Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), năm 2022, NHNN đã điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại tệ, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trước diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới và căng thẳng địa chính trị.
Về điều hành lãi suất: trong 8 tháng đầu năm 2022, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng nhanh (tính từ đầu năm 2022 đến nay, có tổng cộng 340 lượt tăng lãi suất trên toàn cầu) và áp lực lạm phát trong nước gia tăng, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp.
Tuy nhiên, từ tháng 9/2022, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã liên tục điều chỉnh nhanh, mạnh lãi suất điều hành và dự báo còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, đồng USD lên giá mạnh, gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát. Để tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, NHNN đã điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành, cụ thể: 2 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức tăng 2%/năm và lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND kỳ hạn dưới 6 tháng tại TCTD với tổng mức tăng 0,8-2%/năm (vào các ngày 23/9 và 25/10/2022); tăng 1%/năm lãi suất cho vay tối đa bằng VND đối với một số lĩnh vực ưu tiên (vào ngày 25/10/2022).
Đây là giải pháp kịp thời, phù hợp xu hướng chung trên toàn thế giới để ưu tiên kiểm soát lạm phát, giữ ổn định thị trường ngoại tệ, tạo dư địa thích ứng với các biến động trên thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn hệ thống. Đồng thời, NHNN chỉ đạo TCTD tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn.
Trong điều hành tỷ giá và thị trường ngoại tệ: với nhiều nỗ lực, cố gắng trong làm việc và đàm phán của Chính phủ và NHNN, ngày 10/11/2022, Bộ Tài chính Hoa Kỳ ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ”. Theo đó, trong kỳ báo cáo này, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách giám sát về thao túng tiền tệ, đồng thời, đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của NHNN trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Mặc dù chịu nhiều khó khăn, thách thức, thị trường ngoại tệ cơ bản ổn định, tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt để thích ứng trước diễn biến khó lường và áp lực lớn của thị trường quốc tế. Hoạt động trên thị trường, ngoại tệ về cơ bản diễn ra thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được các TCTD đáp ứng, trong đó có nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Về điều hành tín dụng chung: căn cứ định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, NHNN đã thực hiện điều hành tín dụng hỗ trợ phục hồi kinh tế, đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát; chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư, kinh doanh chứng khoán, bất động sản (nhất là kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, các dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp...); tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận tín dụng ngân hàng.
Đến tháng 11/2022, tình hình tác động từ bên ngoài dịu bớt, thanh khoản của TCTD cải thiện hơn, NHNN quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5-2% cho toàn hệ thống các TCTD. Nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng theo hướng, các TCTD có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn. Bên cạnh việc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng, NHNN cũng yêu cầu các TCTD chủ động cân đối vốn phù hợp đề cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao); các động lực tăng trưởng theo đúng chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; xây dựng khu công nghiệp; cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân; các dự án bất động sản nhà ở sắp hoàn thành xây dựng và bàn giao, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, bảo đảm tính pháp lý, có thanh khoản tốt, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, các dự án nhà ở thương mại với giá phù hợp.
Với hệ thống các chỉ đạo và giải pháp đồng bộ của NHNN, đến ngày 21/12/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 11,78 triệu tỷ đồng, tăng 12,87% so cuối năm 2021, tăng 13,96% so cùng kỳ năm 2021. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh; tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát; dư nợ tín dụng đối với 23 chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội đến 30/11/2022 đạt khoảng 279.732 tỷ đồng, tăng 12,81% so năm 2021 với hơn 6,4 triệu khách hàng còn dư nợ.
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP, ngành Ngân hàng đã rất tích cực triển khai nhiều giải pháp để đẩy nhanh thực hiện chính sách, như: ban hành Thông tư hướng dẫn, Chỉ thị chỉ đạo và nhiều văn bản đôn đốc các ngân hàng thương mại và chi nhánh NHNN 63 tỉnh, thành phố; tổ chức các Hội nghị toàn quốc và các hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp tại địa phương; thành lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; các ngân hàng thương mại chủ động rà soát để nắm bắt nhu cầu, thông báo, hướng dẫn khách hàng về hồ sơ, thủ tục; tích cực truyền thông, thông tin về chính sách; khảo sát, nắm bắt thực tế triển khai tại địa phương.
Tiếp tục triển khai một số giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vay vốn tại TCTD. Đến cuối tháng 6/2022 (thời điểm kết thúc chính sách), các TCTD đã thực hiện: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ lũy kế hơn 722 nghìn tỷ đồng với gần 1,1 triệu khách hàng; miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ lũy kế là hơn 92 nghìn tỷ đồng với gần 562 nghìn khách hàng; tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ...
Công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được triển khai quyết liệt và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như: trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; ban hành và triển khai Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng để triển khai đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án.
Về cơ bản sự ổn định, an toàn hoạt động của hệ thống các TCTD tiếp tục được giữ vững. Năng lực tài chính, chất lượng quản trị, điều hành, các chuẩn mực, thiết chế an toàn của hệ thống TCTD từng bước được củng cố, tiệm cận thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn Việt Nam. Đồng thời, nhờ tích cực triển khai các giải pháp đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh nên tỷ lệ nợ xấu nội bảng vẫn ở mức an toàn.
