Nỗ lực phục hồi của xứ Kim chi

Đảng Quyền lực quốc dân (PPP) cầm quyền và đảng Dân chủ (DP) đối lập của Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận về dự thảo ngân sách năm tới sau nhiều tuần bế tắc. Động thái này mở đường cho Chính phủ Hàn Quốc xúc tiến các bước nhằm thực thi kế hoạch chính sách kinh tế năm 2023, trong đó chú trọng vào việc hạ nhiệt lạm phát và phục hồi xuất khẩu, trong bối cảnh xứ Kim chi tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn và các yếu tố bất ổn từ bên ngoài.
0:00 / 0:00
0:00
Đường phố Hàn Quốc. Ảnh: REUTERS
Đường phố Hàn Quốc. Ảnh: REUTERS

Kể từ khi bỏ lỡ hạn chót về thông qua dự thảo ngân sách trị giá 639.000 tỷ won (500 tỷ USD) vào ngày 2/12 vừa qua, PPP và DP đã rất khó khăn trong việc thu hẹp bất đồng về các vấn đề then chốt, bao gồm mức giảm thuế doanh nghiệp. Theo thỏa thuận, các đảng đã quyết định giảm thuế doanh nghiệp ở mức 1 điểm phần trăm trong mỗi khung thuế, theo đó mức thuế cao nhất hiện nay là 25% sẽ được giảm còn 24%.

Ban đầu, chính phủ và đảng PPP đã kêu gọi giảm 3 điểm phần trăm, cho rằng thuế doanh nghiệp cao đã ảnh hưởng tiêu cực đến đầu tư của các công ty lớn, song DP phản đối với lý do mức giảm này chỉ giúp ích cho giới siêu giàu. Thỏa thuận đạt được một ngày sau khi Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin Pyo (Kim Chin Piêu) ra tối hậu thư về thông qua ngân sách.

Trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi các yếu tố bất ổn bên ngoài và xu hướng tiêu dùng nội địa chậm lại, Chính phủ Hàn Quốc đặt ra hai mục tiêu chính sách lớn trong năm tới là vượt khủng hoảng và phục hồi kinh tế. Để đạt được các mục tiêu này, chính phủ cho rằng sẽ phải tập trung giải quyết các yếu tố kinh tế vĩ mô, trong đó có lạm phát, thúc đẩy xuất khẩu và cải cách cấu trúc nền kinh tế.

Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc đang lên kế hoạch ưu tiên bình ổn giá và triển khai một loạt chính sách linh hoạt bằng cách xem xét toàn diện các rủi ro và tình hình kinh tế vĩ mô. Trong báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế năm 2023, bộ này nêu rõ, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á được dự báo tăng trưởng 1,6% trong năm tới, giảm mạnh so mức dự báo tăng trưởng 2,5% của năm nay.

Lạm phát hiện là một trong những rào cản lớn đối với nền kinh tế Hàn Quốc. Dự báo, lạm phát của nước này năm nay vào khoảng 5,1% và năm 2023 có thể giảm nhẹ xuống mức 3,5%. Theo Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK), lạm phát tại nước này hiện có thể ở mức 5%.

Tuy nhiên, giá cả sẽ tăng chậm lại với tốc độ ổn định nhờ việc bình ổn giá dầu thô cũng như tác động của suy giảm kinh tế trong nước và nước ngoài. Để kiềm chế lạm phát, BoK đã tăng lãi suất tổng cộng 2,75 điểm phần trăm kể từ tháng 8 năm ngoái.

Đến tháng 11 vừa qua, lãi suất đã chạm mốc 3,25%. Ngân hàng này dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm tới, song dự báo có thể chỉ tăng tới mức đỉnh điểm 3,5%. Chính phủ Hàn Quốc cam kết sẽ triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm giá các mặt hàng cho tới khi việc thắt chặt tiền tệ phát huy hiệu quả.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc có kế hoạch tiếp tục cắt giảm thuế tiêu thụ nhiên liệu cho đến đầu năm 2023, trong bối cảnh chính sách cắt giảm hiện tại sẽ hết hạn vào cuối tháng này.

Theo đó, chính phủ dự định cắt giảm 25% thuế đối với tiêu thụ xăng trong bốn tháng đầu năm 2023 và duy trì mức cắt giảm thuế 15% hiện tại đối với các nguồn tài nguyên được sử dụng để sản xuất điện trong sáu tháng. Hàn Quốc cũng sẽ triển khai hạn ngạch thuế quan đối với các nông sản chủ chốt, trong đó có hành, thịt lợn, thịt gà, nhằm bình ổn giá thị trường.

Để thực hiện mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu, Chính phủ Hàn Quốc cho biết sẽ tăng tài trợ thương mại cho các nhà xuất khẩu nội địa từ mức 351.000 tỷ won (273 tỷ USD) hiện nay lên mức kỷ lục 360.000 tỷ won (276 tỷ USD). Bên cạnh đó, chính phủ sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước giành được các dự án cơ sở hạ tầng ở nước ngoài với mức hỗ trợ 50 tỷ USD mỗi năm để trở thành nhà xây dựng lớn thứ 4 thế giới vào năm 2027. Cùng với việc giải quyết lạm phát và thúc đẩy xuất khẩu, Chính phủ Hàn Quốc cũng cam kết triển khai một loạt biện pháp nhằm cải cách cơ cấu trên các lĩnh vực lao động, giáo dục và hưu trí.

Trong bối cảnh nền kinh tế Hàn Quốc được dự báo sẽ tiếp tục suy giảm trong tháng 12 này, đánh dấu tháng giảm thứ 6 liên tiếp và nguyên nhân được cho là do lạm phát cao, hoạt động xuất khẩu giảm sút và chi tiêu tiêu dùng cá nhân suy yếu, chính phủ đang nỗ lực ổn định giá cả, khôi phục xuất khẩu, vốn là động lực tăng trưởng chính, nhằm vực dậy nền kinh tế, đưa xứ Kim chi trở lại quỹ đạo tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ.