Nơi hồi sinh sự sống

Nơi hồi sinh sự sống

NDO - Ôm hộp cơm nguội lạnh vào lúc 22 giờ đêm đầu đông năm 2023, bác sĩ Đỗ Văn Nam (Khoa Hồi sức ngoại khoa và ghép tạng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) vẫn thấy ấm lòng vì anh và ê-kíp vừa thực hiện chăm sóc, tối cấp cứu cho 3 ca bệnh: một cụ bà 93 tuổi ngừng thở vì sặc thức ăn; một bệnh nhân sốc do đa chấn thương, nguy cơ ngừng tim và một ca vừa rời hậu phẫu ghép gan cấp cứu. Anh và các đồng nghiệp quân y đã quen với công việc áp lực, thách thức ở nơi hồi sức cho ngàn trăm nghìn ca bệnh đang đứng giữa lằn ranh sự sống.

Những đêm trắng bên giường bệnh

Đầu tháng 12, mưa và lạnh vì gió mùa đông bắc, Bác sĩ Đỗ Văn Nam, bác sĩ điều trị tại khoa Hồi sức ngoại khoa và ghép tạng nhận ca trực đặc biệt trong cuộc đời anh. Vừa giao ca, anh nhận được một cuộc điện thoại yêu cầu hỗ trợ cấp cứu từ khoa phẫu thuật khớp, một bệnh nhân 93 tuổi bị ngừng tim do nôn và hít sặc thức ăn vào trong đường thở. Cùng lúc đó, một cuộc gọi từ phòng mổ báo bệnh nhân sau phẫu thuật ghép gan chuẩn bị về.

“Tôi và điều dưỡng đem theo vali cấp cứu nhanh chóng xuống cấp cứu cho người bệnh, và đưa bệnh nhân lên khoa Hồi sức điều trị. Ngay sau đó tôi tiếp nhận bệnh nhân ghép gan từ phòng mổ về, và đồng thời cũng nhận được tin báo từ khoa cấp cứu có một bệnh nhân bị sốc chấn thương do đa chấn thương nặng, chuẩn bị chuyển lên. Bệnh nhân có chấn thương vỡ gan chảy máu nhiều trong ổ bụng, đã can thiệp nút động mạch gan để cầm máu. Tuy nhiên, khi lên khoa bệnh nhân tiếp tục biểu hiện mất máu, huyết áp tụt thấp, nguy cơ ngừng tim, bệnh nhân được truyền máu tối khẩn cấp và đưa đi phẫu thuật cấp cứu khâu cầm máu vết thương gan”, bác sĩ Nam kể.

Đến 22 giờ tình trạng bệnh nhân tạm ổn, cả kíp mới có thể thay phiên nhau vào ăn tối. Lúc này đồ ăn đã nguội lạnh, nhưng “chúng tôi lại thấy ấm lòng vì bà cụ 93 tuổi đã tỉnh trở lại và ca đa chấn thương tạm thời đã qua cơn nguy kịch và vì những lời cảm ơn từ tận đáy lòng của người thân những bệnh nhân đã được chúng tôi cứu thoát qua giai đoạn khó khăn nhất, mà tưởng chừng như không thể nào qua khỏi”, bác sĩ Nam hạnh phúc nói.

Là nơi chứng kiến những phận đời mong manh trước sự sống và cái chết, mỗi đêm trực tại khoa đều có những nỗi nhọc nhằn, đau thương, mất mát riêng.

Cùng kíp trực đêm đó, điều dưỡng Giang Thị Hằng đang bầu ở thời kỳ tam cá nguyệt thứ 2 vẫn rất nhanh nhẹn phối hợp với bác sĩ thực hiện cả 3 ca cấp cứu. Hằng kể, các bệnh nhân tại đây đều cần phải chăm sóc hộ lý cấp I (chế độ hộ lý cấp cao nhất) và có thể có diễn biến bất thường bất cứ lúc nào, nên phải theo dõi hàng giờ, hàng phút.

Bên cạnh đó, với mô hình chăm sóc bệnh nhân toàn diện, từ ăn uống, vệ sinh cá nhân, phục hồi chức năng, dùng thuốc, vận hành, theo dõi và xử trí các máy móc trang thiết bị như: hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO), máy lọc máu liên tục… khối lượng công việc của kíp trực rất nhiều, áp lực công việc trong kíp trực là rất lớn.

Nơi hồi sinh sự sống ảnh 1

Các bác sĩ cấp cứu nhiều ca bệnh nguy kịch tính mạng.

Đêm đó, chị và bác sĩ Nam đã cùng hoàn thành nhiệm vụ cấp cứu cho một bệnh nhân ghép tạng lần 2 bị chảy máu nhiều và tụt huyết áp và một bệnh nhân đa chấn thương ngừng tuần hoàn qua cơn nguy kịch.

