Nỗ lực bình ổn giá, kích cầu tiêu dùng

Giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn ở mức cao và thường xuyên tăng, sức mua của người dân đã giảm sút khá nhiều. Trước tình hình đó, ngành công thương Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ổn định giá cả, kích cầu mua sắm trong những tháng cuối năm.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân mua sắm hàng tiêu dùng thiết yếu được giảm giá tại một siêu thị Co.opmart ở Thành phố Hồ Chí Minh. (ảnh: CTV)
Người dân mua sắm hàng tiêu dùng thiết yếu được giảm giá tại một siêu thị Co.opmart ở Thành phố Hồ Chí Minh. (ảnh: CTV)

Ngay từ tháng 4/2023, ngành công thương thành phố đã triển khai Chương trình bình ổn thị trường năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 gắn liền với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Chương trình áp dụng cho 11 nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, với khoảng 44 đơn vị sản xuất, kinh doanh tham gia, khối lượng hàng bình ổn giá chiếm từ 23% đến 31% nhu cầu thị trường.

Tuy nhiên, trong cuối tháng 9 vừa qua, giá xăng-dầu đã tăng lên mức cao, tỷ giá ngoại hối cũng biến động theo hướng bất lợi, khiến giá nhiều loại nguyên vật liệu đầu vào của hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng lên theo. Do vậy, giá của nhiều loại hàng hóa và dịch vụ thiết yếu đã tăng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái và đầu năm nay.

Tăng cường khuyến mãi, ưu đãi

Áp lực tăng giá càng lớn hơn trong những tháng cuối năm nay và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhất là những mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Theo một số doanh nghiệp sản xuất, cung ứng hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm thiết yếu, phần lớn chi phí đầu vào đã tăng từ 15% đến 20% so với đầu năm nay. Vì vậy, một số doanh nghiệp đang xem xét lại giá bán hàng hóa. Hiện tại, giá nhiều loại thực phẩm (rau, củ, quả, thịt, cá…) ở các chợ truyền thống đã tăng khá mạnh so với đầu tháng 9/2023, tăng bình quân từ 5.000 đồng/kg đến 10.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, các hệ thống siêu thị vẫn đang cố gắng giữ giá và thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi để cải thiện sức mua, thu hút người tiêu dùng. Các hệ thống bán lẻ thuộc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố (Saigon Co.op) như Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Cheers, Finelife… đang triển khai thực hiện chương trình “Thương hiệu hội tụ siêu sale” tại 800 điểm bán.

Theo đó, hơn 500 mặt hàng là thương hiệu Việt được khách hàng ưa chuộng nhất thời gian qua như sữa tươi TH True milk, nước mắm Phú Quốc, mì ăn liền Vifon, bánh quy Cosy, dầu ăn Simply, dầu ăn Tường An, dầu thực vật Cái Lân, đường Biên Hòa, hàng thương hiệu Co.op (Select, Happy, Finest)… được tập trung trưng bày ở những vị trí đẹp mắt của điểm bán lẻ và được khuyến mãi, giảm giá đến 50%.

Bên cạnh thương hiệu Việt, Co.opmart, Co.opXtra cũng giảm giá đến 30% đối với 50 mặt hàng gia vị, thực phẩm khô… nhập khẩu; các mặt hàng thực phẩm tươi sống cũng được giảm giá từ 15% đến 25%; giảm giá từ 20% đến 50% đối với nhiều mặt hàng bột giặt, nước vệ sinh, thời trang, đồ dùng gia đình… Hệ thống bán lẻ thuộc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) thì triển khai chương trình khuyến mãi “Giá tốt mua ngay”, với nhiều mặt hàng giảm giá đến 49% cùng nhiều sản phẩm được giảm giá đặc biệt dành cho khách hàng thành viên.

Saigon Co.op xác định khách hàng không chỉ là đối tượng phục vụ mà còn là bạn đồng hành. Vì thế, trong quá trình kinh doanh, bên cạnh giảm giá trực tiếp, tặng thêm nhiều quyền lợi khi mua sắm, Saigon Co.op cũng liên tục cải tiến, cập nhật các công nghệ hiện đại, đem đến trải nghiệm thuận tiện cho khách hàng khi đến mua sắm tại các hệ thống bán lẻ của đơn vị.

Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành hoạt động Co.opmart kiêm Giám đốc marketing Saigon Co.op

Ổn định, kiểm soát chặt giá cả

Trước những áp lực ngày càng lớn đối với việc giữ ổn định giá hàng hóa thiết yếu trong những tháng cuối năm và mùa Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ngành công thương thành phố đang tích cực triển khai nhiều nhóm giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, giữ ổn định giá cả hàng hóa thiết yếu, kích cầu tiêu dùng. Cụ thể, Sở Công thương thành phố sẽ vận động các hệ thống phân phối-bán lẻ tham gia công tác chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ mùa mua sắm cuối năm. Sở cũng phối hợp các doanh nghiệp phân phối-bán lẻ xây dựng kế hoạch bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Nhằm ổn định niềm tin, tâm lý cho người tiêu dùng và doanh nghiệp, theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Công thương đã và đang tập trung cao nhất cho chương trình khuyến mại tập trung (Shopping Season) lần 2/2023 vào dịp cuối năm nay. Trong đó, công tác thông tin-tuyên truyền sẽ được tăng cường đẩy mạnh để các doanh nghiệp thấy được hiệu quả của chương trình lần 1/2023 (tổ chức vào giữa năm) và yên tâm tham gia lần 2.

Ngoài ra, ngành công thương thành phố cũng sẽ tận dụng ở mức cao nhất các cơ hội gia tăng sức mua như Black Friday, lễ Giáng sinh, Tết dương lịch, Tết Nguyên đán…, phát động chương trình khuyến mãi, công bố sớm và đầy đủ, chi tiết thông tin để doanh nghiệp chủ động tham gia.

Cùng với đó, dự kiến, cuối tháng 12/2023 Sở Công thương sẽ tổ chức hội nghị kết nối cung-cầu giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố năm 2023 nhằm kết nối các đơn vị sản xuất-cung ứng, tìm nguồn cung hàng hóa an toàn, giá hợp lý và có chất lượng tốt để cung cấp cho người dân thành phố. Bên cạnh đó, ngành công thương thành phố cũng đã có sự chuẩn bị kỹ càng các giải pháp, phương án để xử lý, can thiệp kịp thời các tình huống thị trường biến động, giá cả tăng đột biến, bảo đảm công tác cung ứng-phân phối hàng hóa thiết yếu không bị gián đoạn hoặc thiếu cục bộ…