Nỗ lực đưa các dự án giao thông trọng điểm về đích

Tập trung nhân lực, thiết bị để đẩy nhanh tiến độ là yêu cầu của thành phố Hà Nội, đang được các chủ đầu tư, nhà thầu nghiêm túc thực hiện để đưa nhiều dự án giao thông trọng điểm về đích trong năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đang được khẩn trương thi công để hoàn thành vào tháng 9/2023.
Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đang được khẩn trương thi công để hoàn thành vào tháng 9/2023.

Giữa tháng 3/2023, dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 bắt đầu được thi công khối hợp long đầu tiên mang ký hiệu KN-1. Trên công trường, hàng trăm công nhân cùng nhiều máy móc hiện đại được tổ chức thi công ba ca, nhằm đưa dự án hoàn thành tiến độ được giao.

Ông Đặng Xuân Đại, cán bộ phụ trách kỹ thuật công trường cho biết, dự kiến vào giữa tháng 6/2023, sau khi hoàn thành cả tám khối hợp long, cầu sẽ hoàn thiện việc kết nối hai bờ sông.

“Ngay sau khi hoàn thành hợp long, chúng tôi sẽ huy động nhân lực, trang thiết bị máy móc để hoàn thành những hạng mục như lan-can, hệ thống thoát nước, bản mặt cầu, dự kiến cuối tháng 8/2023, chúng tôi sẽ hoàn thành toàn bộ gói thầu”, ông Đặng Xuân Đại cho biết.

Như vậy chỉ sau hơn hai năm khởi công, dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng dự kiến hoàn thành vào dịp Quốc khánh năm nay.

Tại Dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao Chùa Bộc-Phạm Ngọc Thạch sau khoảng 16 tháng thi công (từ tháng 11/2021), với mức đầu tư 147 tỷ đồng, các đơn vị thi công đã lắp đặt xong khung cầu và hợp long đốt dầm cuối cùng tại điểm cong và đang gấp rút triển khai các hạng mục tiếp theo, dự kiến thông xe vào cuối tháng 4/2023.

Đại diện Ban Quản lý Dự án các công trình giao thông Hà Nội cho biết, các dầm thép được các đơn vị thi công lắp đặt xong theo chiều dài cầu là 320m, đỡ các dầm thép hiện tại là các trụ thép bản lớn. Phần đường dẫn phía đường Phạm Ngọc Thạch đã được đổ bê-tông xong, đang chất tải vật liệu và chuẩn bị hoàn chỉnh bề mặt cầu.

Sau khi cầu vượt Chùa Bộc-Phạm Ngọc Thạch được hoàn thành, Hà Nội sẽ mở rộng mặt đường Tôn Thất Tùng theo quy hoạch và xây dựng bổ sung thêm nhánh cầu trên đường Tôn Thất Tùng, khớp nối với nhánh cầu phía Phạm Ngọc Thạch, tạo thành cầu vượt chữ Y hoàn chỉnh, nâng cao khả năng thông hành, chống ùn tắc giao thông.

Trong khi đó, Dự án đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội sau nhiều lần điều chỉnh tiến độ, mới đây đã được Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) đề xuất thời gian đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao vào tháng 8/2023.

Các mốc tiến độ cụ thể được MRB đề xuất như sau: Hoàn thành gói thầu CP5 Depot vào tháng 5/2023; hoàn thành nghiệm thu bàn giao, chứng nhận an toàn hệ thống vào tháng 8/2023; tổ chức giai đoạn vận hành thử cho 57 kịch bản vận hành, bảo trì theo lịch chạy tàu ba ca/ngày, bảy ngày/tuần từ tháng 5/2023 đến tháng 6/2023. Hội đồng Kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu đã kiểm tra, chứng kiến giai đoạn chạy thử.

Dự kiến, chấp thuận cuối cùng của Hội đồng sẽ được ban hành sau 30 ngày kể từ khi hoàn thành vận hành thử và hoàn thành đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống, dự kiến vào tháng 8/2023.

Hiện có 31 tuyến buýt kết nối với đoạn tuyến đường sắt đô thị, đoạn trên cao từ Nhổn đến Cầu Giấy, sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại bằng xe buýt của hơn 118.000 lượt hành khách mỗi ngày.

Khi đưa vào khai thác, dự kiến số lượng khách đi lại qua khu vực này sẽ tăng cao, do đó, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội sẽ phải bố trí lại, bổ sung điểm dừng xe buýt dọc tuyến để thuận tiện cho việc kết nối các ga đường sắt đô thị.

Theo phương án đang được xây dựng, sẽ có thêm 12 tuyến buýt kết nối với đường sắt đô thị, trong đó có ba tuyến được điều chỉnh (gồm tuyến 39, 96, CNG 07) và chín tuyến mở mới. Sau khi hoàn thiện phương án kết nối xe buýt, năng lực trung chuyển, giải tỏa của xe buýt tại các điểm đầu cuối, ga dọc tuyến tăng lên, mạng lưới vận tải hành khách công cộng dọc hành lang sẽ được cải thiện.

Cùng với việc tập trung hoàn thành các dự án trọng điểm trong năm 2023, thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các cơ quan chức năng đẩy nhanh hàng loạt công trình hạ tầng giao thông quan trọng khác như dự án hầm chui tại nút giao giữa đường Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng; dự án tăng cường giao thông đô thị bền vững cho tuyến đường sắt đô thị số 3; dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương-đường Thanh Niên giai đoạn 2; dự án cải tạo quốc lộ 6 đoạn Ba La-Xuân Mai; dự án đầu tư xây dựng đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3; tập trung hoàn thiện thủ tục để khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội vào tháng 6/2023.

Đây đều là các dự án quan trọng nhằm đồng bộ hạ tầng, hạn chế ùn tắc giao thông, phục vụ người dân đi lại thuận tiện, an toàn, là nền tảng để phát triển kinh tế-xã hội.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn nhấn mạnh, thời gian tới, các đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu thi công cần nỗ lực hơn nữa, tập trung huy động máy móc, nhân lực thi công, khi gặp khó khăn, vướng mắc, báo cáo ngay Ủy ban nhân dân thành phố để kịp thời giải quyết, đưa các dự án giao thông hoàn thành đúng hạn.