Nỗ lực thực hiện tốt hơn Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ trong phát triển đô thị bền vững

NDO - Phối hợp chặt chẽ, nỗ lực thực hiện hiệu quả, tốt hơn Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ trong phát triển đô thị bền vững. Đây là yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị đô thị toàn quốc năm 2022 phổ biến Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được tổ chức sáng 30/11 tại Trụ sở Chính phủ.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Các đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Thanh Nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Xây dựng đồng chủ trì hội nghị. Cùng dự có các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức quốc tế. Hội nghị do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Bộ Xây dựng tổ chức, được truyền trực tuyến tới điểm cầu trụ sở UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Nỗ lực thực hiện tốt hơn Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ trong phát triển đô thị bền vững ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị.

Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta đang triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương, các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của nhiệm kỳ này.

Thủ tướng bày tỏ cảm ơn các đại biểu, đối tác quốc tế có mặt tham dự hội nghị này; nêu rõ, sau khi Nghị quyết 06 được ban hành, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng xây dựng Chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Quá trình tổ chức thực hiện đặt ra vấn đề quan trọng là chúng ta cần phối hợp chặt chẽ, xây dựng chương trình, kế hoạch cho từng cấp, từng ngành để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, giải quyết các vấn đề, điểm nghẽn về đô thị; phát triển tầm nhìn đô thị cho đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phục vụ mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân được ấm no, hạnh phúc.

Thủ tướng cảm ơn Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng đã tổ chức nhiều diễn đàn, hội thảo để có được các tài liệu cần thiết. Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022 được tổ chức trong tháng chào mừng Ngày đô thị Việt Nam 8/11, cũng là Ngày Đô thị hóa Thế giới - mang nhiều ý nghĩa quan trọng.

Nỗ lực thực hiện tốt hơn Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ trong phát triển đô thị bền vững ảnh 2

Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tiếp tại điểm cầu Hà Nội và trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Thủ tướng nêu rõ, mục tiêu của Hội nghị Đô thị toàn quốc 2022 nhằm tiếp tục quán triệt sâu rộng những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm và tinh thần quan trọng của Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị và phổ biến Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 06 nêu trên; tổ chức trong tháng chào mừng Ngày Đô thị Việt Nam (ngày 8/11), Hội nghị nhắm đến mục tiêu nâng cao nhận thức sâu sắc về vị trí, tầm quan trọng của Nghị quyết cũng như Chương trình hành động; vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện Nghị quyết hiệu quả, thực chất.

Thủ tướng yêu cầu các đại biểu phát biểu ngắn gọn, đi thẳng vào nội dung chính, quán triệt sâu sắc để tìm ra giải pháp thực hiện tốt Chương trình hành động, nhất là trong bối cảnh đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển đô thị gắn với phát triển kinh tế; điều này đặt ra vấn đề quy hoạch tốt, xây dựng tốt, quản lý tốt đô thị, tầm vóc đô thị phát triển như thế nào theo hướng xanh, bền vững, bao trùm, trên cơ sở đó chúng ta mới đề ra nhiệm vụ, giải pháp để các cấp các ngành, địa phương đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm, triển khai thực hiện Nghị quyết tốt hơn.

Nỗ lực thực hiện tốt hơn Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ trong phát triển đô thị bền vững ảnh 3

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh nêu rõ, Ban Kinh tế Trung ương thấy rằng, Chương trình hành động 148 được xây dựng với cách tiếp cận cụ thể, sáng tạo nhằm tạo thuận lợi cho công tác tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết Nghị quyết 06. Chương trình hành động khi được triển khai đồng bộ sẽ kịp thời thể chế hóa những chủ trương của Đảng nêu trong Nghị quyết 06.

Đồng chí cho rằng, cùng với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và triển khai thực hiện quyết liệt của các ban, bộ, ngành và địa phương… chúng ta sẽ thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động 148 của Chính phủ.

