chưa có chủ trương. Sau khi dồn được thửa, xã vận động nhân dân đồng thuận góp 20m2 đất ruộng/khẩu (bằng 175.000m2) để quy hoạch làm giao thông, thủy lợi nội đồng. Tiếp đó, xã hoàn thiện quy hoạch các vùng sản xuất một cách khoa học, bài bản, phù hợp điều kiện thực tế của địa phương.
Ngay thời điểm năm 2010, lãnh đạo xã đã xác định quan điểm xây dựng nông thôn mới không thể trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Trung ương hay tỉnh, mà phải xuất phát từ nội lực của địa phương. Từ đây, xã Bình Ðịnh đã vận động nhân dân hiến 38.000m2 đất làm đường giao thông mà không phải đền bù, hỗ trợ. Toàn bộ nhân công làm đường đều do nhân dân đảm nhiệm và thực hiện giám sát, địa phương chỉ đấu thầu vật liệu. Vì vậy, chất lượng công trình được bảo đảm, làm đến đâu chắc đến đó, không có xì xào hay điều tiếng. Ðến nay, toàn xã có hơn 80km đường bê-tông và láng nhựa phẳng phiu, thẳng tắp với mặt đường hẹp nhất là 3m và rộng nhất là 4,1m. Cả 8 thôn trong xã đều có quỹ nông thôn mới, chủ yếu do con em xa quê đóng góp. Do đó, trên địa bàn không xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản và không có ý kiến thắc mắc của nhân dân về quá trình xây dựng nông thôn mới.
Về xã Bình Ðịnh thời gian này, chúng tôi ghé thăm, tìm hiểu hoạt động của Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Bình Ðịnh. Ðây là nhân tố tiêu biểu trong phong trào chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại trên địa bàn huyện Kiến Xương, đồng thời là lá cờ đầu trong phát triển sản xuất theo chuỗi. Ông Trần Thanh Sơn, Giám đốc Hợp tác xã cho biết: Hợp tác xã đang hoạt động ở 12 khâu dịch vụ sản xuất, kinh doanh, trong đó đáng chú ý nhất là đảm nhận bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Ngay từ năm 2008, hợp tác xã đã chủ động liên kết với Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed sản xuất gần 200ha lúa giống theo phương thức liên kết, doanh nghiệp cung cấp giống lúa trả chậm để nông dân sản xuất theo quy trình và cuối vụ thu mua sản phẩm cho nông dân. Với phương thức này, hợp tác xã đã bao tiêu cho nông dân 1.000-1.200 tấn thóc/năm, đem lại doanh thu 10-15 tỷ đồng, lợi nhuận mang lại cho bà con nông dân đạt 3-5 tỷ đồng. Cùng với sự đồng hành của hợp tác xã, từ 15ha ban đầu, đến nay xã Bình Ðịnh đã phát triển thành công sáu vùng cánh đồng mẫu lớn, tổng diện tích gần 300ha, thu hút gần 2.000 hộ tham gia sản xuất.
Mô hình tích tụ ruộng đất của hợp tác xã đặc biệt ở chỗ, người dân góp ruộng đất đều được số hóa thông tin và quản lý bằng phần mềm chuyên dụng, công khai trên website. Cuối vụ, người dân sẽ được chia lợi tức với số tiền khoảng 1,6 triệu đồng/sào. Trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án vì lợi ích quốc gia, cộng đồng thì người dân vẫn được hưởng toàn bộ quyền lợi trên thửa đất đó (khác với việc nông dân cho doanh nghiệp thuê đất).
Với tư duy đổi mới, dám làm và dám chịu trách nhiệm, xã Bình Ðịnh trở thành điểm sáng của tỉnh Thái Bình trong nhiều phong trào, nhiều hoạt động hướng đến đối tượng thụ hưởng là người dân. Ðiển hình là mô hình Khu dân cư tự quản, đây là mô hình mới chỉ có tại xã Bình Ðịnh. Thông qua đó, các khu dân cư tự quản đã quyên góp, vận động hơn 100 tỷ đồng; huy động hơn 42.000 ngày công, tự nguyện hiến đất thổ cư, cổng dậu và các công trình khác trị giá gần 10 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, xã còn xây dựng quỹ hỗ trợ cho cán bộ không hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước theo hình thức xã hội hóa, trong đó có gần 200 tổ trưởng, tổ phó các khu dân cư tự quản, với số tiền gần 100 triệu đồng mỗi năm. Sau hơn 5 năm triển khai, hiện nay xã Bình Ðịnh đã có 98 khu dân cư tự quản hoạt động đều đặn, nền nếp.
Chia sẻ về những thành công của địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bình Ðịnh Bùi Ngọc Trìu khẳng định: Trong xây dựng nông thôn mới hay bất cứ lĩnh vực nào, vai trò của đội ngũ cán bộ là rất quan trọng, do vậy phải làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng để đội ngũ này có đủ trình độ, năng lực thực hiện nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, địa phương phát huy tính tiền phong, gương mẫu của người đứng đầu, năng động trong công việc, dám nghĩ, dám làm, chủ động đối thoại với nhân dân để tìm tiếng nói chung và sự đồng thuận. Và điều tiên quyết để đi đến thành công của mọi phong trào, mọi cuộc vận động là phải xuất phát từ nhu cầu chính đáng của nhân dân. Người dân tự làm là chính và cũng là người được hưởng lợi, Nhà nước chỉ có vai trò hỗ trợ, tạo cú huých, tạo động lực.