Một số phụ huynh cho rằng, trị giá suất ăn này chỉ khoảng 5.000 - 6.000 đồng/suất, nếu cộng cả thuế VAT, nhân công, nhiên liệu, khấu hao cơ sở vật chất hay lợi nhuận doanh nghiệp… thì cũng kém xa mức 32.000 đồng mà nhà trường thu cho mỗi suất ăn của học sinh.
Sau phản ánh của phụ huynh, cơ quan chức năng kiểm tra đột xuất bếp ăn của Trường THCS Yên Nghĩa trong hai ngày để xác minh thông tin. Kết quả, đoàn kiểm tra xác định suất ăn được các phụ huynh chụp hình và phản ánh trên mạng là suất ăn nằm trong thực đơn của trường trong tuần từ ngày 9-12/10.
Theo báo cáo của Trường THCS Yên Nghĩa, nhà trường ký hợp đồng với Công ty TNHH Thương mại và Chế biến suất ăn Hoa Sữa, cung cấp suất ăn bán trú cho học sinh với số lượng dao động khoảng 500 suất/ngày.
Giá bữa ăn là 32.000 đồng (bao gồm cả thuế VAT 8%, nhân công, nhiên liệu, thực phẩm chế biến, khấu hao cơ sở vật chất phục vụ nấu ăn). Lý do được đưa ra khi suất ăn quá “lèo tèo” là do “lỗi của nhân viên thiếu trách nhiệm” và do bên cung cấp thực phẩm không cung ứng đủ định lượng thực phẩm theo yêu cầu.
Ở cuộc họp ba bên gồm: nhà trường, đơn vị cung cấp thức ăn và phụ huynh học sinh, phía Công ty Hoa Sữa đã nhận lỗi và xin lỗi, song phụ huynh học sinh không chấp nhận lời xin lỗi này và đặt nghi vấn về chất lượng của những bữa ăn khác. Tạm thời đến thời điểm này, Trường THCS Yên Nghĩa tạm dừng hoạt động của bếp ăn.
Nỗi lo của phụ huynh Trường THCS Yên Nghĩa cũng là nỗi lo chung của rất nhiều phụ huynh học sinh trên địa bàn thành phố. Đây không phải lần đầu, việc suất ăn của các em học sinh không bảo đảm chất lượng được phát giác.
Điển hình như tháng 4/2023, suất ăn của các em học sinh một trường quốc tế có giá lên đến 70.000 đồng/suất cũng chỉ có vài món khiến phụ huynh bức xúc.
Từ thực tế này, ngành giáo dục cũng như các cơ quan chức năng cần thay đổi phương pháp kiểm tra, giám sát bữa ăn cho học sinh, đề cao vai trò giám sát của phụ huynh để kịp thời phát hiện sai phạm.
Bên cạnh đó, khi phát hiện những bữa ăn không bảo đảm dinh dưỡng, cần thanh tra, kiểm tra kỹ lưỡng nhằm phát hiện xem có dấu hiệu trục lợi hay không, có dấu hiệu bao che hay không. Việc “xin lỗi” và “rút kinh nghiệm” như đã thực hiện nhiều lần hoàn toàn không thể làm yên lòng phụ huynh học sinh. Ở nhiều nước trên thế giới, việc bố mẹ tự chuẩn bị suất ăn cho học sinh đem đến trường để ăn trưa là phổ biến.
Đây cũng là phương án cần xem xét triển khai. Nhà trường đưa ra các giải pháp khác nhau để phụ huynh lựa chọn thay vì việc đưa ra duy nhất một lựa chọn là nhà trường thuê một công ty cung cấp suất ăn như hiện nay. Bởi yếu tố cần quan tâm nhất trong bữa ăn chính là dinh dưỡng và sức khỏe của các em, chứ không phải vì lợi nhuận của các bên liên quan.