Chương trình hành động 148 của Chính phủ đã cụ thể hóa các chủ trương lớn của Đảng về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như được nêu trong Nghị quyết 06. Để có thể triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động 148 của Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương đề nghị cần chú trọng đến một số nội dung trọng tâm gắn với những nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể sau:

Một là, cần xác định rõ khâu quyết định và tạo nên sự đột phá, thúc đẩy đô thị hóa và phát triển đô thị hiệu quả, bền vững trước hết là công tác quy hoạch đô thị; cần nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và tổ chức quản lý có hiệu quả công tác quy hoạch trong quá trình phát triển đô thị.

Hai là, về kết cấu hạ tầng đô thị, Nghị quyết 06 xác định mục tiêu tổng quát là “kết cấu hạ tầng của đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại”. Xây dựng và quản lý hạ tầng đô thị bền vững, hiệu quả là yêu cầu cấp thiết, đồng thời cũng là nhiệm vụ phức tạp, hết sức khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh nguồn lực đất nước còn hạn chế. Việc đầu tư phát triển hạ tầng cần có trọng tâm, trọng điểm gắn với hiệu quả khai thác, sử dụng…

Ba là, bên cạnh việc phát triển từng đô thị, phải chú trọng đến phát triển hệ thống đô thị bền vững và đồng bộ về mạng lưới để nâng cao hiệu quả chung của các đô thị.

Bốn là, cần quan tâm hoàn thiện chính quyền đô thị song song với nâng cao hiệu quả quản lý đô thị và phát huy và khai thác tốt các nguồn lực từ chính đô thị và nguồn lực từ xã hội cho phát triển đô thị, chú trọng phát triển kinh tế đô thị trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội.

Nỗ lực thực hiện tốt hơn Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ trong phát triển đô thị bền vững ảnh 4

Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại hội nghị.

Theo Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Chương trình hành động của Chính phủ đã cụ thể hóa bằng 5 nhiệm vụ chủ yếu và 33 nhiệm vụ cụ thể gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện theo lộ trình cụ thể nhằm đạt được các mục tiêu của Nghị quyết 06. Cụ thể các nhiệm vụ chủ yếu là: Thống nhất nhận thức, hành động về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam. Nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững. Đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng các nhiệm vụ, đề án chuyên ngành. Xây dựng các cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật.

Nỗ lực thực hiện tốt hơn Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ trong phát triển đô thị bền vững ảnh 5

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Chương trình hành động của Chính phủ cũng đã đề ra 33 nhiệm vụ cụ thể theo 5 nhóm nhiệm vụ chủ yếu nêu trên, trong đó có 19 nhiệm vụ về xây dựng cơ chế, chính sách, đề án, văn bản quy phạm pháp luật do các bộ ngành và địa phương triển khai thực hiện và 14 nhiệm vụ về đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng biến đổi khí hậu. Đây là căn cứ để các bộ, cơ quan ngang bộ và các địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của từng bộ, cơ quan và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, phấn đấu đạt được cao nhất các mục tiêu đã đề ra.

Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 06/NQ/TW của Bộ Chính trị nhằm thống nhất và tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động của Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương đối với công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị hướng tới mục tiêu phát triển bền vững; phát huy vai trò kiến tạo, điều phối của Chính phủ theo nguyên tắc phân công, phân nhiệm rõ ràng, tập trung, dân chủ.

Quan điểm chỉ đạo và nội dung Nghị quyết 06/NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 148/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 06 đã đưa ra các định hướng mới mang tính chiến lược cho công tác quản lý và phát triển đô thị với các nhiệm vụ và giải pháp hết sức bao quát, toàn diện nhưng cũng rất cụ thể nhằm quản lý và phát triển đô thị Việt Nam bền vững trong những năm tới. Chúng ta tin tưởng rằng, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và với quyết tâm triển khai thực hiện của các bộ, ngành Trung ương, các chính quyền địa phương, đô thị Việt Nam sẽ có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đáp ứng yêu cầu bền vững trong giai đoạn tới, xứng đáng với vai trò, vị trí quan trọng của đô thị.

