Nỗ lực phát triển Đảng ở miền tây Nghệ An

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An không còn những thôn, bản “trắng” chi bộ do các cấp ủy đã tích cực triển khai thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 10/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa 18 về xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên ở các khối, xóm, bản chưa có chi bộ, chưa có đảng viên và khối, xóm, bản có nguy cơ không còn chi bộ giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, tình trạng “trắng” chi bộ có thể tái diễn vì nhiều chi bộ ở khu vực biên giới đang khó khăn về nguồn phát triển đảng viên, đòi hỏi các địa phương nỗ lực nhiều hơn nữa.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ kết nạp đảng viên tại Chi bộ bản Lau, thị trấn Thạch Giám, huyện Tương Dương.
Lễ kết nạp đảng viên tại Chi bộ bản Lau, thị trấn Thạch Giám, huyện Tương Dương.

Thời điểm tháng 6/2016, toàn tỉnh Nghệ An có 108 chi bộ thôn, bản có dưới năm đảng viên; trong đó 38 chi bộ có ba đảng viên. Đây được xác định là những thôn, bản có nguy cơ không còn chi bộ vì đảng viên hơn 60 tuổi chiếm phần lớn và trong vòng 5 năm không kết nạp được đảng viên mới. Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, các chi bộ nằm trong phạm vi Đề án đã kết nạp được 273 đảng viên mới, góp phần đưa 101 thôn, bản thoát khỏi tình trạng có nguy cơ không còn chi bộ.

Ở huyện Tương Dương, trước năm 2016, các bản Xoóng Con (xã Tam Thái), bản Huồi Măn và bản Thằm Thẩm (xã Nhôn Mai) có nguy cơ không còn chi bộ do không kết nạp được đảng viên mới. Với sự vào cuộc lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ và quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, từ tháng 8/2016 đến 9/2020, ba chi bộ tại các bản này đã kết nạp được 11 đảng viên mới. Do đó toàn huyện Tương Dương không có thôn, bản có nguy cơ không còn chi bộ.

Theo đồng chí Mạc Văn Nguyên, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy, ngay sau khi Đề án số 01-ĐA/TU được ban hành, Ban Thường vụ Huyện ủy Tương Dương đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án do đồng chí Phó Bí thư Huyện ủy phụ trách cơ sở làm trưởng ban. Ban Chỉ đạo thành lập các tổ công tác, trực tiếp đến những chi bộ là đối tượng của Đề án để kiểm tra, hướng dẫn thực hiện các nội dung theo chỉ đạo. Các tổ công tác đã làm việc rất tích cực ở cơ sở với phương châm “rõ việc, rõ thời gian, phân công cụ thể trách nhiệm cho từng tổ chức, cá nhân”.

Dù đã đạt kết quả khả quan, nhưng Huyện ủy đề xuất với Ban Chỉ đạo Đề án số 01-ĐA/TU của tỉnh là vẫn để ba chi bộ thuộc phạm vi điều chỉnh của Đề án, tiếp tục được thụ hưởng các chính sách và hỗ trợ nguồn kinh phí trong vòng hai năm tiếp theo để duy trì kết quả, tạo đà phát triển đảng trong những năm tiếp theo. Đối với một số chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, huyện cũng đề xuất Tỉnh ủy có cơ chế hỗ trợ kinh phí để hoạt động.

Với sự nỗ lực của các địa phương, công tác phát triển đảng trong toàn tỉnh đã đạt được kết quả quan trọng, khẳng định tính đúng đắn, hiệu quả của Đề án số 01-ĐA/TU của Tỉnh ủy. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy để đạt kết quả bền vững, các tổ chức cơ sở đảng cần phải tiếp tục nỗ lực, có giải pháp hiệu quả nhằm giải bài toán thiếu nguồn phát triển đảng, nhất là khu vực miền tây bởi tình trạng già hóa đảng viên do thiếu nguồn bồi dưỡng, không kết nạp được đảng viên mới là thanh niên vẫn đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương.

Có thể dẫn ngay thực tế ở huyện Kỳ Sơn. Tại xã Keng Đu, Chi bộ bản Huồi Xui hiện có bảy đảng viên, trong đó ba đảng viên là cán bộ của Ủy ban nhân dân xã và một cán bộ Đồn Biên phòng. Trong hai năm qua, chi bộ không kết nạp được đảng viên mới. Tương tự, chi bộ bản Khe Linh chỉ kết nạp được thêm một đảng viên vào năm 2021, là quần chúng đi nghĩa vụ quân sự trở về. Bí thư Chi bộ bản Khe Linh Lương Văn Xốm bộc bạch: Hầu hết thanh niên trong bản học xong đều rời quê hương đi làm ăn xa cho nên việc tạo nguồn phát triển đảng viên ở địa phương là vấn đề nan giải. Các chi bộ bản Phù Khả 1 và bản Tổng Khư ở xã Na Ngoi trong hơn hai năm qua cũng không kết nạp thêm được đảng viên nào. Do địa hình của xã dốc, thiếu nước, đất đai cằn cỗi, đường sá đi lại khó khăn, thanh niên lớn lên không thể lập nghiệp ở quê hương, đều đi làm ăn xa, thỉnh thoảng về quê ít ngày. Theo thống kê của Ủy ban nhân dân xã, năm 2023, xã có hơn 700 thanh niên đi làm ăn xa.

Đồng chí Lỳ Bá Thái, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kỳ Sơn cho biết: Huyện có 21 xã, thị trấn, trong đó có 11 xã biên giới với 45 bản tiếp giáp biên giới. Dù cấp ủy, chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực, nhưng tình trạng già hóa đảng viên, không thể kết nạp thêm đảng viên mới, nhất là đảng viên trẻ là vấn đề cấp bách. Nguyên nhân là do tình hình kinh tế-xã hội ở địa phương còn khó khăn, chưa giải quyết được nhu cầu tìm việc làm của thanh niên trong độ tuổi lao động, do đó xu hướng thanh niên rời quê hương đi làm ăn xa ngày càng gia tăng.

Giờ đây vào bản chủ yếu gặp người già và trẻ em. Để khắc phục tình hình, tránh tái diễn tình trạng thôn, bản “trắng” chi bộ, thời gian qua, đối với những thôn, bản có có nguy cơ cao, Huyện ủy tập trung chỉ đạo thực hiện quy chế phối hợp, tăng cường cán bộ xã và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng đóng chân trên địa bàn tham gia sinh hoạt chi bộ.

Không riêng huyện Kỳ Sơn, tình trạng thiếu nguồn để phát triển đảng viên cũng là thực trạng ở nhiều thôn, bản vùng biên các huyện Quế Phong, Con Cuông, Anh Sơn, Tương Dương,… Đồng chí Lê Đình Lý, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An cho biết: Xác định phát triển đảng viên là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, nhằm bổ sung lực lượng, trẻ hóa đội ngũ đảng viên, bảo đảm tính kế thừa và phát triển, Tỉnh ủy đang tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Đề án số 01-ĐA/TU.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng được đặt ra là không để phát sinh thêm trường hợp các thôn, bản, xã, huyện trở thành đối tượng của Đề án hoặc là các thôn, bản, xã, huyện đã hoàn thành mục tiêu lại tái trở lại thuộc phạm vi của Đề án. Đối với những thôn, bản phải tăng cường đảng viên về để thành lập chi bộ, thôn, bản có nguy cơ không còn chi bộ, Tỉnh ủy chỉ đạo mỗi năm cấp ủy cơ sở phải chủ động phát hiện, giới thiệu ít nhất một quần chúng ưu tú để bồi dưỡng cảm tình Đảng. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, có hơn 50% thôn, bản đang phải tăng cường đảng viên về để thành lập chi bộ kết nạp được đảng viên mới và hơn 90% trưởng thôn, bản là đảng viên.

Đồng chí Lê Đình Lý cũng cho biết, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án số 01 ĐA/TU đã tham mưu, đề nghị tỉnh tiếp tục hỗ trợ các chi bộ có bảy đảng viên trở xuống, những chi bộ mới thoát khỏi Đề án tiếp tục được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ để thoát khỏi nguy cơ không còn chi bộ một cách bền vững.

Hiện nay, Ban Chỉ đạo yêu cầu cấp ủy các cấp phải thực hiện giao chỉ tiêu, nhiệm vụ thực hiện hằng năm và cả nhiệm kỳ cho từng đảng bộ, chi bộ ở các địa phương, cơ quan, đơn vị; phân định rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân phụ trách, đề cao vai trò của người đứng đầu. Các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng cho đoàn viên, hội viên, quần chúng nhân dân để có nhận thức đúng đắn, sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phát triển đảng; tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thành tựu nổi bật trong sự nghiệp đổi mới nhằm củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Cũng bàn về giải pháp, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kỳ Sơn Lỳ Bá Thái cho rằng: Trong tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức, cần có cơ chế đặc thù, ưu tiên, khuyến khích con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, sau khi học xong trung học phổ thông, đại học, cao đẳng thì trở về làm việc, công tác tại địa phương.

Việc này vừa là tạo nguồn phát triển đảng viên tại chỗ, đồng thời xây dựng lực lượng là người địa phương có trình độ, kiến thức, am hiểu văn hóa, phong tục, tập quán, tiếng nói, tiên phong trong phát triển kinh tế-xã hội ở những khu vực còn nhiều khó khăn để thu hút thanh niên trong độ tuổi lao động không đi làm ăn xa mà ở lại lập nghiệp, xây dựng quê hương ngày một phát triển.