Hành trình dài cho sự an toàn của trẻ em gái ở thành phố
Ngày 15/3, Viện nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững (MSD), tổ chức Plan International Việt Nam cùng các đối tác - Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội, Trường Đại học Giao thông vận tải, UBND huyện Đông Anh, Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng (Light) tổ chức hội thảo “Hành trình đến với thành phố an toàn”.
Theo ước tính của Liên hợp quốc, vào năm 2030, cứ 3 người thì sẽ có một người sinh sống ở các thành phố/đô thị với ít nhất nửa triệu dân.
Mỗi tháng có khoảng 5 triệu người được bổ sung vào dân số của các thành phố của các nước phát triển và ước tính vào năm 2030, có khoảng 1,5 tỷ các em gái sẽ sống tại các khu vực thành thị.
Các em gái sinh sống ở thành phố sẽ có hai lần cơ hội để phát triển, đồng thời cũng phải đối mặt với nguy cơ rủi ro gấp hai lần.
Trong khi các em có những cơ hội về giáo dục tốt hơn, ít phải đối mặt với nạn tảo hôn, được có cơ hội tiếp cận thông tin và phát triển cá nhân thì các em cũng đồng thời phải đối mặt với các rủi ro về quấy rối tình dục, bị bóc lột và không an toàn.
Sự kiện nằm trong khuôn khổ dự án “Thành phố an toàn, thân thiện với em gái”.
Hà Nội là một trong năm thành phố đầu tiên thí điểm chương trình "Thành phố an toàn, thân thiện với em gái" từ năm 2012. Hoạt động nhằm xây dựng thành phố an toàn, thân thiện và hòa nhập cho tất cả các em gái.
Ông Lưu Quang Đại (tổ chức Plan International Việt Nam) cho biết: “Mục tiêu của dự án “Thành phố an toàn với trẻ em gái” là tăng cường an toàn của em gái ở nơi công cộng và khi di chuyển trong thành phố thông qua can thiệp thí điểm xây dựng cộng đồng an toàn và thân thiện hơn với các em gái. Trong giai đoạn đầu, dự án được triển khai nhằm cải thiện vấn đề an toàn của trẻ em gái khi đi lại trên phương tiện xe buýt. Trong giai đoạn tiếp theo, dự án tập trung vào việc tập huấn và nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến bạo lực giới. Tiếp nối các thành công của giai đoạn trước, dự án làm việc với các đối tác như Vụ Bình đẳng giới, MSD, Viện Light xây dựng mô hình để thúc đẩy sự tham gia của giới trẻ vào việc xây dựng và giám sát việc thực hiện các quy định luật pháp và chính sách, qua đó tác động ở phạm vi toàn quốc".
Dù không phải vấn đề mới, nhưng tình trạng quấy rối tình dục nơi công cộng, đặc biệt với trẻ em gái, phụ nữ và nhóm LGBTIQ+ vẫn đang diễn ra khá phổ biến với tính chất ngày càng phức tạp.
Theo Báo cáo "Khảo sát an toàn của em gái ở nơi công cộng và trên phương tiện công cộng" của tổ chức Plan International Việt Nam thực hiện năm 2014, 31% trong số 1.128 các em gái được hỏi đã từng bị quấy rối tình dục khi đi xe buýt. Chỉ có 13% em gái và 8% em trai cho rằng, các em gái luôn luôn cảm thấy an toàn nơi công cộng.
Sở dĩ vấn nạn quấy rối xảy ra với con số đáng báo động như vậy bởi những biểu hiện của nó luôn ẩn mình và được ngụy biện dưới những lời yêu thương, câu đùa vui,... Chính vì vậy mọi người thường thờ ơ, hoặc không nhận ra tính nghiêm trọng của những hành vi đó. Đặc biệt, đa phần trong các trường hợp quấy rối tình dục, nạn nhân và cả những người chứng kiến đều có xu hướng im lặng.
Cần nỗ lực hơn nữa
Nhấn mạnh về vai trò của thanh, thiếu niên trong hành trình nỗ lực phòng ngừa bạo lực giới, xây dựng một cộng đồng sống an toàn, lành mạnh, bà Trần Vân Anh, đại diện MSD-United Way Việt Nam, chia sẻ: “Trong mọi hoạt động của mình, chúng tôi luôn huy động sự tham gia tích cực từ các nhóm thanh, thiếu niên bằng cách: nâng cao nhận thức, năng lực của các em về các vấn đề liên quan như vận động chính sách có chuyển biến giới, truyền thông xã hội về bình đẳng giới,... Từ đó, đồng hành và trao quyền để các em có thể thực hiện các sáng kiến do các em khởi xướng. Lắng nghe tiếng nói của thanh, thiếu niên được thực hiện thông qua các khảo sát, nghiên cứu, đối thoại thường kỳ để chúng tôi có thể tiếp nhận ý kiến và có cơ sở xác định các cơ hội thúc đẩy sự tham gia của các em vào nỗ lực phòng ngừa và ứng phó với các vấn đề bạo lực giới nói riêng và đóng góp vào quá trình kiến tạo xây dựng cộng đồng, thành phố an toàn, văn minh nói chung”.
Bạn Phan Thị Phương Thảo, đại diện Câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi (COC) Trường THPT Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội, cho hay, trong quá trình tham gia Câu lạc bộ, Thảo và bạn bè cũng đã chứng kiến hoặc nghe rất nhiều câu chuyện của các bạn là nạn nhân của các vụ quấy rối và phân biệt đối xử trên cơ sở giới. Thí dụ, các bạn nữ thường bị trêu khi đi ngoài đường, các bạn nam trong cộng đồng LGBT ở trường thích làm đỏm thì bị các bạn nam trêu chọc, tẩy chay. Từ đó, các bạn luôn đồng hành, hỗ trợ các bạn và tích cực truyền thông (trực tiếp thông qua các buổi sinh hoạt, đối thoại và trên các nền tảng mạng xã hội) để bạn bè và cộng đồng chung quanh về các nội dung liên quan đến bình đẳng giới, phòng chống quấy rối và phân biệt đối xử trên cơ sở giới.
Bà Trần Thị Bích Loan, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), chia sẻ thêm về những kế hoạch đang trong giai đoạn xúc tiến hoàn thiện khuôn khổ chính sách, pháp luật, đồng thời cũng có những hành động cụ thể nhằm ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Đó là: đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức và khảo sát thu thập dữ liệu.
“Không chỉ vậy, chúng tôi cũng thúc đẩy phối hợp liên ngành và xây dựng các mô hình thí điểm về phòng ngừa và ứng phó bạo lực trên cơ sở giới. Tất cả những hoạt động đều mong muốn chung tay xây dựng một không gian công cộng an toàn hơn, thân thiện hơn cho phụ nữ và em gái”, bà Loan nhấn mạnh