Cận cảnh Di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương: Ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng

Nơi chưng cất giá trị văn hóa vượt thời gian

NDO - Trở lại Di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, được ghi lại cận cảnh những hình ảnh độc đáo, mới nhất của di sản ma nhai - Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây là di sản có danh hiệu danh giá được UNESCO công nhận đầu tiên của thành phố Đà Nẵng.
0:00 / 0:00
0:00
Ma nhai Linh Nham Động, ngự bút vua Minh Mạng ngự chế vào năm 1837.
Ma nhai Linh Nham Động, ngự bút vua Minh Mạng ngự chế vào năm 1837.

Thời gian trôi đi và những giá trị di sản nằm trong Di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn một lần nữa minh chứng cho sự nỗ lực không mệt mỏi của ngành văn hóa, bảo tàng Đà Nẵng trong việc phối hợp các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức thẩm định, phục hồi và nỗ lực bảo vệ các giá trị của di sản trước hội đồng UNESCO. Niềm vui xen lẫn tự hào vì sự hun đúc các giá trị văn hóa, đã mang lại cho thành phố Đà Nẵng thêm bề dày văn hóa - chân rễ bền vững của sự phát triển kinh tế-xã hội.

Nơi chưng cất giá trị văn hóa vượt thời gian ảnh 1

Ma nhai Nam Bảo Đài hình bi. Theo nhận định của các nhà nghiên cứu ma nhai ở Việt Nam thì “đây là hệ hoa văn trang trí mang đặc trưng mỹ thuật thời Lê Trung Hưng tinh xảo và đặc sắc nhất so với tất cả bia ma nhai tại các di tích thuộc Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ mà chúng ta từng gặp”.

“Ma” là mài giũa, “nhai” là vách núi. Theo đó, “ma nhai” là một loại hình văn khắc bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm được cho khắc trực tiếp lên các phiến đá trên vách núi tự nhiên sau khi đã gia công mài giũa bề mặt phiến đá. Ma nhai (tức văn khắc trên vách đá) là loại hình độc đáo, gần như ở Việt Nam rất hiếm và trong danh mục di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng không có nhiều. Đây cũng là điểm nhấn để thể hiện “tính độc đáo, hiếm có” của di sản - một trong những tiêu chí quan trọng nhất của hồ sơ đề cử để được công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Nơi chưng cất giá trị văn hóa vượt thời gian ảnh 2

Du khách Cameron và bạn đến từ Úc, đang tìm hiểu Ma nhai Nam Bảo Đài hình bi tại Động Tang Chơn, sáng ngày 29/11.

Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là kho tàng di sản tư liệu quý giá bằng chữ Hán và chữ Nôm với số lượng lớn, nội dung đa dạng, hình thức độc đáo, tính duy nhất không thể thay thế và đủ các thể loại như: ngự bút, bia ký, tán, thơ văn, đề từ, đề danh, câu đối… của các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, cùng bao thế hệ tao nhân, mặc khách đã từng dừng chân lưu đề trên vách đá, hang động tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, với niên đại trải dài từ nửa đầu thế kỷ XVII đến tận những thập niên 60 của thế kỷ XX. Đó là nguồn tư liệu quý, có giá trị được giới nghiên cứu từ trước đến nay đặc biệt quan tâm.

Nơi chưng cất giá trị văn hóa vượt thời gian ảnh 3

70 sinh viên khoa Địa lý Trường đại học Sư phạm Hồ Chí Minh, thực địa tìm hiểu lịch sử ma nhai tại Động Tang Chơn, sáng 29/11.

Theo giới chuyên môn, bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là những tư liệu cực kỳ giá trị, chân xác và đặc sắc, thể hiện rõ tính giao thoa, hòa điệu về kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các quốc gia Nhật Bản-Trung Quốc-Việt Nam tại Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX. Đây là các tác phẩm trên đá độc đáo ấn tượng, nhiều kiểu chữ viết như: Chân, Hành, Thảo, Triện, Lệ…

Nơi chưng cất giá trị văn hóa vượt thời gian ảnh 4

Động Huyền Không là động có nhiều ma nhai nhất tại Ngũ Hành Sơn.