Đang ở giai đoạn thai nghén, chịu nhiều áp lực công việc, trực đêm nhiều mệt mỏi, nhưng với những điều dưỡng như chị Hằng, bệnh nhân qua cơn nguy kịch, hồi phục là động lực để các chị vững vàng với nghề. “Làm ở môi trường này dạy cho tôi phải biết trân trọng cuộc sống trong từng phút giây, và việc mình vẫn còn sức khỏe, còn được đi làm còn được cống hiến là đã hạnh phúc hơn rất nhiều người rồi”, điều dưỡng Hằng tâm sự.

Sống sót kỳ tích sau đêm trực của bác sĩ Nam và điều dưỡng Hằng, anh N.V.Đ vừa nghĩ như mình trải qua một giấc mơ. Anh nhập viện đa chấn thương do tai nạn giao thông, vỡ lách, vỡ gan, thủng dạ dày, đứt động mạch mạc treo, gãy 6 xương sườn từ 3-8 bên trái, tràn máu tràn khí khoang phế mạc. Anh nhập khoa Hồi sức Ngoại khoa và Ghép tạng (A12B) - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong tình trạng sốc chấn thương và mất máu rất nặng. Huyết áp không đo được.

Làm ở môi trường hồi sức ngoại khoa và ghép tạng khiến cho tôi học được cách trân trọng cuộc sống trong từng phút giây. Việc mình vẫn còn sức khỏe, còn được đi làm còn được cống hiến là đã hạnh phúc hơn rất nhiều người rồi.

Điều dưỡng Giang Thị Hằng

Trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc ấy, tập thể y, bác sĩ của khoa Hồi sức ngoại khoa và ghép tạng, cùng các khoa bạn đã triển khai rất nhanh chóng các kỹ thuật hồi sức cấp cứu, chẩn đoán chính xác, xử trí mau lẹ, cùng kíp kỹ thuật chuyên khoa mổ kịp thời. Ba ngày sau, bệnh nhân đã ổn định, thoát qua tình trạng hiểm nghèo. Anh đã được sinh ra lần thứ 2 tại đây.

Nơi hồi sinh sự sống ảnh 2

Các bác sĩ Khoa Hồi sức Ngoại Khoa và Ghép tạng chăm sóc cho bệnh nhân ghép phổi đầu tiên ở Việt Nam.

Nơi hồi sinh sự sống

Là một trung tâm ghép tạng lớn nhất cả nước, Khoa Hồi sức Ngoại Khoa và Ghép tạng gánh trên vai một áp lực nặng nề chính là bảo toàn thành quả của ca phẫu thuật ghép tạng, mang lại sự hồi sinh cho người bệnh.

Điều dưỡng Dương Thị Nga đã có 16 năm công tác tại khoa, là một trong những người đầu tiên chăm sóc bệnh nhân ghép tạng dù lúc bấy giờ, chị chưa được đào tạo chuyên sâu về chuyên ngành này. Năm 2017, chị được giao nhiệm vụ chăm sóc ca ghép gan.

“Áp lực lắm, suy nghĩ nhiều, không biết mình có đủ khả năng bắt kịp với công việc không. Chăm sóc ghép gan phải chăm sóc cấp độ cao nhất, cách ly hoàn toàn trong phòng sau ghép, tôi đành gửi con 16 tháng về cho ông bà ngoại, chuyên tâm công việc”, chị Nga kể.

Hơn 2 tháng với ca ghép gan đầu tiên thực sự là áp lực rất lớn với chị Nga và đồng nghiệp vì chưa có kinh nghiệm chăm sóc bệnh nhân sau ghép, và việc chăm sóc càng trở nên vất vả và khó khăn hơn khi sức đề kháng của người bệnh sau mổ rất yếu.

Nơi hồi sinh sự sống ảnh 3

Hồi sức ghép tạng đòi hỏi các y, bác sĩ phải thực hiện chế độ chăm sóc đặc biệt cho người bệnh.

Bệnh nhân được dùng thuốc ức chế miễn dịch để gan không bị thải ghép, đối diện với đủ nguy cơ nhiễm trùng như nhiễm khuẩn, nhiễm nấm, nhiễm virus sau ghép. Tất cả môi trường xung quanh và vật dụng, đồ ăn, thức uống cho bệnh nhân phải sạch, thủ thuật phải được làm dưới điều kiện vô trùng tuyệt đối.

