Kè rọ đá cản sóng biển cuốn nhà
Cuối ngày mưa phùn, sóng từ biển ào ạt vào bờ đá nhưng anh Diệp Đình Thanh ở phường Cẩm An, thành phố Hội An vẫn cần mẫn đan dây nhựa nối các rọ đá chặt vào nhau. Ngồi chông chênh trên các rọ đá phía dưới là sóng biển mạnh nhưng anh Thanh vẫn cố làm cho xong việc.
Hơn một tháng qua, anh cùng hai bạn thợ vận chuyển, sắp xếp 380 rọ đá làm kè biển chống sạt lở. Những khối đá, bê-tông nhiều kích cỡ được sắp xếp bên trong rọ sắt được niềng chặt. Các rọ sắt được sắp chồng lên nhau dọc theo bờ biển bao quanh các căn nhà bị sạt lở do biển xâm thực. Kè rọ đá bê-tông dọc biển chiều dài hơn 100m, cao hơn 1,5m kết chặt nhau bởi dây nhựa cứng đan xen giữa các rọ tạo thành bờ kè tạm chống chọi với sóng biển.
“Đá, bê-tông vụn mua từ công trình thải ra mang về gia cố kè tạm. Mỗi rọ là một khối bê-tông. Kè tạm này gần 400 rọ cũng trên 300 triệu đồng rồi”, anh Thanh giải thích.
Các rọ sắt được sắp chồng lên nhau dọc theo bờ biển bao quanh các căn nhà bị sạt lở do biển xâm thực. |
300m bờ biển Cửa Đại đoạn qua khối phố Thịnh Mỹ, phường Cẩm An, thành phố Hội An bị sóng biển xâm thực lấn sâu khoảng 30m. Căn nhà cũng là nơi kinh doanh của chị Nguyễn Thị Loan chỏng chơ nhô ra biển. Bốn ngôi nhà liền kề là nơi kinh doanh, buôn bán của người thân chị Loan bị sập mấy tháng trước. Sau nhiều lần triều cường cuốn trôi, nơi đây chỉ còn vết tích đất đá hai căn nhà sạt lở. Mùa mưa cận kề, lo sợ sóng biển lấn sâu cuốn trôi nhà, chị Loan thuê người làm kè tạm bao quanh giữ bờ biển.
Sau 10 năm, khoảng 7km bờ biển Hội An bị xâm thực, sạt lở nghiêm trọng, nhiều bờ biển sạt lở từ 3-5m mỗi năm. Biển xâm thực vào bờ lan rộng 5-6km về phía tây bắc và sâu vào đất liền, nhất là khu vực bãi tắm Cửa Đại thuộc hai phường Cửa Đại và Cẩm An.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Thế Hùng
Bờ biển xã Tam Tiến, huyện Núi Thành dài 8km thì có 2km thường xuyên bị biển xâm thực, sạt lở nặng. Khu vực sạt lở nặng ở hai thôn Hà Lộc và Ngọc An đe dọa an toàn 50 hộ dân và 1.000 hộ trong vùng bị ảnh hưởng.
Tại vùng biển này, mỗi năm sóng biển lấn sâu vào bờ hơn 1m. Mưa bão đến, chính quyền địa phương di dời dân đến các cơ quan, trường học kiên cố để tránh sóng biển, bão gió.
“Mưa bão phải di chuyển vì sợ gió. Nước biển phá đất lấn sâu vào nơi ở, nếu có bờ kè thì không di dời làm gì”, anh Trần Văn Tư chia sẻ.
Nhiều biện pháp phòng, chống triều cường xâm thực
Mặc dù tỉnh Quảng Nam thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ bờ biển nhưng hiện tượng biển xâm thực sâu vào đất liền nhiều năm qua khó lường. Tại thành phố Hội An, trung tâm du lịch của tỉnh Quảng Nam, ngành chức năng, doanh nghiệp tốn nhiều chi phí đầu tư bảo vệ bờ biển nhưng tình trạng sạt lở liên tục xảy ra sau mưa bão.
Triều cường lấn sân vào khu dân cư thôn Hà Lộc mỗi năm hơn 1m. |
Theo báo cáo của thành phố Hội An, do điều kiện phát triển kinh tế làm thay đổi dòng chảy của sông, phát triển xây dựng lối thoát của dòng nước chậm nên khi mưa lớn gây ngập lụt. Tình trạng biển xâm thực ở thành phố Hội An ngày càng nhanh, trung bình gần 1km mỗi năm.
“Sau 10 năm khoảng 7km bờ biển Hội An bị xâm thực, sạt lở nghiêm trọng, nhiều bờ biển sạt lở từ 3-5m mỗi năm. Biển xâm thực vào bờ lan rộng 5-6km về phía tây bắc và sâu vào đất liền, nhất là khu vực bãi tắm Cửa Đại thuộc hai phường Cửa Đại và Cẩm An”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Thế Hùng nêu rõ.
Tại các huyện Duy Xuyên, Núi Thành, Tam Kỳ... tình trạng sạt lở biển ngày càng nhiều ảnh hưởng công trình, du lịch, đời sống dân sinh.
Bờ biển xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên sạt lở khoảng hơn 1km, nước biển xâm thực vào đất liền từ 5-10m, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của hơn 50 hộ dân; vùng biển hai xã Tam Hải, Tam Tiến huyện Núi Thành đang bị sạt lở với chiều dài khoảng hơn một km, nước biển xâm thực hơn 10m vào đất liền, cách khu vực dân cư khoảng 200m.
Quảng Nam công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở bờ sông Quảng Huế
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tam Tiến Nguyễn Xuân Luân cho biết: “Dân cư vùng biển đông, đường giao thông thôn xóm thì hẹp, thường xuyên ngập nên mùa mưa di dời dân rất khó khăn. Mong muốn đầu tư kè chống sạt lở mới ổn định lâu dài”.
Cùng với sự tự khắc phục của doanh nghiệp thì các địa phương, ngành chức năng tỉnh Quảng Nam triển khai nhiều biện pháp tạm thời hạn chế sạt lở, bảo vệ công trình như gia cố đá hộc, bê tông cốt thép, bao cát, bơm cát tạo bãi…
Tỉnh Quảng Nam đầu tư 210 tỷ đồng xây dựng kè chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại từ phường Cẩm An đến khu vực An Bàng. Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống đê ngầm giảm sóng và giữ chân bãi nhân tạo song song dài 550m, cách bờ 250-300m; san lấp bãi tạo có chiều dài 1.450m để bảo vệ bờ biển hạn chế xâm thực.
Trước tình trạng xâm thực mạnh bờ biển tỉnh Quảng Nam làm hư hại nhiều nhà dân, công trình và các khu du lịch ven biển tỉnh Quảng Nam triển khai dự án Chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An từ vốn vay của Cơ quan Phát triển Pháp, với mục tiêu xây dựng giải pháp công trình tổng thể nhằm chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An để ổn định chỗ ở và phát triển kinh tế của cộng đồng dân cư khu vực 3,4km2 và hơn 1.300 hộ dân.
“Sạt lở bờ biển đa phần là khu vực bãi biển du lịch, công viên, bãi tắm ảnh hưởng lớn đến du lịch. Vì vậy rất cần sự quan tâm đầu tư hạ tầng hệ thống thì tình trạng sạt lở được khắc phục”, ông Lê Đình Tường, Phó Trưởng phòng Kinh tế thành phố Hội An khẳng định.