Nỗ lực ngăn chặn, chấm dứt tình trạng khai thác IUU

Ngày 10/10, Đoàn công tác của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam thanh tra lần thứ 4 về thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Đợt thanh tra này cũng là dịp để nhìn lại và đánh giá một cách toàn diện những nỗ lực của Đảng, Chính phủ, cả hệ thống chính trị, đặc biệt là 28 địa phương ven biển trong thời gian qua, hướng tới xây dựng một ngành thủy sản phát triển bền vững, tuân thủ các quy định của quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra chống khai thác IUU tại cảng cá Tịnh Hòa, Quảng Ngãi.
Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra chống khai thác IUU tại cảng cá Tịnh Hòa, Quảng Ngãi.

Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trò chuyện với Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về IUU chung quanh các nội dung nêu trên.

Phóng viên: Trong đợt thanh tra lần thứ 3 của Ủy ban châu Âu vào tháng 10/2022, mặc dù EC ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam, song vẫn còn những bất cập. Thứ trưởng có thể cho biết các giải pháp để khắc phục những bất cập này?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Các khuyến nghị của EC tại đợt thanh tra lần thứ 3, hầu hết chúng ta đã nỗ lực khắc phục và đạt được những kết quả tích cực. Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt gần 100% (các tàu chưa lắp, các địa phương đều nắm, theo dõi, quản lý chặt chẽ); công tác quản lý đội tàu tiếp tục được cải thiện rõ rệt, số tàu đã giảm đáng kể so với trước (các địa phương tích cực rà soát để nắm chắc số tàu cá hiện có, thực hiện đăng ký, cấp phép theo quy định, các đối tượng chưa bảo đảm theo quy định địa phương đã lập danh sách, theo dõi, quản lý);

Đối với cảng cá vi phạm quy định về IUU, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra khỏi danh sách cảng cá chỉ định đủ điều kiện xác nhận truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; đối với tàu nhập khẩu vi phạm IUU đang tháo gỡ theo đúng thông lệ quốc tế; các doanh nghiệp vi phạm IUU đã bị xử lý (xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động theo quy định) và hiện các lực lượng chức năng đang tiếp tục điều tra, xác minh để xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên bên cạnh đó, chúng ta vẫn chưa khắc phục triệt để tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài (dù có giảm nhiều so với trước).

Phóng viên: Vậy nhìn một cách tổng thể, chúng ta đã đạt được những nội dung quan trọng nào trong nỗ lực nhằm đẩy lùi và chấm dứt khai thác IUU, thưa thứ trưởng?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Hiện chúng ta đã có khung pháp lý đầy đủ, đáp ứng yêu cầu chống khai thác IUU (đang tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung để siết chặt công tác quản lý, phù hợp với tình hình thực tiễn). Vấn đề chủ yếu hiện nay là công tác thực thi pháp luật chống khai thác IUU tại địa phương; có thể khẳng định về cơ bản những khuyến nghị của EC tại đợt thanh tra lần thứ 3, đến nay chúng ta đã khắc phục với những kết quả cụ thể; tuy nhiên vẫn chưa hoàn thành được tất cả các yêu cầu.

Dù vậy đây vẫn là nỗ lực rất lớn của các bộ, ngành, địa phương có liên quan trong thời gian qua, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong ngăn chặn, chấm dứt khai thác IUU, tuân thủ các cam kết, điều ước quốc tế, quy định của EC về chống khai thác IUU.

Phóng viên: Có được những kết quả nêu trên, không thể phủ nhận sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương. Đề nghị đồng chí phân tích rõ hơn về vấn đề này?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Sau đợt thanh tra lần thứ 3 và qua các cuộc trao đổi, làm việc trực tiếp của Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để khắc phục các khuyến nghị của EC, phía EC tiếp tục ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong chống khai thác IUU nhất là sự chỉ đạo quyết liệt của Thường trực Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU và chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Sau đợt thanh tra lần thứ 3 và qua các cuộc trao đổi, làm việc trực tiếp của Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để khắc phục các khuyến nghị của EC, phía EC tiếp tục ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong chống khai thác IUU nhất là sự chỉ đạo quyết liệt của Thường trực Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU và chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến

Sau khi kết thúc đợt thanh tra lần thứ 3, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động chống khai thác IUU (tại Quyết định số 81/QĐ-TTg), tiếp tục ban hành Công điện 265/CĐ-TTg; trong đó phê bình, yêu cầu các địa phương tiếp tục để tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, đồng thời giao trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện từng nội dung, giải pháp, kết quả đạt được và thời gian hoàn thành.

Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU đã tổ chức ba cuộc họp để chỉ đạo và Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã trực tiếp đi khảo sát, kiểm tra thực tế công tác chống khai thác IUU tại hai tỉnh Cà Mau, Kiên Giang; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên tổ chức các đoàn công tác liên ngành để kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn địa phương thực hiện; các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý nghiêm nhiều vụ việc vi phạm khai thác IUU với các hoạt động tinh vi của đối tượng vi phạm như gửi thiết bị giám sát hành trình VMS trên tàu cá khác, các đối tượng môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài…

Qua đó cho thấy, các bộ, ngành, địa phương đã rất nỗ lực, quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp để chống khai thác IUU, thực hiện quyết tâm gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” IUU của Ủy ban châu Âu.

Phóng viên: Nhằm duy trì kết quả đạt được, hướng tới xây dựng nghề cá có trách nhiệm và phát triển bền vững qua thực thi Luật Thủy sản 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang và tiếp tục triển khai các giải pháp gì và nhiệm vụ đặt ra đối với các địa phương trong thời gian tới như thế nào?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Chúng ta không chỉ quyết tâm chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” mà mục tiêu lâu dài là hướng tới phát triển một nghề cá bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế, bảo đảm sinh kế bền vững của cộng đồng ngư dân ven biển.

Hiện nay, bên cạnh triển khai quyết liệt các giải pháp chống khai thác IUU, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành các chương trình, đề án, quy hoạch… để thực hiện Chiến lược Phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vì vậy đề nghị các địa phương tập trung nguồn lực phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các bộ, ngành có liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, quy hoạch… liên quan đến khai thác, nuôi trồng, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản để đạt những mục tiêu đề ra.

Phóng viên: Trong tháng 10, Đoàn Thanh tra EC lần thứ 4 sẽ sang Việt Nam thanh tra thực tế về chống khai thác IUU. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch phối hợp làm việc với đoàn như thế nào?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức các đoàn công tác làm việc trực tiếp với phía EC tại Bỉ, cũng như tổ chức các cuộc họp trực tiếp đối thoại kỹ thuật với phía EC để trao đổi, giải trình các kết quả chống khai thác IUU của Việt Nam trước khi Đoàn Thanh tra của EC sang thanh tra thực tế vào tháng 10/2023. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch tổng thể để đón và làm việc với Đoàn Thanh tra của EC với kế hoạch, chương trình, nội dung cụ thể; trên cơ sở đó, các địa phương cũng xây dựng kế hoạch, chương trình, nội dung để làm việc với đoàn tại địa phương.

Đến nay, công tác chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn Thanh tra của EC cơ bản được các bộ, ngành, địa phương phối hợp thực hiện rất chặt chẽ và chuẩn bị kỹ các nội dung, kế hoạch làm việc với quyết tâm đạt kết quả tốt nhất, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC tại đợt thanh tra lần này.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!