“Sau hơn 2 tháng nỗ lực điều trị và chăm sóc, bệnh nhân được phục hồi, được chuyển khoa và ra viện. Tôi và các đồng nghiệp từng gắn bó với bệnh nhân trong phòng cách ly mới thở phào nhẹ nhõm và cảm nhận được những cố gắng, nỗ lực không mệt mỏi của mình được đền đáp”, điều dưỡng Nga kể.

Ở khoa này, nếu không yêu nghề, tận tâm và thương cảm với người bệnh, rất khó để trụ lại trong hành trình dài đằng đẵng với người bệnh, chứng kiến từng sự biến đổi nhỏ nhoi trong tiến trình hồi phục của họ.

Khoảng một tháng sau khi thành công ca ghép gan đầu tiên, những chiến binh thầm lặng tiếp tục chăm sóc và điều trị cho ca ghép phổi đầu tiên tại Việt Nam từ người cho chết não. Cuộc chiến ấy lại càng cam go, ác liệt hơn khi người bệnh sau ghép phổi sức khỏe rất yếu, bệnh nhân phải được tập vật lý trị liệu và phục hồi chức năng hàng ngày, phải ở trong căn phòng cách ly trong vài tháng nên việc bị stress tâm lý là điều không thể tránh khỏi.

“Khi ấy, chúng tôi không chỉ là điều dưỡng, mà còn là người thân trong nhà, động viên, chăm sóc và là cầu nối để gửi những lời động viên từ vợ, con, người thân trong gia đình bệnh nhân, tiếp thêm sức mạnh giúp người bệnh có thể vượt qua được giai đoạn nguy kịch”, chị Nga cho hay.

Ở khoa này, nếu không yêu nghề, tận tâm và thương cảm với người bệnh, rất khó để trụ lại trong hành trình dài đằng đẵng với người bệnh, chứng kiến từng sự biến đổi nhỏ nhoi trong tiến trình hồi phục của họ.

Nơi hồi sinh sự sống ảnh 4

Tiến sĩ Ngô Đình Trung giảng bài về thở máy cho các y, bác sĩ chuyên ngành hồi sức-cấp cứu trong toàn bệnh viện.

Tiến sĩ Ngô Đình Trung, Chủ nhiệm Khoa Hồi sức ngoại khoa và ghép tạng chia sẻ, với cường độ làm việc căng thẳng, vất vả, thường xuyên phải tiếp xúc với những bệnh nhân nặng nguy kịch, việc thức trắng đêm để cấp cứu, điều trị, theo dõi tình hình bệnh nhân là điều hết sức bình thường đối với đội ngũ y, bác sĩ trong khoa.

Khó khăn không chỉ dừng lại ở đó, việc chăm sóc bệnh nhân sau ghép tạng đòi hỏi y, bác sĩ trong khoa phải rất tỉ mỉ, và cẩn trọng, bởi nhóm bệnh nhân ghép tạng là nhóm bệnh nhân rất dễ “tổn thương”, có nguy cơ nhiễm trùng cao sau ghép, bệnh nhân rất dễ bị lây nhiễm vi khuẩn, nhiễm nấm, nhiễm virus do họ phải sử dụng thuốc ức chế hệ miễn dịch của cơ thể để phòng, chống thải loại tạng ghép dẫn đến hệ miễn dịch của người bệnh rất yếu.

"Đã có bệnh nhân sau ghép tạng nguy kịch vì biến chứng nhiễm trùng sau ghép trong khi chức năng tạng ghép vẫn còn tốt. Chúng tôi sẽ không thể nào quên trường hợp bệnh nhân L.H.N 40 tuổi, quê ở Nam Định, bệnh nhân đã phải nằm điều trị ở khoa chúng tôi trong 3 tháng (từ tháng 3 đến tháng 6/2023) vì biến chứng nhiễm trùng sau phẫu thuật ghép gan", Tiến sĩ Ngô Đình Trung kể.

Bệnh nhân L.H.N được ghép gan vào tháng 9/2022, sau ghép đã ổn định và xuất viện về nhà, 6 tháng sau ghép bệnh nhân có biến chứng nhiễm trùng ổ bụng do rò mật, tình trạng nhiễm trùng sau đó tiến triển nặng và có viêm phổi kết hợp, bệnh nhân rơi vào tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy đa tạng nặng.

