Giữa tháng 9, hoàn thành năm bãi đỗ xe
Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thành phố cho biết, để tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga thuộc tuyến Metro Bến Thành-Suối Tiên,Trung tâm đã đầu tư hai hạng mục chính với kinh phí khoảng 93 tỷ đồng, gồm: Bãi đỗ xe cá nhân tại khu vực năm nhà ga nằm dọc theo trục đường Võ Nguyên Giáp, trên tuyến metro số 1 và xây dựng các trạm dừng, nhà chờ xe buýt.
Ðối với các bãi đỗ xe cá nhân, đến nay đã cơ bản hoàn thành thi công bãi đỗ xe ga Văn Thánh, Thảo Ðiền, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái. Hiện tại, đơn vị thi công đang gấp rút chuẩn bị thảm nhựa mặt bằng bãi xe, lắp đặt mái che và hoàn thiện sơn hàng rào, lắp thiết bị vệ sinh, nhà điều hành tại các nhà ga.
Năm bãi đỗ xe này phấn đấu hoàn thành trước ngày 15/9; trong đó, bãi đỗ xe Bình Thái dành riêng cho xe buýt, các bãi còn lại là khu vực để xe hai bánh của hành khách trước khi họ di chuyển lên các ga của tuyến metro.
Ông Phạm Vương Bảo, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố cho biết: Việc xây dựng các hạng mục bãi đỗ xe cá nhân, tổ chức điều chỉnh mạng lưới tuyến xe buýt hiện hữu và mở mới các tuyến xe buýt gom sẽ hình thành mạng lưới liên kết xe buýt vào tuyến Metro Bến Thành-Suối Tiên; từ đó thu hút, giải tỏa hành khách ở các nhà ga của tuyến metro tới các khu vực lân cận và ngược lại, giúp phát huy hết khả năng vận tải hành khách của tuyến metro số 1; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận, sử dụng tuyến metro này.
Cùng với việc thiết lập cơ sở hạ tầng cho xe buýt gom, trung tâm dự kiến mở mới 24 tuyến buýt gom (trong đó có ba tuyến liên tỉnh) chạy dọc trục đường Võ Nguyên Giáp. Các tuyến xe buýt này vừa tăng cường kết nối, vừa là tuyến giao thông gom khách cho tuyến metro số 1, giúp người dân đi lại dễ dàng, thuận tiện hơn.
Cũng trên trục đường song hành với tuyến metro số 1, trung tâm đã và đang lắp đặt 220 trụ dừng, nhà chờ phục vụ các tuyến buýt gom. Ban quản lý Ðường sắt đô thị thành phố chia sẻ, một kết quả nghiên cứu mới đây của các chuyên gia Nhật Bản cho thấy, việc đầu tư phát triển mạng lưới xe buýt gom có thể giúp tăng lượng khách của tuyến metro số 1. Trường hợp có mạng lưới buýt gom thì lượng khách là 110.000 lượt hành khách/ngày, tương đương mức tăng 62% so với khi chưa có mạng lưới buýt kết nối.
Gấp rút hoàn thành chín cầu bộ hành
Ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố cùng các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ, gấp rút thi công để hoàn thành toàn bộ chín cầu bộ hành kết nối phía dưới với nhà ga trên cao của tuyến Metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên vào tháng 9 này.
Cầu bộ hành có hai đầu, kết nối hai bên đường của xa lộ Hà Nội (nay một phần là đường Võ Nguyên Giáp) và hai đường song hành xa lộ Hà Nội với nhà ga. Mỗi cầu bộ hành có tổng chiều dài khoảng 78m tùy vị trí, rộng 3,5m, có mái che. Khi hoàn thành, các cầu bộ hành ngoài việc bảo đảm kết nối, khả năng tiếp cận cho hành khách còn là hướng thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp.
Toàn bộ tuyến metro số 1 có chín cầu vượt bộ hành kết nối với chín nhà ga trên cao thuộc tuyến metro số 1, gồm Tân Cảng, Thảo Ðiền, An Phú, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Thủ Ðức, Khu Công nghệ cao, Ðại học Quốc gia.
Theo Ban Quản lý Ðường sắt đô thị thành phố, nhà thầu Hitachi cũng vừa bàn giao thiết bị phục vụ cho tuyến metro số 1, qua đó gỡ "nút thắt" lớn cho dự án, giúp các đoàn tàu tuyến metro này sớm lăn bánh.
Theo đó, từ ngày 5/8, nhà thầu Hitachi đã bắt đầu bàn giao toàn bộ hệ thống cơ điện của gói thầu CP3 cho Liên danh tư vấn chung NJPT để phục vụ công tác đào tạo thực hành trên chính tuyến cho nhân viên Công ty TNHH một thành viên Ðường sắt đô thị số 1 (đơn vị vận hành tuyến). Hệ thống thiết bị được bàn giao bao gồm 11 hệ thống: Hệ thống đoàn tàu, đường ray, thẻ vé, thông tin, tín hiệu, biển báo hiệu, cung cấp nguồn điện, cấp điện trên cao, thiết bị depot và nhà xưởng, kiểm soát giám sát và thu thập dữ liệu, hệ thống cửa chắn ke ga.
"Ðây là cột mốc quan trọng khi nhân viên người Việt Nam trực tiếp thực hành trên các trang thiết bị của dự án sau thời gian dài học lý thuyết. Trước đây, theo diễn giải của nhà thầu, toàn bộ hệ thống thiết bị sẽ không được bàn giao để phục vụ công tác đào tạo cho đến khi các thiết bị được nghiệm thu", đại diện Công ty TNHH một thành viên Ðường sắt đô thị số 1 chia sẻ.
Theo kế hoạch, quá trình đào tạo thực hành trên chính tuyến cho nhân viên Công ty TNHH một thành viên Ðường sắt đô thị số 1 sẽ kết thúc trong tháng 9/2024. Các nhân viên đã hoàn thành quá trình đào tạo sẽ tham gia công tác vận hành thử (trial run) vào tháng 10 và tháng 11 tới với sự đánh giá độc lập của Tư vấn an toàn hệ thống (BVT) của Pháp.
Căn cứ kết quả đánh giá công tác vận hành thử và báo cáo thẩm định an toàn hệ thống của tư vấn BVT, chủ đầu tư sẽ trình nộp hồ sơ cho Cục Ðường sắt để thực hiện công tác thẩm định an toàn và cho Hội đồng Nghiệm thu nhà nước để hoàn tất công tác nghiệm thu hoàn thành, đưa dự án vào vận hành khai thác.
Liên quan đến dự án Metro Bến Thành-Suối Tiên, Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, trong đó thời gian hoàn thành thi công dự án cuối quý IV/2024. Các nội dung khác không thay đổi so với chủ trương đầu tư dự án đã được phê duyệt trước đó. Căn cứ điều chỉnh này, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh được giao thực hiện phê duyệt điều chỉnh dự án, đồng thời tổ chức thực hiện theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm chất lượng, hiệu quả; có cam kết ràng buộc trách nhiệm các bên, chế tài xử lý, chủ động có biện pháp giải quyết các khó khăn, vướng mắc, cam kết thực hiện dự án theo đúng tiến độ.