Điều đặc biệt, bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là tài liệu gốc duy nhất được vua Minh Mạng ngự bút và cho khắc lên các vách núi, hang động. Sự kiện này được ghi chép lại trong các tài liệu lịch sử như: Đại Nam Nhất Thống chí, Đại Nam Thực lục, Đại Nam dư địa chí ước biên… Đây cũng là bia ma nhai còn nguyên vẹn, tinh xảo.

Nơi chưng cất giá trị văn hóa vượt thời gian ảnh 5

Văn bia Phổ Đà sơn linh trung Phật do Thiền sư Huệ Đạo Minh biên soạn (năm Canh Thìn, 1640) được đánh giá là có giá trị nhất nhì trong hệ thống ma nhai Ngũ Hành Sơn.

Ẩn chứa trong nguồn di sản tư liệu này là hệ giá trị trên nhiều mặt: lịch sử, nghệ thuật, văn hóa và khoa học. Mỗi giá trị là sự khẳng định nét văn hóa Việt Nam trong tầng sâu tâm thức của cư dân bản địa.

Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là di sản gắn với di tích quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn. Hiện được quản lý trực tiếp bởi Ban Quản lý di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn, trực thuộc UBND quận Ngũ Hành Sơn và chịu quản lý về mặt chuyên môn của Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng.

Nơi chưng cất giá trị văn hóa vượt thời gian ảnh 6

Tại động Hoa Nghiêm của danh thắng Ngũ Hành Sơn có 20 ma nhai, trong đó có 15 ma nhai đọc được nội dung, là những ma nhai rất quý.

Ngày 16/4/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 519/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn. Đến nay, hồ sơ quy hoạch đã cơ bản hoàn thành để gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tiến hành việc lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, trong đó chú trọng các giải pháp và phương án quản lý, bảo tồn bia ma nhai Ngũ Hành Sơn mang tính lâu dài, bền vững kể cả phương án phục hồi di sản trong trường hợp bị thời tiết, thiên tai xâm hại.

Nơi chưng cất giá trị văn hóa vượt thời gian ảnh 7

Hiện có gần 90 ma nhai còn nguyên vẹn và mang nhiều giá trị lịch sử tại danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng ban Ban Quản lý khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, cho biết: “Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn được ghi danh vào di sản Di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương, là một điều thật sự quá vinh dự, tự hào. Việc bảo vệ, gìn giữ và phát huy song song di sản trong di sản là nhiệm vụ, trọng trách chúng tôi đặt ra hàng đầuˮ.

Theo ông Nguyễn Văn Hiền, di sản được vinh danh là vô giá nhưng việc để các giá trị tồn tại nhân lên theo thời gian là việc cần sự chung tay của các ngành, các cấp và mỗi một người dân, du khách khi đến với di sản ấy. Ma nhai là di sản tự nhiên, ngoài trời bởi vậy không thể tránh được sự tác động của môi trường, mưa bão, trước mắt đơn vị tiếp tục làm tốt hơn nữa, tăng cường tuần tra, kiểm soát và đặc biệt là nghiêm cấm việc tác động lên di sản như viết, vẽ, tẩy xóa hoặc tác động thô bạo dưới bất kỳ hình thức nào đều bị xử lý nghiêm ngặt. Ông Hiền cũng đề nghị Sở Văn hoá, Thể thao Đà Nẵng tiếp tục quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ về các kiến thức chuyên ngành, để công tác bảo tồn được triển khai tốt đáp ứng với yêu cầu cấp thiết của một di sản Di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Nơi chưng cất giá trị văn hóa vượt thời gian ảnh 8

Di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương ma nhai nằm trong Di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng.

Di sản nằm trong di sản là một điều đặc biệt quý hiếm. Riêng đối với thành phố Đà Nẵng, việc ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn được ghi danh Di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đòi hỏi một cách quyết liệt hơn trong việc tiếp tục gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa di sản bằng các quyết sách kịp thời và đúng đắn. Và đầu tư cho văn hóa, di sản vẫn là chọn lựa phải được đặt lên hàng đầu, song song cùng kinh tế để có thể trụ vững thế chân kiềng trong sự phát triển chung của thành phố.