Trong quá trình điều trị tại khoa, bệnh nhân đã được can thiệp đặt stent đường mật, lọc máu liên tục (40 lần lọc máu), dùng kháng sinh thế hệ mới nhất hiện nay, kết hợp với nhiều biện pháp chăm sóc toàn diện khác như: thông khí cơ học, soi hút phế quản, phục hồi chức năng về hô hấp và vận động, dinh dưỡng tích cực…

"Tổng chi phí quá trình điều trị lên đến 1,4 tỷ đồng. Trong đó bảo hiểm y tế chi trả 400 triệu đồng. Số tiền bệnh nhân phải chi trả là con số không hề nhỏ và có những lúc tưởng chừng như chúng tôi sẽ đánh mất bệnh nhân, nhưng bằng những nỗ lực và quyết tâm của cả tập thể khoa thì cuối cùng bệnh nhân đã được cứu sống, hồi phục dần và xuất viện trong niềm vui, ngập tràn hạnh phúc của bệnh nhân và gia đình”, bác sĩ Trung kể.

Nơi hồi sinh sự sống ảnh 5

Tiến sĩ Ngô Đình Trung, Chủ nhiệm Khoa Hồi sức ngoại khoa và ghép tạng khám cho người bệnh.

Thực trạng thiếu nhân lực, thu nhập thấp, công việc ngành hồi sức vất vả, căng thẳng khiến cho những ai trụ được ở ngành này đều phải hy sinh rất nhiều. Chia sẻ về điều ấy, Tiến sĩ Ngô Đình Trung cho biết, thực trạng thiếu thốn về nhân, vật lực và mức thu nhập thấp đúng là vấn đề nan giải của tất cả các đơn vị hồi sức ở Việt Nam nói riêng và các nước có thu nhập trung bình thấp nói chung.

Ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, chúng tôi không chỉ là thầy thuốc, còn là người chiến sĩ, đang ngày đêm phụng sự tổ quốc, phụng sự nhân dân, đó là trách nhiệm và sứ mệnh cao cả của chúng tôi. Hơn thế nữa, niềm vui, niềm hạnh phúc khi mình có thể cứu sống được nhiều người ở trong giai đoạn nguy kịch, đặc biệt như trường hợp bệnh nhân L.H.N tôi đã kể ở trên chính là nguồn động lực to lớn để chúng tôi tiếp tục yêu và làm nghề hồi sức mà mình đã chọn.

Tiến sĩ Ngô Đình Trung

Ngay từ những ngày đầu thành lập, Khoa Hồi sức Ngoại Khoa và Ghép tạng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 luôn xứng đáng với nhiệm vụ của một khoa “đầu sóng ngọn gió”.

Thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực nghiên cứu để phát triển kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108”, từ năm 2016 đến nay, bệnh viện đã triển khai ghép tạng cho hơn 200 ca ghép gan, hơn 300 ca ghép thận, 4 ca ghép phổi, 3 ca ghép chi. Bệnh nhân sau ghép tạng được chăm sóc, hồi sức sau ghép tại khoa Hồi sức Ngoại khoa và Ghép tạng (A12B) và được chuyển về các khoa lâm sàng khi tình trạng bệnh nhân đã ổn định.

Bên cạnh nhiệm vụ hồi sức bệnh nhân sau ghép tạng, khoa còn đảm nhận nhiệm vụ: Hồi sức người chết não hiến tạng tiềm năng; cấp cứu, điều trị tích cực các bệnh lý ngoại khoa nặng, sau các phẫu thuật lớn. Hỗ trợ các khoa trong bệnh viện cấp cứu, hồi sức; tham gia cấp cứu ngoại viện khi có yêu cầu.

Khoa cũng tham gia đào tạo sau đại học, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo liên tục cho cán bộ y tế chuyên ngành hồi sức và ghép tạng ở các Bệnh viện trong và ngoài Quân đội như Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng, Đại học VinUni…

Nơi hồi sinh sự sống ảnh 6

Bệnh nhân đầu tiên được ghép 2 tay chụp ảnh lưu niệm cùng thủ trưởng Bộ Quốc phòng và thủ trưởng bệnh viện.

Những nỗ lực và đóng góp của tập thể khoa cũng đã được Ban giám đốc Bệnh viện ghi nhận, minh chứng cụ thể là 5 năm liền khoa được Bệnh viện trao tặng danh hiệu “Đơn vị đi đầu trong phong trào thi đua quyết thắng trong toàn bệnh viện”.

"Ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, chúng tôi không chỉ là thầy thuốc, còn là người chiến sĩ, đang ngày đêm phụng sự tổ quốc, phụng sự nhân dân, đó là trách nhiệm và sứ mệnh cao cả của chúng tôi. Hơn thế nữa, niềm vui, niềm hạnh phúc khi mình có thể cứu sống được nhiều người ở trong giai đoạn nguy kịch, đặc biệt như trường hợp bệnh nhân L.H.N tôi đã kể ở trên chính là nguồn động lực to lớn để chúng tôi tiếp tục yêu và làm nghề hồi sức mà mình đã chọn", bác sĩ quân y Ngô Đình Trung tự hào nói.

back to top