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ một số nội dung, theo đó về vị trí, vai trò, tiềm năng, thế mạnh của đô thị: phát triển đô thị là động lực của nền kinh tế, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả. Đô thị có vai trò quan trọng trong tổ chức không gian phát triển, bố trí nơi ở, sinh hoạt cho người dân; là nơi quy tụ các trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa, xã hội, là nơi cung cấp hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng thiết yếu và nguồn lực bao gồm cả nguồn lực tài chính cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao cho các hoạt động gắn với đời sống kinh tế-xã hội và phát triển con người.

Về chủ trương, chính sách về phát triển đô thị, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển đô thị. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao và coi việc “lấy các đô thị làm động lực phát triển vùng” là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030.

Vừa qua, để cụ thể hóa chỉ đạo của Đại hội XIII, Bộ Chính trị lần đầu tiên đã ban hành riêng một Nghị quyết để chỉ đạo cụ thể về quy hoạch, xây dựng và quản lý phát triển bền vững đô thị. Như vậy, từ chủ trương của Đảng tới việc thể chế hóa bằng các cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bố trí nguồn lực, tổ chức thực hiện quy hoạch, xây dựng và quản lý phát triển đô thị đã có một quá trình, liên tục và thống nhất. Vấn đề đặt ra hiện nay là việc tổ chức thực hiện hiệu quả. Ngay sau đó, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị với nhiều mục tiêu, quan điểm tiêu chí cụ thể và 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Thủ tướng nhấn mạnh một số điểm sau:

Về một số kết quả nổi bật: sau 35 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm vừa qua, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị ở nước ta đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Đô thị hóa và phát triển đô thị trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Đến cuối năm 2020, hệ thống đô thị nước ta đã có 862 đô thị các loại, phân bổ tương đối đồng đều trong cả nước; tỷ lệ đô thị hóa xác định theo địa bàn có chức năng đô thị đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên 41% tháng 6/2022. Không gian đô thị được mở rộng; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả hơn; chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được nâng cao cả về tinh thần và vật chất; diện mạo kiến trúc, công trình của đô thị đã có nhiều thay đổi theo hướng hiện đại, có bản sắc.

Hệ thống đô thị quốc gia đã phát triển mạnh cả về số lượng cũng như chất lượng, ngày càng khẳng định trở thành động lực phát triển kinh tế-xã hội của cả nước và của mỗi vùng. Bước đầu đã hình thành cực tăng trưởng kinh tế và trung tâm đổi mới sáng tạo; khoa học, công nghệ; giáo dục, đào tạo tại các đô thị lớn. Tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị đạt trung bình từ 12-15%, cao gấp 1,5-2 lần so với mặt bằng chung cả nước. Các đô thị đã đóng góp một phần quan trọng trong giải quyết việc làm, tăng phúc lợi xã hội, tạo đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển khoa học công nghệ. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng ở mức cao, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước.

Bên cạnh đó, chúng ta phải nhìn nhận còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức: đô thị Việt Nam cũng còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc tồn tại, những thách thức cần phải giải quyết để đô thị phát triển nhanh và bền vững, thực sự trở thành nơi đáng sống.

Về quan điểm, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng nêu rõ, Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị đã đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo về quy hoạch, xây dựng và quản lý phát triển bền vững đô thị Việt Nam. Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW đã đề ra 15 nhóm chỉ tiêu cụ thể như: tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%; số lượng đô thị toàn quốc đến năm 2025 khoảng 950-1.000 đô thị, đến năm 2030 khoảng 1.000-1.200 đô thị; đến năm 2025, bảo đảm tối thiểu 100% đô thị loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hóa cấp đô thị; tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt khoảng 11-16% vào năm 2025, 16-26% vào năm 2030; diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt khoảng 6-8m2 vào năm 2025, khoảng 8-10m2 vào năm 2030.

