Nỗ lực khơi thông tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại của năm 2023, ngoài việc tiếp tục các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, các ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế, rất cần các giải pháp, các chương trình hành động cụ thể về kích cầu tiêu dùng, kích cầu đầu tư. Đó là ý kiến của các đại biểu tại hội thảo “Tháo van tín dụng-Khơi thông tăng trưởng” vừa được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội thảo “Tháo van tín dụng-Khơi thông tăng trưởng”.
Quang cảnh hội thảo “Tháo van tín dụng-Khơi thông tăng trưởng”.

Liên tục hạ lãi suất cho vay

Trước thắc mắc của doanh nghiệp về lãi suất cho vay vẫn ở mức cao, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, đại diện các ngân hàng khẳng định đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ vốn. Ông Nguyễn Văn Bách, Trưởng Ban Chính sách tín dụng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho biết: Không phải thời điểm này mà từ đầu năm 2023, ngân hàng đã tuân thủ chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và rất nhiều lần giảm lãi suất cho vay, đến tháng 10/2023, Agribank đã bảy lần giảm lãi suất cho vay. Hiện sàn lãi suất cho vay ngắn hạn của Agribank đã giảm từ 1,3%-4% tùy từng lĩnh vực, sàn lãi suất cho vay trung dài hạn giảm từ 0,3%-1,5%.

Từ ngày 1/11, Agribank tiếp tục giảm lãi suất với dư nợ hiện hữu với nhóm khách hàng gặp khó khăn được cơ cấu nợ theo Thông tư 02, dự kiến dành ra ngân sách khoảng 4.000 tỷ đồng.

Trong năm 2023, Agribank liên tục triển khai tám chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất hướng tới đối tượng khách hàng là doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực ưu tiên và tiêu dùng cá nhân với quy mô gần 200.000 tỷ đồng, mức lãi suất thấp hơn từ 2-3%/năm so với lãi suất cho vay thông thường; trong đó, mức lãi suất cho vay được áp dụng thấp nhất là 3%/năm. “Lãi suất cho vay của Agribank hiện tại thuộc nhóm thấp trên thị trường, bằng mức trước thời điểm dịch Covid-19 diễn ra. Chưa lúc nào mà lãi suất cho vay lại thấp như lúc này”, ông Nguyễn Văn Bách nhấn mạnh.

Khẳng định lãi suất cho vay đã thấp hơn quý trước, ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) cho biết: Lãi suất của HDBank hiện thấp hơn 2-2,5% so với trước.

Ngân hàng vừa bổ sung gói tín dụng ưu đãi 5.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ 7,5%-8%/năm cho cộng đồng doanh nghiệp trước mùa sản xuất, kinh doanh cuối năm. Theo ông Trần Hoài Phương, các ngân hàng phải bỏ công sức nhiều hơn để tìm doanh nghiệp tốt trong giai đoạn hiện tại. HDBank có chương trình tốt cho khách hàng. Những nhà cung ứng cho doanh nghiệp mua hàng có “sức khỏe” tốt sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi.

Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Đức Lệnh đánh giá: Hoạt động tín dụng nói chung và tín dụng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hiện nay, chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã và đang tác động đến toàn bộ các doanh nghiệp trong vai trò hỗ trợ theo hai xu hướng tích cực.

Đối với doanh nghiệp còn khó khăn thì ngân hàng cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ và giảm lãi suất cho vay đối với khoản vay cũ. Đối với doanh nghiệp hoạt động tốt, việc hỗ trợ cho doanh nghiệp về vốn, về lãi suất giúp doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, mở rộng và tăng trưởng.

Đại diện của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá: Quá trình này đặc biệt có ý nghĩa đối với nhóm ngành, lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế; lĩnh vực xuất khẩu, lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tập trung khai thác mùa vụ cuối năm

Thực tế, dù các gói tín dụng lãi suất thấp được tung ra, nhưng tăng trưởng tín dụng chưa được như kỳ vọng, phản ánh khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế còn thấp. Tính đến 31/10/2023 tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 12,8 triệu tỷ đồng, tăng 7,39% so với cuối năm 2022.

Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Võ Trí Thành, hiện tín dụng tăng trưởng vẫn thấp so với mục tiêu 14%, do doanh nghiệp đang khó khăn trong khâu tìm đầu ra cho sản phẩm, cộng thêm với tiêu chuẩn của người đi vay khó đáp ứng được so với yêu cầu của các ngân hàng thương mại...

Do đó, các doanh nghiệp cần tiếp tục được hỗ trợ bằng nhiều phía từ giảm thuế giá trị gia tăng, kích cầu thị trường, tăng giải ngân đầu tư công, thu hút đầu vốn từ nước ngoài… Riêng Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến cuối tháng 10, tăng trưởng tín dụng 4,67% so với cuối năm 2022 và 7% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với tốc độ của cả nước.

Theo phân tích của ông Nguyễn Đức Lệnh, ngân hàng đã và đang nỗ lực thực thi khơi thông tín dụng cho nền kinh tế, nhưng tín dụng vẫn tăng trưởng chậm, nguyên nhân chính chủ yếu là môi trường kinh tế thấp, hấp thụ vốn thấp. Tín dụng tiêu dùng chỉ tăng 1,36%, trong khi tín dụng chung là 4,6%.

Cho vay mua nhà để ở giảm 0,3%, điều này phản ánh rõ thu nhập của khách hàng giảm. Ngành ngân hàng tiếp tục đưa các giải pháp khơi thông tín dụng như giảm thời gian duyệt hồ sơ, hỗ trợ khách hàng vay vốn…

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, từ nay đến cuối năm, ngân hàng sẽ tập trung khai thác tính chất mùa vụ, dịp Tết do nhu cầu vốn tăng cao. Các ngân hàng thương mại chuẩn bị nguồn tín dụng 9.000 tỷ đồng để cho doanh nghiệp vay theo hướng nguồn vốn giá rẻ, lãi suất khoảng 4-6%/năm.

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại của năm nay, cần tiếp tục các cơ chế chính sách hỗ trợ. Bên cạnh đó là các giải pháp, các chương trình hành động cụ thể về kích cầu tiêu dùng và kích cầu đầu tư để kích thích tăng trưởng kinh tế, kích thích tăng trưởng tín dụng. Điểm sáng của Thành phố Hồ Chí Minh là việc tổ chức các hoạt động kết nối ngân hàng, doanh nghiệp.

Từ đầu năm đến nay, Thành phố đã thực hiện 30 hội nghị kết nối ngân hàng doanh nghiệp tại các quận, huyện trên địa bàn, giải ngân cho vay với số tiền đạt 581.000 tỷ đồng cho gần 180.000 khách hàng, vượt 11,7% so với gói tín dụng ưu đãi các tổ chức tín dụng đăng ký theo kế hoạch năm 2023 với quy mô gói là 520.000 tỷ đồng.

Ở góc độ ngân hàng, với cơ chế chính sách, hỗ trợ cụ thể, các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố đã tiếp cận khách hàng, nắm bắt khó khăn trực tiếp của doanh nghiệp. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp nhận khoảng 1.000 nhu cầu vốn kiến nghị, xử lý bằng cách chỉ đạo ngân hàng trả lời việc giải ngân cho khách hàng. Cách làm này phát huy hiệu quả, các ngân hàng thương mại cũng nâng cao trách nhiệm, doanh nghiệp được kịp thời tháo gỡ khó khăn.