Nỗ lực triển khai gói tín dụng phát triển nhà ở xã hội, tích cực thu hồi tài sản cho Nhà nước ở các vụ án điểm

NDO - Chiều 5/8, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn. Tại họp báo, lãnh đạo các bộ, ngành đã trả lời nhiều câu hỏi của các nhà báo liên quan các vấn đề dư luận xã hội đang hết sức quan tâm.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi họp báo. (Ảnh: VGP)
Quang cảnh buổi họp báo. (Ảnh: VGP)

Thúc đẩy gói tín dụng phát triển nhà ở xã hội

Trả lời về việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng và thực hiện mục tiêu nhà ở xã hội, Thứ trưởng Xây dựng Bùi Xuân Dũng cho biết, đến ngày 31/7, cả nước có 619 dự án đã triển khai, quy mô 561.816 căn. Riêng 6 tháng đầu năm 2024 có 8 dự án đã hoàn thành với 3.136 căn; 5 dự án đã cấp phép, khởi công xây dựng, với 8.468 căn; 9 dự án đã có chủ trương đầu tư, với 8.795 căn.

Do đó, mục tiêu hoàn thành trong năm nay là 130.000 căn hộ; còn khoảng 100.000 căn hộ phải hoàn thành. Việc hoàn thành mục tiêu đều phụ thuộc vào các dự án đã khởi công, cũng như sự vào cuộc các cấp ngành địa phương.

Đối với việc triển khai gói nhà ở xã hội, Thứ trưởng cho biết, đến nay mới có 34/63 tỉnh có văn bản, công bố 78 dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi, với số tiền giải ngân là 1.344 tỷ đồng. Với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, hiện có 34/64 tỉnh công bố có đủ điều kiện 78 dự án, giải ngân 1.344 tỷ đồng.

Nỗ lực triển khai gói tín dụng phát triển nhà ở xã hội, tích cực thu hồi tài sản cho Nhà nước ở các vụ án điểm ảnh 1

Thứ trưởng Xây dựng Bùi Xuân Dũng. (Ảnh: VGP)

Ngoài ra, Bộ Xây dựng đã có văn bản hướng dẫn xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư. Theo đó đã cắt giảm điều kiện được vay vốn của chủ đầu tư (cắt giảm điều kiện đã được cấp phép xây dựng, chỉ còn điều kiện dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, đã lựa chọn chủ đầu tư và đã được giao đất).

Ngoài ra, Chính phủ đã có quyết nghị triển khai chương trình này, nêu rõ mức lãi suất cho vay nhà ở xã hội sẽ thấp hơn khoảng từ 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường trong từng thời kỳ.

Theo Thứ trưởng Bùi Xuân Dũng, hiện Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện hồ sơ dự thảo tờ trình, Nghị quyết điều chỉnh nội dung Chương trình 120.000 tỷ đồng theo hướng giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng mua từ 3-5%, đối với khách hàng là chủ đầu tư thì giữ nguyên mức hỗ trợ 1,5-2%) và Bộ Xây dựng cũng đã thống nhất với đề xuất trên.

"Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng nay Thủ tướng đã đồng thuận với ý kiến của Ngân hàng Nhà nước và điều chỉnh nội dung chương trình gói tín dụng này", ông Dũng thông tin.

Điều tra làm rõ, triệt để thu hồi tài sản Nhà nước qua các vụ án điểm

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết: Về vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Thái Dương và các đơn vị liên quan, đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 26 bị can, tách vụ án và kết luận điều tra đối với 1 bị can. Hiện đang điều tra đối với 25 bị can về 4 tội danh: Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; Buôn lậu; Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Về sai phạm của ông Nguyễn Linh Ngọc, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường (bị khởi tố ngày 22/7/2024 về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí"), ông Ngọc dù biết rõ Công ty CP Tập đoàn Thái Dương chưa đủ điều kiện để cấp phép nhưng vẫn đánh giá là đủ điều kiện và đề xuất, ký ban hành Giấy phép khai thác khoáng sản, giao nguồn tài nguyên đất hiếm cho Công ty CP Tập đoàn Thái Dương khai thác, dẫn đến Công ty Thái Dương đã khai thác trái phép, gây thất thoát khoáng sản của Nhà nước với trị giá ước tính hơn 600 tỷ đồng.