Về thanh toán không dùng tiền mặt: trong 11 tháng năm 2022, hoạt động này đạt mức tăng trưởng cao so cùng kỳ năm 2021. Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 85,6% về số lượng và 31,39% về giá trị; qua kênh internet tăng tương ứng 89,36% và 40,55%; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 116,1% và 92,3%; qua phương thức mã QR tăng tương ứng 182,5% và 210,6%; giao dịch qua POS tăng tương ứng 53,57% và 48,78%; giao dịch qua ATM tăng tương ứng 13,28% và 14,04%...
Tham luận tại hội nghị, Chủ tịch HĐTV Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Phạm Đức Ấn nhấn mạnh, ngay từ đầu năm, Agribank, đã đặt ra nhiều kịch bản nhưng chủ động điều hành theo kịch bản khó khăn nhất, vì vậy, kết quả đạt được rất tích cực trên nhiều phương diện: hiện nay, dư nợ tín dụng của Agribank đạt hơn 1 triệu 450 nghìn tỷ đồng, trong đó hơn 65% phục vụ cho tam nông, góp phần tích cực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, hạn chế tín dụng đen.
Trong điều kiện khó khăn, Agribank đã thể hiện rõ nét vai trò của ngân hàng thương mại nhà nước lớn trong tuân thủ pháp luật, thực hiện hiệu quả chính sách tiền tệ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, là công cụ quan trọng của Nhà nước góp phần ổn định thị trường tiền tệ, đặc biệt trong điều kiện khó khăn thanh khoản của hệ thống ngân hàng.
Agribank đã triển khai các giải pháp tăng nguồn thu, kiểm soát chi phí hợp lý, đặc biệt triển khai chương trình giảm lãi đặc biệt để hỗ trợ và khuyến khích trả nợ cho khách hàng có nợ xấu, nợ đã xử lý rủi ro, qua đó ngoài việc bảo đảm lợi nhuận, làm cơ sở tăng vốn điều lệ, Agribank đã áp dụng lãi suất phù hợp cho khách hàng, đồng thời dành gần 2.000 tỷ đồng để giảm lãi suất cho khách hàng vay vốn, khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, khách hàng là những đối tượng ưu tiên theo Nghị định 31.
Agribank kiến nghị, do vốn điều lệ thấp, nên theo quy định, quy mô tín dụng hiện tại của Agribank không bảo đảm hệ số an toàn vốn tối thiểu để tăng trưởng tín dụng, do đó, tăng trưởng tín dụng cũng chỉ ở mức thấp hơn so bình quân toàn hệ thống, vì vậy việc tăng vốn điều lệ cho Agribank là rất cấp thiết, trong khi chờ Quốc hội phương án tăng vốn 3 năm, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tạm ứng cấp vốn điều lệ cho Agribank 6.753 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua dự toán ngân sách cấp năm 2023.
Việc triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị định 31 Chính phủ, mặc dù được triển khai rất quyết liệt từ Chính phủ, NHNN, ngân hàng thương mại nhưng kết quả còn hạn chế do nhiều nguyên nhân, đặc biệt tâm lý e ngại từ chính khách hàng vay vốn. Vì vậy, gói hỗ trợ 40 nghìn tỷ đồng từ ngân sách nhà nước theo chương trình này cần được xem xét, chuyển đổi hình thức sang chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước hoặc cơ chế miễn, giảm thuế đối với những đối tượng cần được hỗ trợ.
Những khó khăn từ các yếu tố trong nước và quốc tế ngày càng ảnh hưởng tiêu cực đối với doanh nghiệp, vì vậy, khả năng trả nợ trong năm 2023 sẽ gặp nhiều khó khăn, nguy cơ nợ xấu cao, ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp, vì vậy NHNN cần sớm xem xét cơ chế cho phép ngân hàng thương mại cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng còn khó khăn trong dòng tiền trả nợ cho ngân hàng trong năm 2023.
Ngoài ra, hiện nay xuất hiện nhóm khách hàng có cấu trúc phức tạp, dùng nhiều thủ thuật để lách quy định, che giấu ngân hàng về mục đích sử dụng vốn để đầu tư kinh doanh mạo hiểm, kinh doanh bất động sản, tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho hệ thống ngân hàng cũng như tác động tiêu cực nền kinh tế. Vì vậy cần có cơ chế ngăn chặn, đồng thời kiểm soát hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân, trong đó đặc biệt là về hệ số sử dụng vốn vay, vốn huy động lớn.
Chính phủ và các bộ, ngành cần có chương trình hỗ trợ, kiểm soát thị trường bất động sản để tránh khủng hoảng đối với thị trường này, gây nhiều hệ lụy tiêu cực đối với các ngành khác; đồng thời giải quyết triệt để bài toán đầu cơ, thổi giá bất động sản như thời gian qua, gây thiệt hại cho người dân có nhu cầu nhà ở cũng như nền kinh tế.
