Ngày 4/4/2023, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum, Ban Chỉ huy quân sự thành phố Kon Tum triển khai tìm kiếm 14 hài cốt liệt sĩ thuộc Trung đoàn 28, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3, hy sinh năm 1972 trong chiến dịch Bắc Tây Nguyên, được an táng tại tọa độ 23-90-09 UTM 1/50.000 Kon Tum. Công việc tìm kiếm gặp nhiều khó khăn do các ngôi mộ đã bị di chuyển khỏi vị trí an táng ban đầu thuộc phường Duy Tân, thành phố Kon Tum.
Trước đó, năm 2005, trong khi đào đất xây dựng công trình, người dân đã phát hiện 14 bộ hài cốt được an táng thành hàng trong khu đất. Chủ sử dụng khu đất đã thuê người cất bốc các hài cốt lén lút đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Kon Tum, không báo cáo sự việc với chính quyền và cơ quan quân sự địa phương.
Tháng 11/2021, chị Nguyễn Thị Minh Hòa, ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội đăng thông tin tìm mộ bác là liệt sĩ Nguyễn Đình Sơn trên trang Facebook: Tìm mộ các anh hùng liệt sĩ.
Khi đó, chị Hòa không có thông tin, giấy tờ gì của liệt sĩ Nguyễn Đình Sơn ngoài Huân chương Chiến sĩ giải phóng, ghi: “Liệt sĩ Nguyễn Đình Sơn, xã Nhân Chính, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội đã có thành tích chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong chống Mỹ, cứu nước”. Anh Lê An Thành ở Lâm Đồng là một tình nguyện viên đã giúp chị Hòa tìm kiếm những thông tin về đơn vị, ngày hy sinh, nơi hy sinh và an táng ban đầu của liệt sĩ.
Theo thông tin tìm được, liệt sĩ Nguyễn Đình Sơn sinh năm 1950, đơn vị chiến đấu: D3 E28 QĐ3 (Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 28, Quân đoàn 3), hy sinh ngày 1/6/1972, an táng tại tọa độ 23-90-09 UTM 1/50.000 Kon Tum.
Sau đó, chị Hòa đăng những thông tin này trên fanpage: Tìm kiếm thông tin liệt sĩ mặt trận B3.
Kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng đã giúp chị Hòa xác định tọa độ vị trí chôn cất liệt sĩ Nguyễn Đình Sơn dựa trên bản đồ năm 1972 và bản đồ Kon Tum hiện tại. Anh Thắng cũng tìm được bản danh sách 16 liệt sĩ E28, F10, QĐ3 do Cục Chính sách-Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) tích hợp vào phần mềm để tra cứu phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
Tìm hiểu những thông tin sử liệu, kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng cho biết, trong trận đánh này có 16 liệt sĩ hy sinh, trong đó, hai liệt sĩ không tìm thấy thi thể do bị pháo kích, 14 liệt sĩ được đồng đội an táng tại tọa độ ZA(23-90)(09) Kon Tum.
Cũng từ trang Facebook Tìm kiếm thông tin liệt sĩ mặt trận B3, chị Hòa kết nối được với cựu chiến binh Lã Mạnh Tùng, nguyên cán bộ Tiểu đoàn đặc công 20 tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên và nhiều năm qua tình nguyện đi tìm hài cốt đồng đội.
“Cuối năm 2021, tôi cùng các tình nguyện viên đến tọa độ 23-90-09 UTM 1/50.000 khảo sát và làm việc với Ban Chính sách Quân đoàn 3, Bộ Chỉ huy quân sự Kon Tum, đề nghị khảo sát, xác minh tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ E28”, cựu chiến binh Lã Mạnh Tùng nói.
Sau khi tiếp nhận đơn đề nghị của chị Nguyễn Thị Minh Hòa, ngày 4/4/2023, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum, Ban Chỉ huy quân sự thành phố Kon Tum đã khảo sát tìm kiếm 14 hài cốt liệt sĩ E28. Đại tá Trịnh Ngọc Trọng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo.
Cùng tham gia công việc tìm kiếm hài cốt đồng đội, cựu chiến binh Lã Mạnh Tùng cho biết: Sau hai ngày dùng máy xúc và sức người đào bới hàng trăm khối đất đá tại tọa độ 23-90-09 UTM 1/50.000, nay thuộc số 366, đường Sư Vạn Hạnh, phường Duy Tân, thành phố Kon Tum, lực lượng chức năng không tìm thấy hài cốt, đồng thời nhận được nguồn tin từ người dân cho biết các ngôi mộ đã được di chuyển về Nghĩa trang nhân dân thành phố Kon Tum.
Đội quy tập đã đến nghĩa trang nhân dân thành phố khảo sát, dùng máy thăm dò xác định mộ liệt sĩ.
Đến ngày 9/4, lực lượng chức năng đã khai quật và xác định được 8 hài cốt liệt sĩ cùng các di vật là: bao nilon bộ đội, dép cao-su, tăng, võng, dây dù, vải, dây thắt lưng, dụng cụ y tế, lọ đựng thuốc. Điều này cũng phù hợp thông tin trong bản danh sách 16 liệt sĩ E28 có liệt sĩ Lê Văn Thương, sinh năm 1943, quê quán: Quảng Tiến, Quảng Xương, Thanh Hóa là y tá, cấp bậc Trung sĩ.
Trao đổi với phóng viên, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 28, Sư đoàn 10 cho biết, các liệt sĩ hy sinh vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6/1972 khi tấn công vào biệt khu 24 nhằm tiêu diệt tiểu đoàn biệt kích của địch. “Hơn 50 năm rồi mới tìm được các đồng đội của tôi. Và vẫn còn rất nhiều đồng đội của tôi chưa được tìm thấy”, ông xúc động nói.
Hiện công việc tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ vẫn đang rất khẩn trương. Đại tá Trịnh Ngọc Trọng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum cho biết: “Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ngành có liên quan thực hiện thông báo cho đơn vị và thân nhân, gia đình liệt sĩ để lấy mẫu phẩm xét nghiệm ADN, khớp nối thông tin, xác định danh tính các hài cốt liệt sĩ”.
Theo kế hoạch, sáng 14/4/2023, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Kon Tum tổ chức lễ viếng, truy điệu và an táng 14 hài cốt liệt sĩ E28 hy sinh năm 1972.
Thân nhân các liệt sĩ cần sớm liên hệ với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum, Quân đoàn 3, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum, Cục Người có công (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) để được hướng dẫn làm hồ sơ và lấy mẫu sinh phẩm của thân nhân, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.
Hồ sơ gồm có: Đơn đề nghị có xác nhận của địa phương; giấy báo tử của liệt sĩ; Bằng Tổ quốc ghi công. Người lấy mẫu sinh phẩm thuộc một trong các trường hợp có quan hệ với liệt sĩ như sau: Mẹ liệt sĩ; anh, chị, em cùng mẹ với liệt sĩ; anh, chị, em cùng mẹ của mẹ đẻ liệt sĩ; anh, chị, em, con của chị gái, em gái mẹ đẻ liệt sĩ; con của chị gái, em gái liệt sĩ.
(Cục Người có công, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội)