Kỳ vọng vào nhà ở xã hội

Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2024/NĐ-CP (ngày 26/7/2024) quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở 2023 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội (có hiệu lực từ ngày 1/8/2024) đã tạo “cú huých” mở rộng hành lang pháp lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho cả doanh nghiệp lẫn người dân khi tham gia phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
0:00 / 0:00
0:00
Dự án nhà ở xã hội Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh THẾ ANH)
Dự án nhà ở xã hội Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh THẾ ANH)

Giấc mơ “an cư, lạc nghiệp”

Anh Tiến Thành (38 tuổi, quê ở tỉnh Ninh Bình) vào Thành phố Hồ Chí Minh làm công nhân cho một công ty nước ngoài với mức lương 14 triệu đồng/tháng.

15 năm sinh sống ở thành phố mang tên Bác, anh Thành đã 30 lần chuyển chỗ ở, từ ở trọ giá rẻ đến thuê căn hộ chung cư. Sau mỗi lần chuyển trọ, anh Thành đau đáu ước muốn mua nhà để “an cư lạc nghiệp”.

Năm 2021, anh Thành đã tìm và đăng ký mua nhà ở xã hội tại huyện Bình Chánh, nhưng vì lương của anh cao trên mức quy định (dưới 11 triệu đồng/tháng) được mua nhà ở xã hội nên hồ sơ bị từ chối.

Theo anh Thành, mức lương ấy anh phải chi tiêu rất tằn tiện mới đủ sống nên không thể tích lũy để mua nhà ở thương mại. Nay Chính phủ quy định lại mức thu nhập để được mua nhà ở xã hội sẽ giúp cho nhiều người dân có cơ hội được tiếp cận nhà ở.

Tương tự, theo anh Nguyễn Trần Đăng Minh, nhân viên Công ty TNHH một thành viên dịch vụ công ích Quận 10, anh và nhiều người khác dù làm việc ở quận nội thành nhưng do chi phí nhà ở đắt đỏ nên phần lớn phải về vùng ven thuê nhà.

Hằng năm, công ty đều có bình xét các trường hợp khó khăn để được ưu tiên mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, bình xét xong rồi lại để đó vì anh không biết dự án nhà ở xã hội ở đâu, điều kiện mua như thế nào.

“Người lao động như chúng tôi chỉ nghe thông tin về nhà ở xã hội trên ti-vi, báo đài chứ thật sự không biết dự án ở đâu”.

Anh Minh đặt vấn đề, những người khó khăn được xét mua nhà có tổng thu nhập của hai vợ chồng mỗi tháng chỉ 15-16 triệu đồng, sau khi trừ chi tiêu, một gia đình dư 2-3 triệu đồng thì rất khó để tiếp cận được nhà ở.

Anh mong muốn, thành phố có nhiều dự án, có chính sách hỗ trợ lãi vay, thời gian vay kéo dài để lao động có cơ hội sở hữu được nhà.

Hiểu được nhu cầu nhà ở của người lao động, của người dân có thu nhập thấp nhưng nhiều năm qua, Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ “nỗ lực gỡ vướng”.

Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cái khó của nhà ở xã hội đến từ nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do ách tắc về pháp lý, thủ tục, lợi nhuận thấp cho nên các doanh nghiệp không mặn mà đầu tư.

Điểm vướng nữa là do quá trình bố trí, xét duyệt đối tượng mua, thuê nhà ở xã hội nhiêu khê, phức tạp. Đây chính là nguyên nhân từ năm 2021 đến quý I/2024, thành phố chỉ có ba dự án nhà ở xã hội hoàn tất xây dựng, sáu dự án đang xây dựng dở dang…

Biến kỳ vọng thành hiện thực

Nghị định số 100/2024 ra đời với nhiều quy định mới mang tính đột phá, nhất là việc nới điều kiện về thu nhập của một cá nhân lên 15 triệu đồng/tháng và 30 triệu đồng/tháng với hai vợ chồng sẽ được tiếp cận nhà ở xã hội.

Theo các chuyên gia, là quy định rất sát với thực tế mặt bằng thu nhập và chi tiêu của nhiều người có nhu cầu về nhà ở xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời, theo sát các chính sách nhà ở xã hội ở các quốc gia trên thế giới là tính tổng thu nhập của hộ gia đình thay vì chỉ tính riêng cá nhân.

Nói là đột phá bởi trong quy định cũ, điều kiện mua nhà ở xã hội là thu nhập cá nhân dưới 11 triệu đồng/tháng/người là rất khó triển khai bởi họ thuộc nhóm thu nhập thấp, không có nhu cầu mua nhà hoặc không đủ điều kiện để trả nợ vay, chưa kể là nguy cơ cho vay không đúng đối tượng khi trong gia đình, vợ/chồng có thu nhập dưới 11 triệu đồng/tháng nhưng người còn lại có thể thu nhập đến hàng trăm triệu đồng (kinh doanh tự do).

Đây cũng là điểm khó cho các ngân hàng khi xác định đối tượng cho vay. Với quy định mới, chỉ cần xác định tổng thu nhập chung (thông qua giấy tờ chứng minh sao kê ngân hàng của hai vợ chồng), thì sẽ có thể cân nhắc được giải ngân với dự án phù hợp.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, Nghị định số 100/2024 đã cải cách thủ tục hành chính trong mua, thuê mua và thuê nhà ở xã hội, cũng như đơn giản các thủ tục trong xác định điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ nhằm rút ngắn thời gian xét duyệt, giảm khối lượng công việc của người dân, doanh nghiệp cũng như các cơ quan công quyền có liên quan.

Từ nay, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ đất của dự án mà không phải thực hiện các thủ tục liên quan đến xác định giá đất hay thủ tục xin miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư dự án. Ngoài ra, Nghị định số 100/2024 cũng đã phần nào bảo đảm cho người thu nhập thấp được tiếp cận nhà ở xã hội, bảo đảm chính sách an sinh xã hội của đất nước.

Ông Châu cho rằng, để thực hiện được chủ trương xây dựng một triệu căn nhà ở xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh cần tiếp tục xây dựng những cơ chế, chính sách đặc thù cụ thể hơn, trong đó tập trung tạo thuận lợi cho chủ đầu tư là doanh nghiệp về giải quyết thủ tục, chính sách ưu đãi, hỗ trợ vốn kích cầu, kèm theo những điều kiện, tiêu chuẩn thông thoáng hơn.

Luật Nhà ở 2023, Nghị định số 100/2024 đã bổ sung và quy định các nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội như: thân nhân liệt sĩ; người thu nhập thấp tại khu vực đô thị; công chức, viên chức quốc phòng; công nhân, lao động, hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị…

Ngoài ra, Nghị định số 100/2024 không còn yêu cầu điều kiện cư trú, chỉ nêu một số điều kiện về nhà ở và thu nhập.

Đơn cử, người thu nhập thấp tại khu vực đô thị không có hợp đồng lao động, nếu là người độc thân thì thu nhập hằng tháng thực nhận không quá 15 triệu đồng, nếu đã kết hôn theo quy định của pháp luật thì người đứng đơn và vợ (chồng) của người đó có tổng thu nhập hằng tháng thực nhận không quá 30 triệu đồng thì được hỗ trợ về nhà ở xã hội.