Nỗ lực triển khai gói tín dụng phát triển nhà ở xã hội, tích cực thu hồi tài sản cho Nhà nước ở các vụ án điểm ảnh 2
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an, Người phát ngôn Bộ Công an. (Ảnh: VGP)

Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng liên quan trong vụ án, áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản cho Nhà nước.

Về vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan, đến nay Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 17 bị can về các tội danh: Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Vừa qua, ngày 18/7/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Bà Loan có dấu hiệu thông đồng với Lê Y Linh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Retro Harvest Finance; Đặng Phước Dừa, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư thương mại Việt Tín và các cá nhân thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa ký kết các văn bản thỏa thuận, hợp tác đầu tư, chuyển nhượng vốn góp để thâu tóm 100% vốn góp tại khu đất từ Tập đoàn Cao su Việt Nam không qua đấu giá, trái với quy định của pháp luật để bán cho Công ty Cổ phần bất động sản Thịnh Vượng, gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng.

Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang củng cố tài liệu, chứng cứ đối với sai phạm của các bị can đã khởi tố, đồng thời, tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.

Sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ

Thông tin về tình hình phục hồi ngành công nghiệp, Thứ trưởng Công thương Phan Thị Thắng cho biết có nhiều điểm sáng đáng ghi nhận. Chỉ số quan trọng như PMI ngành sản xuất tăng mạnh, chỉ số công nghiệp cơ bản tăng trưởng trên diện rộng, có 60/63 địa phương tăng trưởng cao. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng cao, kéo giảm chỉ số tồn kho các ngành,…

"Từ các chỉ số này cho thấy ngành sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ so với năm 2023 và đà tăng trưởng phục hồi tích cực, đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế. Nhiều địa phương đóng vai trò cơ bản trong sản xuất, tiếp cận được thị trường trong nước, niềm tin của doanh nghiệp sản xuất được củng cố tích cực...", bà Thắng đánh giá.

Nguyên nhân đạt được kết quả trên theo Thứ trưởng Công thương là nhờ chính sách hỗ trợ tích cực của doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư công, thu hút FDI. Chính phủ và địa phương đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn nên nhiều ngành tăng trưởng tích cực.

Cùng đó là công tác đối ngoại về kinh tế, quan hệ với đối tác thương mại lớn như Hoa Kỳ và Trung Quốc đã giúp củng cố niềm tin của doanh nghiệp. Năng lực của doanh nghiệp cũng tăng lên, tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước gấp 2 lần doanh nghiệp FDI.

Nỗ lực triển khai gói tín dụng phát triển nhà ở xã hội, tích cực thu hồi tài sản cho Nhà nước ở các vụ án điểm ảnh 3
Thứ trưởng Công thương Phan Thị Thắng. (Ảnh: VGP)

Tuy vậy, các thách thức đặt ra trong thời gian tới đó là nội lực sản xuất trong nước còn yếu. Nhiều điểm nghẽn lớn chưa được cải thiện hiệu quả, như phụ thuộc sản xuất FDI, giá trị gia tăng còn thấp, chưa có sản phẩm có hàm lượng nội địa công nghệ cao.

Một số ngành sản xuất chủ lực giảm như điện thoại thông minh, ô-tô, ti vi; các ngành như giày dép, gỗ, dù phục hồi tích cực nhưng chưa về mức đỉnh… Tình hình diễn biến khu vực và thế giới diễn biến phức tạp khó lường, bà Thắng cho hay các giải pháp như chủ động triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Tháo gỡ khó khăn vướng mắc, các ngành chủ lực như dệt may, da giày, ô tô, thúc đẩy các ngành là động lực tăng trưởng mới. Xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp nền tảng, đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chương trình làm với địa phương và doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục tận dụng cơ hội từ dự án đầu tư công, tăng cường sử dụng hàng trong nước, tìm kiếm thị trường mới…