Nỗ lực kép bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

NDO -

Trước những lo ngại về sự an toàn của trẻ em khi lượng truy cập internet ngày một tăng trong đại dịch Covid-19, nhiều nền tảng xuyên biên giới đã đưa ra các giải pháp hỗ trợ, nhằm bảo vệ trẻ em khỏi những ảnh hưởng tiêu cực. Cùng với đó là những nỗ lực của Chính phủ, từng bước xây dựng một môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ em học tập, giao tiếp và thể hiện bản thân.

Cha mẹ vừa làm việc, vừa tranh thủ giúp con làm bài tập. (Ảnh: Reuters)
Cha mẹ vừa làm việc, vừa tranh thủ giúp con làm bài tập. (Ảnh: Reuters)

Tự điều chỉnh từ các nền tảng xuyên biên giới

Thời gian sử dụng internet của trẻ em ngày càng tăng do những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến các em không được đến trường hay các khu vui chơi giải trí phù hợp lứa tuổi.

Theo một khảo sát do Viện Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD) và Tổ chức Cứu trợ trẻ em (SCI) thực hiện năm 2020, cứ 3 trẻ em thì 2 trẻ có thiết bị kết nối internet. Trẻ em tiếp cận internet nhiều nhất qua các phương tiện: điện thoại thông minh, máy tính ở nhà, điện thoại di dộng của người thân, quán internet…

Trong khi đó, các nền tảng mạng xã hội với vô số những ứng dụng đầy “cám dỗ” là những nguy cơ được lường trước nhưng lại không dễ vượt qua. Vì thế, sự tự điều chỉnh và hỗ trợ từ chính các nền tảng này được kỳ vọng sẽ mang lại những hiệu quả tích cực hơn. 

Ngày 10/8 vừa qua, công cụ tiềm kiếm lớn nhất thế giới - Google - đã công bố một loạt biện pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Cụ thể, nền tảng này đã đưa ra tính năng "Tìm kiếm an toàn” để loại trừ nội dung nhạy cảm hoặc nội dung dành cho người trưởng thành. Thay vì trước đây chỉ áp dụng cho người dùng dưới 13 tuổi, tính năng này bây giờ sẽ được cài đặt mặc định cho tất cả người dùng dưới 18 tuổi.

Ngoài ra, trên nền tảng YouTube (một ứng dụng của Google), các nội dung dành cho trẻ từ 13 đến 17 tuổi sẽ ở chế độ riêng tư theo mặc định. Theo đó, với các video tải lên được cài đặt riêng tư, nội dung chỉ hiển thị với người dùng và những người được người dùng lựa chọn.

Một giải pháp quan trọng khác cũng được Google đưa ra là các thay đổi về cách hiển thị quảng cáo cho trẻ vị thành niên, chặn mọi danh mục “nhạy cảm về độ tuổi”. Không những thế, nền tảng này cũng sẽ tắt lịch sử vị trí đối với tất cả người dùng dưới 18 tuổi trên toàn cầu mà không có tùy chọn bật lại.

Trước đó, tháng 3/2021, ứng dụng Instagram của mạng xã hội Facebook cũng đã ra mắt công nghệ nhằm ngăn chặn trẻ em mở tài khoản và chặn người lớn tiếp xúc với các người dùng trẻ tuổi khi không quen biết nhau. Theo đó, ứng dụng này sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo (Al) để xác định tuổi của người dùng khi đăng ký, nhằm phát hiện những người chưa đủ tuổi và áp dụng các giao diện mới phù hợp với lứa tuổi.

Đồng thời, Instagram cũng sẽ đưa ra những cảnh báo cho người dùng là trẻ em về hành vi khả nghi của người lớn khi tìm cách tương tác với các thanh thiếu niên, trong đó bao gồm cả hành động gửi một lượng lớn tin nhắn riêng tư. Đây là biện pháp mới nhất nhằm “giải tỏa” những lo lắng của các bậc phụ huynh về các tiếp xúc không phù hợp giữa người trưởng thành với trẻ em trên nền tảng này. 

Những nỗ lực từ Chính phủ Việt Nam 

Những nguy cơ trẻ em thường gặp trên internet đã được Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNCEF) chỉ ra, gồm: người lớn vô tình cung cấp quá nhiều thông tin để những kẻ lạm dụng trẻ em thực hiện các hành vị pham tội; trẻ dành quá nhiều thời gian chơi các trò chơi bạo lực trên mạng; trẻ em bị bạn bè hoặc kẻ xấu thuyết phục chia sẻ hình ảnh nhạy cảm của mình; trẻ dễ bị những kẻ ấu dâm giả vờ cùng trang lứa lừa đảo, bắt nạt và xâm hại trên mạng.

Hệ lụy từ những nguy cơ mà trẻ em thường gặp trên internet được chỉ ra rất nhiều lần nhưng vẫn luôn cần được cảnh báo. Bởi sự thay đổi của công nghệ diễn ra liên tục và luôn có hai mặt, vừa mang đến cơ hội nhưng cũng vừa là thách thức, đòi hỏi những nỗ lực từ nhiều phía. 

Bên cạnh những nỗ lực từ các nền tảng trực tuyến, Việt Nam cũng đã có nhiều giải pháp nhằm bảo vệ trẻ em trước những cám dỗ trên không gian mạng. Mới nhất, tháng 6/2021, chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025” đã chính thức được Chính phủ phê duyệt. Đây cũng là chương trình quốc gia đầu tiên của Việt Nam nhằm bảo vệ và hỗ trợ trẻ em trên internet.

Chương trình này đã được UNICEF đánh giá là một thành tựu quan trọng trong nỗ lực bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, bóc lột và xâm hại trên internet cũng như hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh và an toàn trên môi trường mạng.

Trước đó, tháng 5/2021, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã có kế hoạch ra mắt Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Theo đó, một trong những nhiệm vụ chính của Mạng lưới là thu thập, tiếp nhận, phân loại các phản ánh về nội dung xấu độc, không phù hợp lứa tuổi để chuyển các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý.

Một số giải pháp mang tính công nghệ cao sẽ được triển khai như: thiết lập Hệ thống tích hợp thông tin và quy trình tự động tiếp nhận phản ánh về nội dung không phù hợp, hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; xây dựng công cụ phân tích hình ảnh, video clip để tìm các nội dung mà trong đó trẻ em là đối tượng bị xâm hại tình dục, phát hiện sớm và yêu cầu đơn vị liên quan gỡ bỏ…

Ngoài ra, để bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ rủi ro trên môi trường mạng, cũng đã có nhiều văn bản pháp lý như: Luật trẻ em năm 2016, Luật tiếp cận thông tin năm 2016; Luật An ninh mạng năm 2018.

Theo bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, để giải quyết vấn đề xâm hại trẻ em trên internet không chỉ cần sự cam kết, nỗ lực của Chính phủ, sự tự điều chỉnh của các nền tảng trực tuyến mà còn cần nỗ lực rất lớn từ phía phụ huynh. Đồng thời, bản thân trẻ em cũng phải được trang bị đầy đủ, kỹ lưỡng các thông tin về nguy cơ cũng như các biện pháp phòng tránh, nơi trình báo khi xảy ra xâm hại.