Nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội kéo dài ở Hải Phòng

Theo Bảo hiểm xã hội thành phố Hải Phòng, đến hết tháng 11/2023, toàn thành phố có 461 đơn vị, doanh nghiệp thường xuyên chậm đóng, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp kéo dài từ ba tháng trở lên, với tổng số tiền nợ 637 tỷ đồng (chỉ tính số đơn vị chậm đóng từ 50 triệu đồng trở lên).
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ Bảo hiểm xã hội thành phố Hải Phòng tuyên truyền về chính sách bảo hiểm đối với người lao động.
Cán bộ Bảo hiểm xã hội thành phố Hải Phòng tuyên truyền về chính sách bảo hiểm đối với người lao động.

Điều này không chỉ ảnh hưởng lớn đến nguồn kinh phí chi trả bảo đảm quyền lợi chung của người tham gia, mà còn ảnh hưởng nặng nề đến chính quyền lợi và cuộc sống của người lao động tại các doanh nghiệp, đơn vị này…

Bà Bùi Thị Hòe, công nhân Công ty Chế biến thủy sản xuất khẩu Hải Phòng chia sẻ: “Công ty hiện vẫn là doanh nghiệp nhà nước, nhưng trong đơn vị có nhiều người đã đủ tuổi nghỉ hưu mà không được hưởng các chế độ chính sách bảo hiểm xã hội và nghỉ hưu theo quy định. Lý do là từ năm 2013 đến nay, công ty đã không đóng bảo hiểm xã hội. Mong mỏi của người lao động chúng tôi đã kéo dài cả chục năm nay vẫn chưa được giải quyết…”.

Anh Nguyễn Trần Cường, lao động tại Công ty cổ phần Lisemco cho hay, bản thân anh và nhiều lao động trong công ty không chốt được sổ bảo hiểm xã hội để thực hiện chế độ ốm đau, hưu trí, do công ty lâu nay không đóng bảo hiểm xã hội… Công nhân đã nhiều lần có đơn đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, hỗ trợ giải quyết, nhưng vẫn chưa có kết quả. Hiện, Công ty Lisemco đã chuyển chủ sở hữu cho nhà đầu tư mới, cho nên công nhân lao động giờ đây không biết dựa vào đâu để giải quyết quyền lợi hợp pháp của mình...

Chị Phạm Thị Bình, công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Gleeco (đóng trên địa bàn huyện An Dương) cho biết: “Từ tháng 4/2020, công ty đã chấm dứt hoạt động. Từ đó đến nay, công nhân, lao động không được chốt sổ bảo hiểm xã hội, quyền lợi của chúng tôi hơn ba năm qua không được bảo đảm. Thậm chí, hơn 30 công nhân nữ sinh con đến nay cũng chưa được thanh toán chế độ thai sản do doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội…”.

Theo Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Thạnh, ba đơn vị nêu trên nằm trong số đơn vị có số nợ bảo hiểm xã hội lớn. Trong đó, Công ty Chế biến thủy sản xuất khẩu Hải Phòng mới đóng bảo hiểm xã hội đến hết tháng 6/2013; Công ty cổ phần Lisemco mới đóng đến hết tháng 11/2014; Công ty trách nhiệm hữu hạn Gleeco là đơn vị có chủ bỏ trốn và mới đóng bảo hiểm xã hội đến hết tháng 4/2019… Hiện các đơn vị nêu trên không trả nợ, hoặc không còn khả năng trả nợ bảo hiểm xã hội và điều đó đã ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi người lao động.

Đáng lưu ý là, trong số đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp có tới hơn 1.100 đơn vị dừng, giải thể, phá sản với số tiền chậm đóng các loại bảo hiểm hơn 131 tỷ đồng. Đặc biệt, tính đến hết tháng 11/2023, số tiền nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của các đơn vị thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC) trên địa bàn Hải Phòng đã lên tới hơn 344,5 tỷ đồng (bao gồm cả hơn 194 tỷ đồng lãi chậm đóng).

Đối với ba đơn vị thuộc khối lắp máy gồm: Công ty cổ phần Lilama 69/2, Lisemco 3 và Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng Amecc thì số tiền chậm đóng là hơn 56,6 tỷ đồng (bao gồm cả 23,1 tỷ đồng lãi chậm đóng). Các đơn vị nêu trên đều đã “treo” nợ bảo hiểm xã hội từ nhiều năm qua và người lao động cũng đành chờ đợi chưa biết đến bao giờ mới giải quyết được quyền lợi của mình.

Theo Bảo hiểm xã hội Hải Phòng, đối với những trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa đóng đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thì chỉ xác nhận sổ bảo hiểm xã hội đến thời điểm đã đóng. Trường hợp người lao động đã đủ tuổi để giải quyết chế độ hưu trí mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội được xác nhận từ 20 năm trở lên, thì người lao động nộp hồ sơ tại cơ quan Bảo hiểm xã hội đề nghị giải quyết chế độ. Cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ xác nhận bổ sung quá trình trên sổ bảo hiểm xã hội và điều chỉnh chế độ cho người lao động theo quy định sau khi thu hồi được số tiền đơn vị chậm đóng...

Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội thành phố Hải Phòng đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để tăng nguồn thu, giảm số tiền chậm đóng của các đơn vị; duy trì chế độ báo cáo tình hình với chính quyền thành phố và các ngành liên quan để có chỉ đạo việc thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế một cách nghiêm túc và kịp thời. Mới đây nhất, ngày 7/12, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã có Văn bản số 3068/UBND-VX yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra chậm đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn.

Thành phố Hải Phòng cũng yêu cầu các địa phương, các sở, ngành không xem xét, bình xét, đề nghị khen thưởng đối với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; xem xét cân nhắc việc phê duyệt hồ sơ tham gia đấu thầu, thuê đất… đối với các đơn vị, doanh nghiệp này. Cùng với đó, thành phố Hải Phòng cũng yêu cầu cơ quan chuyên môn kịp thời chuyển nguồn kinh phí từ ngân sách hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội cho các nhóm đối tượng và bảo hiểm xã hội tự nguyện; công khai danh sách đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp kéo dài lên phương tiện thông tin đại chúng…

Tuy nhiên, theo Bảo hiểm xã hội thành phố Hải Phòng, trên địa bàn thành phố hiện còn khối nợ lớn bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của các doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC), cần được Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương có giải pháp cụ thể để xử lý, thu hồi. Cùng với đó, các ngành chức năng cần có chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn về quyền lợi cho người lao động tại các đơn vị đã giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn, dừng hoạt động còn nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.