Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết, Ban Cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng, ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, trong đó phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp trong tham mưu chỉ đạo, tổ chức thực hiện; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra.
Nhờ vậy, các nhiệm vụ về xây dựng và hoàn thiện thể chế cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu từ công tác đầu tư xây dựng đến quản lý, vận hành khai thác.
Nhiều mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng của ngành đã hoàn thành như: triển khai các công trình, dự án quan trọng, động lực để bước đầu hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, cơ bản hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 vào năm 2025, đẩy mạnh triển khai các tuyến đường bộ cao tốc trục ngang, đường bộ cao tốc kết nối liên vùng, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, mở rộng nhà ga T2 Nội Bài, Cảng hàng không Điện Biên, Phú Bài...
Diện mạo hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông có chuyển biến tích cực, tạo lập kết nối giữa các vùng miền trong cả nước và với quốc tế, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế…
Tuy nhiên, việc cân đối, huy động nguồn lực và triển khai thực hiện đầu tư còn chậm. Mặc dù đã có các chương trình hành động, kế hoạch về phát triển “giao thông xanh”, nhưng quá trình chuyển đổi sang giao thông xanh vẫn còn những rào cản nhất định.
Các đại biểu dự buổi làm việc. |
Trong giai đoạn tới, để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, đặc biệt là nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, Ban Cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải xác định tập trung nghiên cứu, hoàn thiện mô hình quản lý của các doanh nghiệp phát triển kết cấu hạ tầng (như Tổng công ty Đường sắt, Tổng công ty Cảng hàng không, Tổng công ty đường cao tốc) cũng như quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ đối với các doanh nghiệp để phân công và tổ chức thực hiện hợp lý.
Nghiên cứu cơ chế chính sách để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận và áp dụng công nghệ, phương tiện kỹ thuật mới; tạo mọi điều kiện để hình thành các doanh nghiệp công nghiệp giao thông vận tải có đủ khả năng sản xuất các phương tiện giao thông; khuyến khích mở rộng liên doanh, liên kết trong và ngoài nước để huy động vốn, chuyển giao công nghệ, trao đổi kinh nghiệm trong quản lý, điều hành và thực hiện lộ trình nội địa hóa. Phát triển doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển như chế tạo vật tư, phụ tùng đầu máy, toa xe...
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao những thành tựu to lớn của ngành giao thông vận tải qua gần 40 năm đổi mới, trong đó có những kết quả nổi bật, nhất là về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông qua hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược 10 năm phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 và gần 4 năm thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ Bộ Giao thông vận tải lần thứ XIX.
Toàn ngành giao thông vận tải đã có những nỗ lực vượt bậc, nhiều sáng kiến đột phá, cách làm năng động, vượt khó, thực hiện tốt nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình rất khó khăn do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, môi trường quốc tế phức tạp, tăng trưởng kinh tế suy giảm và thiên tai, thời tiết khắc nghiệt.
Đồng chí nhấn mạnh, hạ tầng giao thông đi trước một bước là chiến lược phát triển đúng đắn của Đảng và Nhà nước; có tác động hết sức tích cực đối với phát triển kinh tế-xã hội trong công cuộc xoá đói giảm nghèo, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, miền núi, hải đảo; góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và thúc đẩy mọi lĩnh vực của nền kinh tế phát triển; tăng cường hội nhập quốc tế và bảo đảm an ninh quốc phòng.
Vì vậy, toàn ngành giao thông vận tải tiếp tục nỗ lực để hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra; tập trung khắc phục những hạn chế, khó khăn, nhất là tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế, cơ chế, chính sách liên quan đến các vấn đề như: huy động nguồn lực của trung ương, địa phương và nguồn lực ngoài ngân sách, giải phóng mặt bằng, vật liệu cho làm đường cao tốc, phát triển thị trường vận tải, nhất là các loại hình vận tải mới và giải quyết vấn đề giao thông ở các đô thị lớn, v.v.
Đoàn công tác ghi nhận, tổng hợp những kiến nghị của ngành giao thông vận tải để báo cáo Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.