Tận mắt chứng kiến những nghĩa cử, niềm vui và cả những giọt nước mắt sẻ chia của người dân ở vùng quê này, chúng tôi càng cảm nhận rõ và thêm trân quý nghĩa tình đoàn kết, yêu thương đang lan tỏa nơi đây.
Vun đắp nghĩa tình
Khác với vẻ rụt rè, khép nép của những lần gặp chị đang lênh đênh đánh lưới trên dòng Lam, lần gặp lại này, chị Trương Thị Nhật ở thôn Tiền Phong, xã Quang Vĩnh, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) tự tin, rạng ngời hẳn lên.
Chị Nhật phấn chấn khoe với chúng tôi về cuộc sống mới tại khu tái định cư sau khi khát vọng “lên bờ” từ bao đời nay trở thành hiện thực. “Năm nay tôi bước sang tuổi 43 và cũng có ngần ấy năm lênh đênh trên sông nước. Từ nhỏ theo bố mẹ đi đánh cá, sống ở trên thuyền. Lớn lên, lập gia đình, cuộc sống cũng quanh năm tất bật trên thuyền chài. Cả năm thành viên trong gia đình tá túc trên chiếc thuyền xi-măng rộng hơn 10 m2 nay đây, mai đó”, chị Nhật kể.
Theo chị Nhật, do lênh đênh cho nên việc đến trường, học hành của các con chị cũng bữa sớm, bữa muộn như con nước dòng Lam lên xuống thất thường. Vì vậy, ước vọng lên bờ, ổn định cuộc sống luôn thường trực trong tâm trí của các hộ dân vạn chài nơi đây.
Thế rồi, trang mới của cuộc đời mở ra với gia đình chị Trương Thị Nhật và 23 hộ dân vạn chài thôn Tiền Phong, xã Quang Vĩnh như một giấc mơ. Sau chuyến đi thị sát vùng ngập lụt vùng ngoài đê Lang Giang (huyện Đức Thọ) của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh vào mùa lũ năm 2021, ý tưởng xây dựng khu tái định cư để đưa các hộ dân vạn chài thôn Tiền Phong đã được đưa ra.
Theo chia sẻ của các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, phương án huy động nguồn lực xây dựng nhà ở kiên cố cho các hộ dân thôn Tiền Phong là bước cụ thể hóa nghị quyết về các mục tiêu, giải pháp phòng ngừa, ứng phó nhằm giảm thiệt hại do thiên tai gây ra được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh ban hành đầu tiên từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.
Không riêng gì các hộ dân vạn chài thôn Tiền Phong, thực hiện chủ trương xây dựng nhà tránh lũ, nhà ở kiên cố cho người có công, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, từ đầu năm 2021 đến nay, tỉnh đã huy động xã hội hóa được hàng nghìn tỷ đồng, xây dựng 58 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ và hơn 4.000 nhà ở kiên cố cho người có công, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh Nguyễn Trí Lạc
Chủ trương đúng, đi vào cuộc sống ngay tức thì đã phát huy hiệu quả như kỳ vọng. Thông qua phương thức huy động nguồn lực xã hội hóa, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã hỗ trợ hơn chín tỷ đồng xây dựng khu nhà ở kết hợp tránh trú bão lũ liền kề gồm 24 căn, với hệ thống hạ tầng kỹ thuật bảo đảm, quy mô thiết kế mỗi căn hai tầng, với tổng diện tích sàn xây dựng 113 m2, trong đó: tầng một diện tích 51 m2; tầng hai diện tích 62 m2.
Cùng với đó, một nhà văn hóa, sinh hoạt cộng đồng kết hợp tránh trú bão cho 90 hộ dân thôn Tiền Phong được gấp rút xây dựng và đưa vào sử dụng trong niềm hân hoan của người dân. “Có nơi ở mới khang trang, rộng rãi, con em chúng tôi được học hành, vui chơi với bạn bè cùng trang lứa. Tương lai của các cháu sẽ rộng mở hơn. Hiện nay, bên cạnh việc duy trì nghề đánh bắt cá truyền thống, chúng tôi đang nỗ lực chuyển đổi nghề, tìm công việc phù hợp ở trên bờ để sớm ổn định cuộc sống”, Trưởng thôn Tiền Phong, Nguyễn Trường Sinh cho biết thêm.
Theo Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh Nguyễn Trí Lạc, không riêng gì các hộ dân vạn chài thôn Tiền Phong, thực hiện chủ trương xây dựng nhà tránh lũ, nhà ở kiên cố cho người có công, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, từ đầu năm 2021 đến nay, tỉnh đã huy động xã hội hóa được hàng nghìn tỷ đồng, xây dựng 58 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ và hơn 4.000 nhà ở kiên cố cho người có công, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Theo kế hoạch, năm 2023, tỉnh sẽ xây dựng 757 nhà ở cho các hộ dân trên địa bàn. Cũng bằng nguồn lực xã hội hóa, Bộ Công an sẽ hỗ trợ tỉnh xây 1.000 ngôi nhà tặng các hộ nghèo trên địa bàn…
Tiếp tục lan tỏa tinh thần nhân ái, không để ai bị bỏ lại phía sau, bên cạnh việc tích cực huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho các gia đình có công, hộ nghèo, các cấp ủy đảng, chính quyền ở Hà Tĩnh còn đồng hành, hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đạt điểm cao vào đại học. Sau ba năm vận động, triển khai chủ trương đầy tính nhân văn, các tổ chức, cá nhân đã quyên góp gần 30 tỷ đồng hỗ trợ 220 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn học đại học với mức hỗ trợ bình quân từ 20-25 triệu đồng/năm.
