Nô nức trẩy hội đền Tiên La Thái Bình năm 2024

NDO - Hàng nghìn du khách thập phương đã tới tham dự lễ hội đền Tiên La. Đây là lễ hội cấp vùng do Ủy ban nhân dân huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) tổ chức vào tối 18/4. Sự kiện mở đầu cho chuỗi hoạt động văn hóa dân gian phong phú trên mảnh đất cổ Đoan Hùng-Tân Tiến.
0:00 / 0:00
0:00
Đọc chúc văn trong đêm khai mạc Lễ hội đền Tiên La. (Ảnh: VĂN HỌC)
Đọc chúc văn trong đêm khai mạc Lễ hội đền Tiên La. (Ảnh: VĂN HỌC)

Lễ hội Tiên La được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016, nơi đây gắn liền với việc phụng thờ Đông Nhung Đại tướng quân Vũ Thị Thục - nữ tướng dưới thời Hai Bà Trưng.

Lễ hội được tổ chức từ ngày mồng 10 đến 20/3 (âm lịch) hằng năm. Trong đó ngày 17/3 âm lịch (ngày mất của tướng quân Vũ Thị Thục) là chính hội, để tưởng nhớ công ơn của bà.

Nô nức trẩy hội đền Tiên La Thái Bình năm 2024 ảnh 1

Đông đảo du khách tham dự khai mạc lễ hội Tiên La năm 2024. (Ảnh: VĂN HỌC)

Lễ hội Tiên La hình thành và duy trì phát triển đến nay nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa cũng như tâm linh của chính người dân nơi đây.

Bên cạnh đó, lễ hội còn mang đậm đặc trưng nền văn minh lúa nước vùng châu thổ Bắc Bộ. Điều này được thể hiện khá rõ qua nghi thức rước nước cầu mưa thuận gió hòa cũng như để bày tỏ lòng thành kính với thiên nhiên.

Ngày nay, chính quyền địa phương vẫn bảo tồn vẹn nguyên những sinh hoạt văn hóa cổ truyền từ bao đời nay.

Sau lễ rước nước đến phần tế lễ, mở đầu là đội tế nữ quan của làng Tiên La, sau đến các đội tế của các làng lân cận.

Nô nức trẩy hội đền Tiên La Thái Bình năm 2024 ảnh 3

Các nghệ sĨ biểu diễn chương trình nghệ thuật với chủ đề "Tiên La thánh tích". (Ảnh: VĂN HỌC)

Lễ hội có nhiều hoạt động dân gian như: múa rối nước, thi giã bánh giầy, thi pháo đất, thi vật, thi tổ tôm điếm… Trong lễ hội còn bảo tồn 2 loại hình nghệ thuật mang tính quần chúng là hát ca trù và hát văn (kèm hầu bóng).

Điều đặc sắc nữa của lễ hội Tiên La là không gian văn hóa, văn nghệ bao trùm trên địa bàn toàn huyện và các vùng phụ cận, nhưng “kinh đô” văn hóa, văn nghệ của lễ hội thể hiện rõ nét nhất tại 2 xã Đoan Hùng và Tân Tiến.

Tại 2 xã này hiện có 4 di tích cấp quốc gia gồm: đền Tiên La, chùa Tiên La (xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1986), đền Rẫy và đền Buộm (xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1990). Các di tích này đều gắn liền với việc phụng thờ Bát nạn tướng quân Vũ Thị Thục.

Nô nức trẩy hội đền Tiên La Thái Bình năm 2024 ảnh 4
Năm 1986, đền Tiên La được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. (Ảnh: VĂN HỌC)

Hưng Hà đang có nhiều tiềm năng trong kết nối điểm du lịch văn hóa tâm linh đền Tiên La với các di tích quan trọng khác trên địa bàn như đền Trần, đền Đồng Bằng, chùa Keo… tạo thành sản phẩm du lịch hấp dẫn với du khách gần xa.