Để hiện thực hóa những mục tiêu trên, chúng ta cần có tư duy, cách tiếp cận mới, tổng thể, do đó Thủ tướng đề nghị lưu ý một số quan điểm chỉ đạo sau:

Về quan điểm chỉ đạo chung, Thủ tướng yêu cầu bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, đưa ra nhiệm vụ khả thi, triển khai quyết liệt, ưu tiên trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, tránh tình trạng dàn trải. Quy hoạch phải đi trước một bước, có tư duy và tầm nhìn chiến lược, khai thác được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, phát triển theo thế mạnh thì mới phát triển nhanh và bền vững. Phát hiện những thách thức, mâu thuẫn để hoá giải những vấn đề này, do đó phải đặt quy hoạch ngang tầm, đầu tư thích đáng cho công tác quy hoạch. Quy hoạch phải tổng thể nhưng thực hiện có thể phân kỳ; phải tôn trọng quy hoạch thì sau một thời gian sẽ có một thành phố, đô thị phát triển đi vào trật tự, quy củ. Đa dạng hoá các nguồn lực, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài, nguồn lực của Nhà nước và nhân dân, đẩy mạnh hợp tác công tư; phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực, cá thể hoá trách nhiệm, nâng cao năng lực thực thi của các cấp; tăng cường giám sát, kiểm tra; tăng cường công tác tổng kết, đánh giá; cái nào tốt thì phát huy, cái nào chưa được thì phải rút kinh nghiệm để khắc phục.

Về các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng nhấn mạnh: nhóm nhiệm vụ về nâng cao, thống nhất nhận thức về đặc thù của đô thị, vai trò, vị thế của đô thị trong sự phát triển chung. Nhận thức đúng thì phải có tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận đúng. Phát triển đô thị có ba nội hàm chính là công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý.

Nhóm nhiệm vụ nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị; phải nâng cao chất lượng tư vấn quy hoạch; thẩm định, phê duyệt quy hoạch. Điều này đòi hỏi phải nâng cao năng lực ở các khâu. Quy hoạch là công cụ nền tảng để định hướng phát triển đô thị và quản lý phát triển sau này, vì vậy các đô thị cần đảm bảo có thể kiểm soát sử dụng hiệu quả công cụ này thông qua kế hoạch, chương trình phủ kín quy hoạch chung, quy hoạch phân khu theo yêu cầu đề ra. Quy hoạch phải có tầm nhìn xa, nhưng phải sát với tiềm năng, lợi thế của từng vùng và chỉ ra mọi hạn chế để có hướng khắc phục.

Nhóm nhiệm vụ về đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại. Muốn làm được phải có nguồn lực, phải kết hợp nội lực với ngoại lực; kết hợp nguồn lực của xã hội, tư nhân, các nhà đầu tư, hợp tác công tư. Điều này đòi hỏi phải vận dụng tối đa khuôn khổ pháp luật, dám nghĩ dám làm; làm có trọng tâm, trọng điểm trong khi nguồn lực có hạn. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung phát triển hạ tầng chiến lược đúng như 3 đột phá chiến lược mà Đại hội Đảng đã xác định, tiếp tục hoàn thiện chính quyền đô thị.

Nhóm thực hiện song song các nhiệm vụ, đề án theo chuyên ngành riêng. Các địa phương, cơ quan, đơn vị, địa phương, vùng miền phải phối hợp chặt chẽ với nhau trong phát triển đô thị, phải huy động sức mạnh tổng lực của cả hệ thống chính trị. Phải rà soát các nhiệm vụ liên quan, ưu tiên thực hiện nhiệm vụ, tạo sự cộng hưởng, thực hiện nhiệm vụ chung, vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

Nhóm nhiệm vụ về xây dựng thể chế, cơ chế chính sách, văn bản pháp luật: phải rà soát lại thể chế, cơ chế, chính sách; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần; từng bước hoàn thiện, làm đến đâu chắc đến đó.

Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của việc đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sớm hoàn thiện các Luật Đất đai, Luật Điều chỉnh về quản lý phát triển đô thị, một số nghị định đang vướng mắc… Thực tiễn đang diễn ra nhanh hơn, do đó chúng ta phải bám sát tình hình, thực tiễn ở mỗi cơ quan, địa phương để có điều chỉnh kịp thời, hiệu quả. Công tác quy hoạch phải bền vững, bao trùm, có tư duy chiến lược, giải quyết tắc nghẽn giao thông, quá tải về nhà ở, ô nhiễm môi trường trong đô thị, rác thải, ngập lụt, thiếu hạ tầng văn hóa, xã hội, y tế, phát triển thể chất, cây xanh.