Nỗ lực hàn gắn mối quan hệ Israel-Thổ Nhĩ Kỳ

Israel và Thổ Nhĩ Kỳ quyết định khôi phục hoàn toàn mối quan hệ ngoại giao và sẽ cử đại sứ tới nước còn lại. Sau nhiều năm rạn nứt, những nỗ lực hàn gắn đang dần đưa mối quan hệ giữa hai quốc gia Địa Trung Hải sang một trang mới tươi sáng hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Nguồn: IRIA)
Ảnh minh họa. (Nguồn: IRIA)

ISRAEL và Thổ Nhĩ Kỳ chính thức hóa quan hệ ngoại giao từ năm 1949. Đến năm 2008, mối quan hệ song phương bắt đầu xuất hiện rạn nứt sau một chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza. Năm 2010, mối quan hệ dường như bị “đóng băng” sau khi Israel tiến hành đột kích nhằm vào đội tàu do Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu, với cáo buộc đội tàu này vi phạm lệnh phong tỏa Dải Gaza.

Căng thẳng tiếp tục lên cao năm 2018 khi Thổ Nhĩ Kỳ và Israel trục xuất đại sứ của nhau, trong bối cảnh lực lượng an ninh Israel nỗ lực trấn áp các cuộc biểu tình ở biên giới Gaza phản đối việc Mỹ mở Đại sứ quán tại Jerusalem.

Trong những tháng gần đây, quan hệ giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều dấu hiệu cải thiện. Hồi tháng 3, Tổng thống Israel Isaac Herzog (I.Hơ-dóc) thực hiện chuyến thăm lịch sử tới Ankara và hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Recep Tayyip Erdogan (R.Éc-đô-gan). Đây là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao Israel tới Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 2008. Tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Mevlut Cavusoglu (M.Ca-vu-xô-glu) trở thành người đứng đầu ngành ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên đến thăm Israel trong vòng 15 năm qua.

Văn phòng Thủ tướng Israel Yair Lapid (Y.La-pít) hôm 17/8 thông báo, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định khôi phục hoàn toàn các mối quan hệ ngoại giao và sẽ cử đại sứ tới nước còn lại trong bối cảnh quan hệ song phương từng bước được cải thiện. Quyết định được hai bên đưa ra sau cuộc trò chuyện giữa Thủ tướng Israel Lapid và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan.

Thông báo nêu rõ, việc Israel nối lại quan hệ song phương với Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò quan trọng cho sự ổn định khu vực và là thông tin kinh tế tích cực cho người dân Israel, góp phần thúc đẩy liên kết giữa người dân hai nước, mở rộng các mối quan hệ kinh tế, thương mại và văn hóa, củng cố an ninh khu vực.

Ngay sau thông báo từ phía Israel, Thổ Nhĩ Kỳ cũng xác nhận quyết định khôi phục quan hệ ngoại giao với Israel, sau nhiều năm căng thẳng. Trong tuyên bố với báo giới ở Ankara, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu cho rằng việc mỗi nước cử đại sứ tới nước còn lại đóng vai trò quan trọng trong cải thiện quan hệ song phương.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn nhấn mạnh rằng quyết định khôi phục quan hệ ngoại giao với Israel không đồng nghĩa với việc Ankara ngừng ủng hộ người Palestine. Bộ trưởng Cavusoglu khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục bảo vệ các quyền của Palestine, Jerusalem và Gaza. Ankara không công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và vẫn đặt đại sứ quán tại Tel Aviv.

Thiện chí khôi phục mối quan hệ được Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra trong bối cảnh cả hai bên đều nỗ lực cải thiện quan hệ với các nước trong khu vực. Hai năm sau khi Hiệp định Abraham được ký kết, Israel đã bình thường hóa quan hệ với Bahrain, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Maroc. Trong khi đó, những năm gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tích cực cải thiện mối quan hệ không mấy êm ấm với các quốc gia trong khu vực như Ai Cập, Saudi Arabia và Israel.

Các nhà phân tích cho rằng, các yếu tố kinh tế và an ninh đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy Israel và Thổ Nhĩ Kỳ cải thiện quan hệ song phương. Với mức lạm phát hơn 70% như hiện nay, rõ ràng, Ankara muốn thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn từ các nước trong khu vực. Các thách thức an ninh ở Syria và phía Đông Địa Trung Hải được xem là mối quan tâm chung của cả hai nước. Thổ Nhĩ Kỳ coi Israel là quốc gia mạnh mẽ, trong khi với Israel, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia đóng vai trò cân bằng trong khu vực.

Phía trước còn nhiều mối quan ngại mà cả Israel và Thổ Nhĩ Kỳ cần vượt qua để khôi phục hoàn toàn mối quan hệ. Trong bối cảnh thế giới đang bị tác động mạnh mẽ bởi những căng thăng địa chính trị, thiện chí hàn gắn rạn nứt, xích lại gần nhau hơn giữa các nước đều đáng được hoan nghênh.