Nơi ghi dấu tình hữu nghị Việt-Lào

NDO - Ngày 13/8/1950, tại Làng Ngòi-Đá Bàn, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) đã diễn ra Đại hội toàn quốc Mặt trận Lào kháng chiến. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Mặt trận Lào tự do (Neo Lào Ítxala); bầu Chính phủ kháng chiến Lào do Hoàng thân Souphanouvong làm Thủ tướng; đồng chí Kaysone Phomvihane làm Bộ trưởng Quốc phòng (sau này là Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào).
0:00 / 0:00
0:00
Lưu học sinh Lào thăm nơi ở và làm việc của Hoàng thân Souphanouvong tại xã Mỹ Bằng, Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.
Lưu học sinh Lào thăm nơi ở và làm việc của Hoàng thân Souphanouvong tại xã Mỹ Bằng, Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Khu di tích lịch sử cách mạng Lào nằm ở thôn Làng Ngòi và thôn Đá Bàn, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn, Tuyên Quang). Đây cũng là nơi Hoàng thân Souphanouvong và đồng chí Kaysone Phomvihane và các đồng chí lãnh đạo Lào đã ở, làm việc, lãnh đạo phong trào cách mạng của nhân dân các bộ tộc Lào.

Tại đây, Hoàng thân Souphanouvong và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần gửi thư trao đổi về tình hình cách mạng hai nước để kịp thời đề ra những chủ trương, đường lối đúng đắn, cùng phối hợp hành động vì sự nghiệp chung đấu tranh giành độc lập, tự do. Vào tháng 12/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm và hội đàm với các đồng chí trong Chính phủ kháng chiến Lào, đánh dấu mốc son quan trọng trong quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt Nam-Lào. Cuộc hội đàm giữa Hoàng thân Souphanouvong với Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập tới nhiều vấn đề liên quan tới tình hình cách mạng hai nước, sự hợp tác, phối hợp chiến đấu giữa chiến trường Việt-Lào.

Nơi ghi dấu tình hữu nghị Việt-Lào ảnh 1

Lưu học sinh Lào cùng sinh viên Trường Đại học Tân Trào vui tết Bun-Pi-May.

Cụ Lê Văn Tân, từng là bộ đội tình nguyện chiến đấu giúp nước bạn Lào, năm nay đã ngoài 90 tuổi, nhớ lại, trong thời gian ở đây, Hoàng thân Souphanouvong cùng các cán bộ cách mạng Lào thường xuyên đi thăm hỏi bà con ở chung quanh khu vực doanh trại, ăn Tết Nguyên đán xuân Tân Mão 1951 với nhân dân thôn Đá Bàn, đi chúc Tết bà con trong thôn, mừng tuổi người già, trẻ nhỏ, cho nên ai cũng quý mến và hết sức bảo vệ cho Hoàng thân cùng các đồng chí cán bộ Lào.

Phát huy truyền thống và góp phần vun đắp, tô thắm thêm tình đoàn kết giữa hai nước, hai dân tộc Việt-Lào, những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã ký kết, hỗ trợ tỉnh Xiêng Khoảng triển khai có hiệu quả nhiều dự án về lĩnh vực nông nghiệp, hợp tác trong lĩnh vực văn hóa và du lịch, giao lưu nhân dân, như: Dự án hỗ trợ ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo, chế biến, bảo quản thức ăn chăn nuôi bò tại huyện Pẹk; hỗ trợ lập Quy hoạch vùng trồng cỏ phục vụ phát triển chăn nuôi bò và một số loại cây ăn quả chủ lực của tỉnh; hỗ trợ bê giống nuôi sinh sản; tập huấn hệ thống thú y cơ sở; triển khai Dự án trồng thử nghiệm một số giống chè mới có năng suất cao.

Từ năm 2013 đến nay, Trường Đại học Tân Trào (Tuyên Quang) đã tiếp nhận, đào tạo 42 lưu học sinh (gồm 38 lưu học sinh tỉnh Xiêng Khoảng và 4 lưu học sinh tỉnh Phong Sa Ly). Nay, 24 em tốt nghiệp về nước và đều có việc làm phù hợp với lĩnh vực học tập. Còn 18 em đang theo học các chuyên ngành như kế toán; dược; điều dưỡng; giáo dục tiểu học; quản lý đất đai; công tác xã hội; công nghệ thông tin; quản trị dịch vụ du lịch lữ hành; chăn nuôi; kinh tế đầu tư.

Nơi ghi dấu tình hữu nghị Việt-Lào ảnh 2

Lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Xiêng Khoảng ký kết hợp tác giai đoạn 2021-2025.

Tiến sĩ Vũ Quỳnh Loan, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Trào cho biết, lưu học sinh Lào được miễn học phí, kinh phí chỗ ở và hỗ trợ sinh hoạt phí 3,5 triệu đồng/tháng. Ngoài giờ học, các em còn được tham gia các hoạt động ngoại khóa để bổ trợ kỹ năng trong giao tiếp, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, thắt chặt tình cảm giữa sinh viên Lào với sinh viên Việt Nam. Hằng năm, vào dịp Tết cổ truyền Bun-Pi-May, ngày Quốc khánh nước CHDCND Lào, nhà trường tổ chức Ngày hội giao lưu văn hóa sinh viên quốc tế; phối hợp Hội hữu nghị Việt Nam-Lào của tỉnh đưa các em lưu học sinh đi viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm bảo tàng Hồ Chí Minh và Khu Di tích lịch sử K9, Lễ chùa cầu may... để các em hiểu rõ hơn văn hóa của hai dân tộc, giúp đỡ nhau trong quá trình học tập.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang Hoàng Việt Phương cho biết, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục hỗ trợ tỉnh Xiêng Khoảng nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh cho hệ thống thú y cơ sở; xây dựng mô hình và chuyển giao kỹ thuật thâm canh cây ăn quả, trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi; hỗ trợ giảng dạy tiếng Việt, tiếng Lào cho cán bộ, công chức của mỗi bên; tài trợ 50 suất học bổng cho học sinh, sinh viên của tỉnh Xiêng Khoảng đến học tập tại Trường Đại học Tân Trào và 50 suất học bổng đào tạo dạy nghề ngắn hạn cho học sinh, sinh viên tỉnh Xiêng Khoảng tại Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật-Công nghệ Tuyên Quang.

Giờ đây Khu di tích lịch sử cách mạng Lào ở Mỹ Bằng đã được quy hoạch xây dựng với các di tích: Hội trường Đại hội đại biểu Neo Lào Ítxala; nơi ở, làm việc của đồng chí Kaysone Phomvihane; nơi ở, làm việc của Hoàng thân Souphanouvong; nơi ở, làm việc của đơn vị bộ đội Lào. Nơi đây là điểm tham quan thu hút khách du lịch, đồng thời cũng là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, sự gắn bó thủy chung, trong sáng giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Lào, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hoàng thân Souphanouvong, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và đã đặt nền móng và dày công vun đắp.