Thủ tướng kết luận hội nghị. |
Phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, năm 2022 - một năm đầy khó khăn, thách thức, sóng gió. Trong bối cảnh đó, ngành ngân hàng đã có thêm kinh nghiệm, trưởng thành hơn; bài học kinh nghiệm rút ra là càng khó khăn phát triển, càng đoàn kết thống nhất, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, thích ứng, tìm cách thoát khỏi khó khăn.
Thủ tướng yêu cầu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta đều phải bình tĩnh, sáng suốt, bản lĩnh, nhưng cũng không quá phấn khích khi có thuận lợi, khi có kết quả tích cực; không hốt hoảng, hoang mang, dao động; cần phải đoàn kết, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương, cơ quan để hoàn thành nhiệm vụ; biết lắng nghe, chia sẻ, thông cảm với nhau, nhất là trong hệ thống ngân hàng; phải nắm bắt tình hình sát thực tế; coi cuộc sống của người khác như cuộc sống của mình khi họ khó khăn, gặp rủi ro; phải đặt hoàn cảnh của mình vào người ta để thấu hiểu, cùng giải quyết khó khăn.
Thủ tướng cũng khẳng định, trong thành tựu chung của cả nước năm 2022 có sự đóng góp quan trọng của Ngân hàng nhà nước, trong đó cung ứng tín dụng cho hoạt động kinh tế, ngân hàng là mạch máu của nền kinh tế; nêu rõ, lĩnh vực ngân hàng rất đặc thù, nhưng rất nhạy cảm, liên quan toàn dân, doanh nghiệp; ngân hàng phát triển được là nhờ sự phát triển của doanh nghiệp, sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân; ngược lại, ngân hàng phát triển được thì mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, người dân. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực, quyết tâm cao và kết quả đạt được của ngành Ngân hàng trong năm 2022; đồng thời chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế của ngành ngân hàng.
Về triển khai nhiệm vụ của ngành, Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2023 là năm khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi khi kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại; cuộc chiến chống lạm phát đang quyết liệt; xung đột Nga-Ukraine chưa biết khi nào kết thúc, cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt hơn…; ở trong nước, nền kinh tế chúng ta bộc lộ các khó khăn, trong đó có lĩnh vực ngân hàng. Nhận thức được điều đó để chúng ta thấy được khó khăn, nhưng càng khó khăn càng phải thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, sáng tạo.
Thủ tướng nêu rõ, mục tiêu của năm 2023 và các năm tiếp theo là phải bảo đảm an ninh tiền tệ và tài chính quốc gia; bảo đảm an toàn hệ thống, phát triển công khai, minh bạch, an toàn, lành mạnh, bền vững; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, nhân dân, các chủ thể liên quan; bảo đảm thanh khoản thông suốt của hệ thống ngân hàng trong bất cứ hoàn cảnh nào; bảo đảm sự cân bằng, hài hoà, hợp lý giữa tăng trưởng và lạm phát, giữ tỷ giá và lãi suất, lãi suất và lạm phát; bảo đảm thanh khoản hợp lý, an toàn hệ thống, tháo gỡ khó khăn, kiên quyết không để thiếu vốn cho người dân và doanh nghiệp.
Đồng thời, đẩy mạnh cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, bảo đảm an toàn, xử lý nhanh và quyết liệt các ngân hàng yếu kém; chấn chỉnh, củng cố hệ thống thanh tra, giám sát; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, bảo đảm an ninh, an toàn, quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng; tập trung phát triển tín dụng xanh, chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, hỗ trợ đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank Phạm Đức Ấn tham luận tại hội nghị. |
Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng nhấn mạnh, Ngân hàng nhà nước tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; bảo đảm thanh khoản thông suốt cho hệ thống trong tình huống; tăng cường năng lực phân tích, dự báo, tham mưu kịp thời, ứng phó linh hoạt với diễn biến tình hình.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện thế chế, cơ chế, chính sách về tiền tệ ngân hàng. Các ngân hàng phải chỉ ra các vướng mắc để tháo gỡ; tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, bảo đảm sát thực tiễn Việt Nam là nền kinh tế đang chuyển đổi, một nước đang phát triển; tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách tín dụng góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; tiếp tục phấn đấu đi đầu trong rà soát, cải cách hành chính, đặc biệt là đơn giản hóa các quy trình, thủ tục về tín dụng, ngân hàng, tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, lành mạnh, hiệu quả và doanh nghiệp, người dân tiếp cận ngày càng dễ dàng hơn dịch vụ ngân hàng với chi phí thấp hơn.
Ngoài ra, triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; củng cố, tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, giám sát; tiếp tục nỗ lực giữ vững vị trí là một trong những ngành, cơ quan đi đầu trong chuyển đổi số, phải tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, chú ý vùng sâu, vùng xa, các đối tượng yếu thế; tiếp tục chủ động, tích cực hợp tác và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng; tiếp tục thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách, góp phần củng cố niềm tin và sự đồng thuận trong xã hội đối với chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ và điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, tự tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng, có chính sách thu hút nhân tài; nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức ngành ngân hàng.