Nỗ lực xanh hóa ngành hàng không thế giới

Nghị viện châu Âu (EP) vừa thông qua sáng kiến ReFuelEU nhằm tăng cường sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững. Quyết định của EP tiếp nối nỗ lực chung của các nước và khu vực nhằm xanh hóa ngành hàng không thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Một xe chở nhiên liệu hàng không bền vững của Pháp. (Ảnh REUTERS)
Một xe chở nhiên liệu hàng không bền vững của Pháp. (Ảnh REUTERS)

Sáng kiến của Liên minh châu Âu (EU) đặt ra mục tiêu mang tính ràng buộc đối với các hãng hàng không ở EU về sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF). Theo đó, đến năm 2025, các nhà cung cấp nhiên liệu phải bảo đảm SAF chiếm 2% trong tổng số lượng nhiên liệu tại sân bay ở EU vào năm 2025, sau đó lần lượt tăng lên 6%, 20% và 70% vào các năm 2030, 2035 và 2050.

Thỏa thuận nêu trên nhận được sự ủng hộ không chỉ của EP mà nhiều hãng hàng không, bởi việc sử dụng nhiên liệu bền vững là động lực chính để đạt được mục tiêu trung hòa carbon trong lĩnh vực này. Trong thông báo mới nhất, Hiệp hội các hãng hàng không lớn nhất EU (Airlines for Europe) hoan nghênh EP thông qua sáng kiến, đồng thời hy vọng SAF sẽ ngày càng phổ biến trên toàn cầu.

Thỏa thuận của EU tiếp nối nỗ lực của nhiều quốc gia và doanh nghiệp nhằm xanh hóa ngành hàng không. Trước đó, Canada thông báo hỗ trợ 265 triệu USD cho ngành hàng không hướng tới việc loại bỏ hoàn toàn khí thải carbon.

Bộ trưởng Công nghiệp Canada François-Philippe Champagne nhấn mạnh, bước đi này sẽ giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi công nghiệp xanh của ngành hàng không Canada, tạo ra những việc làm có giá trị cao, đồng thời củng cố chuỗi cung ứng và hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế không phát thải carbon.

Tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron cũng cho biết, nước này sẽ đầu tư hàng trăm triệu euro để phát triển máy bay, động cơ và nhiên liệu hàng không phát thải thấp trong những năm tới. Theo đó, Pháp sẽ dành 330 triệu USD cho hoạt động nghiên cứu máy bay và động cơ. Các khoản tài chính công và tư nhân cũng sẽ được huy động để sản xuất máy bay cỡ nhỏ chạy bằng điện hoặc hydro và nhiên liệu tái tạo.

Trong khi đó, tập đoàn chế tạo máy bay Boeing của Mỹ cũng vừa ra mắt một công cụ giúp theo dõi công suất dự kiến của nhiên liệu hàng không bền vững trong thập niên tới. Công cụ này nhằm nghiên cứu thực trạng sử dụng SAF, cũng như mức sản xuất cần thiết trong tương lai để đáp ứng mục tiêu trung hòa khí thải ngành hàng không.

Giám đốc phụ trách chiến lược phát triển bền vững của Boeing Chris Raymond nhấn mạnh, SAF giúp giảm tới 85% lượng khí thải CO2, qua đó mang lại tiềm năng lớn về khử carbon cho ngành hàng không trong 30 năm tới.

Theo thống kê của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, ngành hàng không tiêu thụ gần 8% sản phẩm xăng, dầu thế giới. Con số này tương đương 7 triệu thùng nhiên liệu mỗi ngày, trong đó máy bay chở khách chiếm hơn 90%.

Các chuyến bay thải ra môi trường trung bình 1 tỷ tấn carbon mỗi năm, chiếm khoảng 3% lượng khí thải toàn cầu. Các chuyên gia cho rằng, hiện nay, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không đang phục hồi mạnh mẽ và có thể về mức trước đại dịch vào năm 2025, sau đó tăng gấp 3 lần vào năm 2050. Điều này có nghĩa, lượng xăng dầu tiêu thụ có thể tăng vọt trong những năm tới.

Năm 2022, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đạt thỏa thuận lịch sử về mục tiêu trung hòa khí thải carbon của các chuyến bay quốc tế vào năm 2050. Một trong những giải pháp quan trọng nhất được đưa ra để hiện thực hóa mục tiêu này là sử dụng nhiên liệu bền vững.

Tuy nhiên, hàng không là một trong những lĩnh vực được coi là khó khử carbon nhất khi nhiên liệu vận hành máy bay không dễ dàng thay thế như các loại phương tiện khác. SAF có thể giúp giảm đáng kể lượng khí thải CO2 so với xăng, dầu có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch.

Nguồn nhiên liệu máy bay thay thế này được chế tạo ra từ rác thải nhựa, dầu ăn qua sử dụng, mỡ động vật... Tuy nhiên, hiện nay loại nhiên liệu này chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong nhiên liệu hàng không do sản lượng thấp và chi phí sản xuất cao.

Mặc dù ngành hàng không còn đối mặt nhiều thách thức trên chặng đường thực hiện mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2050, song giới chuyên gia kỳ vọng, những nỗ lực xanh hóa lĩnh vực này sẽ được đẩy nhanh hơn nữa để cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu được tiếp thêm sức mạnh.