Theo chia sẻ của đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh, song song với việc ban hành, thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo của địa phương thì chính sách khuyến học, khuyến tài là một trong những yếu tố quan trọng để phát huy tối đa tinh thần ham học trên đất học Hồng Lam, góp phần duy trì chất lượng giáo dục toàn diện, nhất là khẳng định được vị thế giáo dục mũi nhọn của Hà Tĩnh trên toàn quốc.
“Nghĩa tình của cấp ủy, chính quyền và người dân dành cho chúng em chính là động lực, sợi dây kết nối để tuổi trẻ phát huy cốt cách, tinh thần hiếu học, chịu khó, nghĩa tình của quê hương và nỗ lực học tập rèn luyện để có đóng góp xứng đáng cho quê hương, đất nước”, em Phạm Đình Việt, sinh viên Trường đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ.
Gia cố nền tảng phát triển
Vượt qua thời tiết nóng bức của mùa hè, không khí lao động, sản xuất tại các công trình, dự án ở Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) đang hối hả, sôi động. Khu liên hợp gang thép Formosa, cụm cảng nước sâu Sơn Dương-Vũng Áng đã và đang khẳng định được vị thế, vai trò hạt nhân của trung tâm động lực của tỉnh ở Vũng Áng.
Bên cạnh các công trình, dự án đã hoàn thành, đi vào sản xuất, các doanh nghiệp, nhà đầu tư khác ở Khu kinh tế Vũng Áng cũng đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2, với tổng mức đầu tư 2,2 tỷ USD, Nhà máy sản xuất pin VinES và Nhà máy sản xuất Pin Lithium, có tổng mức đầu tư hơn 10 nghìn tỷ đồng.
Theo thông tin từ Ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh, đến thời điểm hiện nay, Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2 đã hoàn thành được 50% khối lượng xây dựng; đối với hai nhà máy sản xuất pin, dự kiến Nhà máy pin VinES sẽ đi vào sản xuất trong quý III năm 2023, nhà máy còn lại đang khẩn trương hoàn thiện khâu lắp đặt thiết bị.
Theo chia sẻ của đại diện lãnh đạo Tập đoàn Vingroup (chủ đầu tư Nhà máy sản xuất pin VinES), sau 18 tháng thi công, nhà đầu tư đã hoàn thành toàn bộ khâu lắp ráp, đang tiến hành kiểm định, nghiệm thu để đưa vào sản xuất.
Sở dĩ dự án nhanh chóng được hoàn thành, ngoài quyết tâm, ưu tiên nguồn vốn đẩy nhanh tiến độ của doanh nghiệp, thì sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương là tiền đề, động lực giúp doanh nghiệp vững tin sớm đưa Nhà máy sản xuất pin VinES đi vào hoạt động. Trong quá trình đầu tư, xây dựng nhà máy, tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập một tổ công tác riêng để hỗ trợ nhà đầu tư xử lý các hồ sơ, thủ tục, giúp quá trình xây dựng nhà máy diễn ra nhanh hơn.
Hà Tĩnh là một trong 10 địa phương có vốn đầu tư FDI lớn nhất cả nước. Hiện tỉnh đang tập trung triển khai một số dự án hạ tầng công nghiệp, du lịch, dịch vụ, đô thị quy mô lớn, hiện đại như: Khu công nghiệp-đô thị tại Thạch Hà, Hồng Lĩnh, Khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng, các khu đô thị tại Nghi Xuân, khu đô thị Thiên Cầm.
Không riêng gì các dự án đang triển khai tại Khu kinh tế Vũng Áng, tất cả doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu đầu tư và đang triển khai các dự án trên địa bàn Hà Tĩnh đều nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tối đa của tỉnh. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Nguyễn Hồng Lĩnh, vừa qua, tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm tổ trưởng và ba Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm tổ phó của tổ công tác đặc biệt này.
Tổ công tác đặc biệt còn thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu các cơ chế, chính sách, quy hoạch, định hướng phát triển có liên quan và các giải pháp nhằm nắm bắt kịp thời cơ hội hợp tác đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới; đồng thời nắm bắt, hướng dẫn, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Số liệu thống kê từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh cho thấy, đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn đang có 7.500 doanh nghiệp, gần 1.500 dự án hoạt động, trong đó có 1.400 dự án trong nước, với tổng vốn đầu tư gần 137 nghìn tỷ đồng và 68 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư hơn 17 tỷ USD.
Hà Tĩnh là một trong 10 địa phương có vốn đầu tư FDI lớn nhất cả nước. Hiện tỉnh đang tập trung triển khai một số dự án hạ tầng công nghiệp, du lịch, dịch vụ, đô thị quy mô lớn, hiện đại như: Khu công nghiệp-đô thị tại Thạch Hà, Hồng Lĩnh, Khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng, các khu đô thị tại Nghi Xuân, khu đô thị Thiên Cầm.
Theo chia sẻ của các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, để có được kết quả đáng ghi nhận này, các thế hệ lãnh đạo tỉnh đã duy trì, tiếp nối được tinh thần đoàn kết, chung sức xây dựng quê hương, đồng thời mạnh dạn xây dựng, bổ sung đường hướng phát triển đúng đắn, phù hợp với thực tiễn phát triển từng thời kỳ, nhờ đó Hà Tĩnh không ngừng gia cố nền tảng, tạo động lực phát triển bền vững.