Nợ công của Đức tăng lên mức kỷ lục

Ngày 29/6, Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis) cho biết nợ công của nước này tiếp tục tăng trong quý đầu tiên của năm 2023, chạm mức kỷ lục 2.406,6 tỷ euro (tương đương 2.628,4 tỷ USD).
0:00 / 0:00
0:00
Các đường ống của công ty VNG AG tại Lauchstaedt, Đức, ngày 28/7/2022. (Ảnh: Reuters)
Các đường ống của công ty VNG AG tại Lauchstaedt, Đức, ngày 28/7/2022. (Ảnh: Reuters)

So với cuối năm 2022, nợ công của Đức trong quý I/2023 đã tăng thêm 38,8 tỷ euro, chủ yếu do nhu cầu tài chính gia tăng của chính phủ liên bang nhằm đối phó cuộc khủng hoảng năng lượng.

Để giảm tác động của giá năng lượng leo thang, Chính phủ Đức đã thành lập một quỹ bình ổn kinh tế vào tháng 11/2022 và đến nay đã huy động được 52,4 tỷ euro, đồng thời áp dụng thêm mức giá trần cho điện và khí đốt nhằm "hạ nhiệt" lạm phát giá năng lượng.

Giá năng lượng tăng vọt sau cuộc khủng hoảng Ukraine vốn là nguyên nhân chính đẩy lạm phát tại Đức trong năm 2022 lên cao, khiến Chính phủ phải nhanh chóng tìm biện pháp xoa dịu. Theo số liệu chính thức mới nhất, giá tiêu dùng năng lượng của Đức trong tháng 5 vừa qua đã giảm 2,6%.

Thời gian qua, Chính phủ Đức có xu hướng chi tiêu mạnh tay cho các biện pháp kiềm chế lạm phát, song họ dự định sẽ trở lại cân bằng ngân sách vào năm 2023. Để đạt được trạng thái này, chính sách "phanh nợ" - một biện pháp hạn chế các khoản vay mới - sẽ được khôi phục lần đầu tiên kể từ năm 2020.

Trong một tuyên bố hồi đầu tháng, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner nhấn mạnh chính sách "phanh nợ" có ý nghĩa quan trọng trên cơ sở một lý do kinh tế, rằng chính sách tài chính và tiền tệ cần được kết hợp hài hòa để chống lạm phát và tránh trường hợp hai chính sách này bị mâu thuẫn.

Năm 2020, Chính phủ Đức đã dỡ bỏ chính sách “phanh nợ” nhằm tạo điều kiện hỗ trợ trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc khôi phục chính sách này hiện đang là ưu tiên hàng đầu của Bộ Tài chính vào thời điểm nền kinh tế hàng đầu châu Âu đang đối mặt nhiều khó khăn do ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine.