Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái.
Trong năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kịp thời nghiên cứu, theo dõi, đánh giá và dự báo sát tình hình để từ đó tích cực tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các kịch bản phát triển phù hợp cũng như những giải pháp ứng phó kịp thời, giảm thiểu các tác động tiêu cực và đạt được mục tiêu kép trong phát triển kinh tế-xã hội. Các giải pháp được Bộ đưa ra đều là các giải pháp mạnh, có trọng tâm, đủ độ sâu và linh hoạt, phù hợp với yêu cầu trong ngắn hạn và trung hạn nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, liên kết vùng, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, và phát triển doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo định hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững gắn với tiến trình phục hồi xanh toàn cầu.
Đồng thời, Bộ đã làm tốt công tác tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, triển khai các biện pháp nhằm tiếp tục thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao; thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi, gia tăng niềm tin và khơi dậy tinh thần kinh doanh, tinh thần sáng tạo và bản lĩnh của doanh nghiệp; tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, cụ thể hóa các chính sách phát huy mô hình kinh tế mới (kinh tế ban đêm, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn...) và các yêu cầu phát triển bền vững hậu Covid-19…
Trong Chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Bộ có số lượng đề án được giao nhiều nhất (chiếm trên 16%). Đến nay, Bộ đã hoàn thành 100% các đề án, nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong Chương trình công tác, không nợ đọng. Trong năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền: 2 Luật, 8 Nghị quyết của Quốc hội, 5 Nghị định của Chính phủ (và 6 Nghị định đã trình Chính phủ), 13 Thông tư, 17 Nghị quyết của Chính phủ, 5 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; làm cơ quan thường trực hoặc giữ vai trò chủ trì, đầu mối tổng hợp của 06 Tổ công tác đôn đốc giải ngân, 26 đoàn công tác của Thành viên Chính phủ về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu tại các địa phương, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương, 7 Hội đồng điều phối vùng và nhiều Ban chỉ đạo khác; làm thường trực Hội đồng thẩm định và đã tổ chức thẩm định 5 quy hoạch vùng, 59 quy hoạch tỉnh, 1 Chương trình mục tiêu quốc gia, 4 dự án quan trọng quốc gia, 41 chương trình, dự án lớn thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thành và trình cấp có thẩm quyền nhiều đề án, báo cáo lớn, đã ban hành gần 13.000 văn bản liên quan đến các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư…
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự Hội nghị. |
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật luôn được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định là nhiệm vụ trọng tâm, được Bộ trưởng quan tâm và trực tiếp chỉ đạo sát sao, quyết liệt. Nhờ đó, Bộ đã hoàn thành nhiệm vụ báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội thông qua 2 đạo luật quan trọng là Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và 8 Nghị quyết của Quốc hội.
Năm 2023, công tác quy hoạch đã có sự thay đổi rõ rệt trong tư duy và hành động theo hướng chủ động, kiến tạo, phát triển và tăng cường liên kết để phát triển, thực hiện thống nhất các chu trình: chiến lược-quy hoạch-kế hoạch-đầu tư. Bộ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; trình Chính phủ ban hành Chương trình hành động và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tổ chức thẩm định 5 quy hoạch vùng, 59/63 quy hoạch tỉnh (trong đó 50 quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt) bảo đảm phát triển có trọng tâm, trọng điểm, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, bền vững tài nguyên.
Về công tác quản lý đầu tư công, ngay sau khi Quốc hội ban hành các Nghị quyết về dự toán và phân bổ ngân sách trung ương năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Trong quá trình triển khai điều hành Kế hoạch đầu tư công năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các Chỉ thị, Công điện về triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2023; tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ thành lập các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công, đã ban hành 7 Công điện, 13 văn bản đôn đốc các bộ, cơ quan trung ương và địa phương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án, phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2023, triển khai quyết liệt các giải pháp để đẩy mạnh giải ngân gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công ngay từ đầu năm; thường xuyên kiểm tra, giám sát, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân,… Nhờ đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã có những cải thiện rõ rệt qua từng tháng, là động lực quan trọng để hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế năm nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 ước đạt khoảng 95%, cao hơn năm 2022 khoảng 3,58 điểm % (91,42%).
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu ý kiến tại Hội nghị. |
Công tác xây dựng cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đổi mới và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp tục được Bộ đặc biệt quan tâm. Bộ đã chủ trì trình Ban cán sự đảng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trong tình hình mới; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các Nghị định, Nghị quyết, Quyết định về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, phát triển kinh tế tư nhân; tăng năng suất lao động…, nổi bật trong đó, Bộ đã nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ đề án "Phát triển Doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế Nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng trong thời kỳ mới".
Bên cạnh đó, trong năm, Bộ đã chủ động triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và kinh doanh bền vững. Về thúc đẩy đổi mới sáng tạo, năm 2023, Bộ đã triển khai nhiều hoạt động, tham mưu nhiều cơ chế, chính sách để khuyến khích, thúc đẩy phong trào đổi mới sáng tạo tại Việt Nam…
Phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2023 vừa qua là một năm đầy cảm xúc, ấn tượng, nhưng cũng không ít băn khoăn, trăn trở vì sự biến động của thế giới mà chúng ta chưa dự báo hết: đó là tăng trưởng giảm, lạm phát vẫn neo ở mức cao; chiến tranh tiếp tục xảy ra ở Dải Gaza, tình hình Biển Đỏ phức tạp; chủ nghĩa đa phương bị hao hụt… Trong bối cảnh đó, đất nước ta vẫn giữ được kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn được bảo đảm; thị trường lao động được cân đối; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài được kiểm soát; đẩy mạnh xuất khẩu lương thực; an sinh xã hội được quan tâm, chăm lo; an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác đối ngoại được coi trọng, là năm thành công rực rỡ.
Thủ tướng nêu rõ, kết quả năm 2023 và kết quả từ đầu nhiệm kỳ đến nay càng góp phần khẳng định nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Thủ tướng khẳng định, trong sự trưởng thành của đất nước không thể không nói đến đóng góp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao thành tích của toàn ngành Kế hoạch và Đầu tư cũng như của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đạt được trong năm 2023.
Thủ tướng đánh giá Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã biết phát huy thành quả của các thế hệ trước đây; làm sống động hơn, mạnh mẽ hơn, thúc đẩy những kết quả đã đạt được để có kết quả cao hơn bằng sự nỗ lực, cố gắng, thông minh, sáng tạo, trí tuệ…; chúng ta đang nỗ lực bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, lập nghiệp. Việc hình thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia là minh chứng điều đó. Bộ là cơ quan tham mưu cấp chiến lược về điều hành, điều phối kinh tế vĩ mô; kịp thời đề ra các cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn; công tác quy hoạch có sự thay đổi trong tư duy, hành động với tư duy mới, tầm nhìn mới, hành động mới, mang lại giá trị mới.
Theo Thủ tướng, quy hoạch phải khai thác được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, góp phần hoá giải các tồn tại, hạn chế, yếu kém, mâu thuẫn. Chúng ta đang quyết tâm thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia; giải ngân vốn đầu tư công và huy động nguồn lực của xã hội cũng là một điểm sáng của ngành; đóng góp tích cực vào cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài; theo đó, hiện nay, đến thời điểm cuối năm, tổng số doanh nghiệp tham gia thị trường cao hơn số doanh nghiệp rút khỏi thị trường, các doanh nghiệp bắt đầu phục hồi; đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp có bước phát triển mạnh mẽ, chúng ta đã hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, do đó cần tiếp tục thúc đẩy hệ sinh thái này để huy động nguồn lực kiến tạo cho sự phát triển; công tác thống kê được thực hiện tốt, khách quan; thực hiện tốt kỷ luật, kỷ cương đối với những nhiệm vụ Chính phủ giao; Bộ luôn đoàn kết thống nhất để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Thủ tướng đề nghị sau hội nghị này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần phân tích kỹ thêm về phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; công tác nghiên cứu chiến lược, phải có tích lũy, tư liệu, bám sát tình hình trên mọi lĩnh vực; phân tích kỹ hơn các hạn chế, bất cập mà Bộ đã chỉ ra. Thủ tướng cũng lưu ý Bộ không được chủ quan, say sưa với thắng lợi mà cần phải rút kinh nghiệm những cái chưa được để làm tốt hơn, mạnh mẽ, hiệu quả hơn trong năm 2024.
Thủ tướng nêu rõ, thời gian tới, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải luôn sẵn sàng ứng xử phù hợp ở mức cao hơn, với tư tưởng, tâm thế, phản ứng chính sách kịp thời hơn. Thủ tướng nêu rõ, trong quá trình hoạt động, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, sự phối hợp của Quốc hội, Chính phủ các bộ, ngành, địa phương. Từ thực tế, rõ ràng chúng ta thấy bài học về tự lực, tự cường, tự tin, đổi mới sáng tạo. Chúng ta cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phối hợp tốt các cơ quan trong hệ thống chính trị để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; phát huy đoàn kết, thống nhất, khuyến khích đổi mới sáng tạo, tự lực, tự cường; phát huy trí tuệ tập thể, nắm chắc thực tiễn, có cơ chế, chính sách phù hợp đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định là năm bứt phá, Chính phủ có đề ra phương châm 16 chữ “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững” và “5 quyết tâm”, Thủ tướng đề nghị Bộ nghiên cứu kỹ để triển khai nhiệm vụ theo nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn được giao. Thủ tướng đặc biệt lưu ý Bộ Kế hoạch và Đầu tư một số bài học kinh nghiệm quan trọng đúc rút từ thực tiễn: phải thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối, chính sách theo các Nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Phải đoàn kết, chung sức đồng lòng, phát huy sức mạnh, trí tuệ tập thể. Phải nắm chắc tình hình thực tiễn, phản ứng chính sách chủ động, kịp thời, linh hoạt, đúng thời điểm, hiệu quả.
Thủ tướng yêu cầu: Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải luôn có tư duy sắc bén, đổi mới, nắm bắt nhanh nhạy các vấn đề nổi lên của thế giới, đất nước và có tầm nhìn xa, tham mưu các quyết sách lớn về kinh tế-xã hội để tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Luôn coi trọng và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tổ chức thực hiện; đây vừa là đòi hỏi cấp bách, khâu đột phá quan trọng, vừa là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững của đất nước.
Luôn xung kích, tiên phong trong thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển các mô hình kinh tế mới, ngành nghề mới, thúc đẩy đổi mới sáng tạo với tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên góp phần thúc đẩy chuyển đổi nền kinh tế, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Luôn đi đầu trong chuyển đổi số, tạo động lực mạnh mẽ phát triển các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế; góp phần tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia; trở thành công cụ quan trọng trong xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập ngày càng sâu rộng hơn trong cộng đồng quốc tế.
Luôn đẩy mạnh hiệu lực, hiệu quả của công tác thống kê nhà nước; hiện đại hóa theo hướng khoa học, phản ánh kịp thời, chính xác, đầy đủ, phục vụ ngày càng tốt hơn sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; sự quản lý, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Công tác thống kê phải đầy đủ, trung thực, khách quan, không tô hồng hay bôi đen, tất cả phải bằng con số; nhận định, đánh giá đúng, trúng, sát thực tế. Từ số liệu thống kê để hoạch định chính sách sát thực tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao các Huân chương Độc lập tặng các cá nhân xuất sắc của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. |
Thủ tướng yêu cầu phải đẩy mạnh nghiên cứu chiến lược và tham mưu chiến lược để làm tốt nhiệm vụ kiến tạo phát triển, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; nắm chắc tình hình trong và ngoài nước; tiếp tục đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và vượt qua thách thức để thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước nhanh, bền vững, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau; tổ chức thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, sự điều hành quản lý của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đề cao trách nhiệm cá nhân, tự lực, tự cường, hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Phải đẩy mạnh nghiên cứu chiến lược và tham mưu chiến lược để làm tốt nhiệm vụ kiến tạo phát triển, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm:
Một là, tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong công tác điều hành kế hoạch và điều phối kinh tế vĩ mô. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tốt hơn nữa, nhịp nhàng hơn, hiệu quả.
Hai là, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; phải đổi mới để tạo cảm hứng cho phát triển; huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước; trong quá trình phát triển phải luôn suy nghĩ, điều chỉnh chính sách.
Ba là, phải tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng xanh, bền vững, bao trùm hơn.
Bốn là, đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, tập trung cho đột phá về nguồn nhân lực, nguồn nhân tài, trong đó có đào tạo từ nay đến năm 2030, phấn đấu đào tạo từ 50 đến 100 nghìn kỹ sư trong ngành chíp bán dẫn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải tham mưu cho Đảng, Nhà nước bằng chủ trương, đường lối, thể chế và bố trí nguồn lực cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho những ngành mới nổi; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường công khai, minh bạch.
Thủ tướng lưu ý, Chính phủ phân công Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng bộ chỉ số đánh giá kinh tế số của Việt Nam. Bộ cần tăng cường phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường giám sát, kiểm tra, cắt giảm các thủ tục hành chính, tạo môi trường lành mạnh.
Sáu là, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo.
Bảy là, làm tốt công tác hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài và các nguồn lực từ bên ngoài trong bối cảnh hiện nay.
Tám là, làm tốt nhiệm vụ Thường trực Tiểu ban Kinh tế-Xã hội.
Chín là, thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng bộ máy trong sạch, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế nhưng cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.
Với bề dầy truyền thống vẻ vang 79 năm, Thủ tướng tin tưởng rằng tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Kế hoạch và Đầu tư sẽ đạt được những thắng lợi mới, tạo động lực mới, khí thế mới để đạt kế hoạch năm 2024 cao hơn năm 2023.
* Tại hội nghị, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính trao các Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động, Cờ Thi đua của Chính phủ tặng các tập thể có thành tích xuất sắc của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.